Nhiều vi bằng được dùng làm chứng cứ trong điều tra, xét xử

(PLO) - Chính thức đi vào hoạt động được gần 2 năm, bằng sự nỗ lực không ngừng nghỉ, Văn phòng Thừa phát lại Hai Bà Trưng (Hà Nội) đã thu được những kết quả bước đầu, được người dân đón nhận tích cực.
Nhiều vi bằng được dùng làm chứng cứ trong điều tra, xét xử
Do là chế định mới, đang thí điểm nên Văn phòng Thừa phát lại (TPL) Hai Bà Trưng xác định phải làm tốt công tác tuyên truyền pháp luật về lĩnh vực này. Văn phòng đã phối hợp với Phòng Tư pháp và chính quyền địa phương tập huấn, tuyên truyền về TPL cho cán bộ chủ chốt, cán bộ thanh tra, xây dựng, tư pháp, địa chính, các tổ trưởng dân phố, tổ hòa giải... của 7 đơn vị cấp huyện, 210 xã phường, 9 đơn vị công an cấp phường, hệ thống ngân hàng PVcombank thông qua cầu truyền hình trực tiếp tới toàn bộ lãnh đạo các chi nhánh thuộc 63 tỉnh, thành phố trong cả nước; 6 đơn vị là Hiệp hội Bất động sản. 
Văn phòng cũng gửi hơn 7 ngàn thư ngỏ đến cán bộ chủ chốt, cán bộ làm công tác chuyên môn của UBND cấp xã, phường, phòng nghiệp vụ của 30 đơn vị hành chính cấp quận; đến các ngân hàng, phòng giao dịch; các văn phòng luật sư, công chứng, đấu giá…Tổ chức phát 11 ngàn tờ rơi và đến từng nhà dân. Trang web của văn phòng cũng có hàng trăm ngàn lượt truy cập.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, đến nay Văn phòng đã ký hợp đồng và thực hiện tống đạt với 5 đơn vị; đã thực hiện tống đạt 2.689 văn bản cho cơ quan tòa án, hơn 1.600 văn bản cho cơ quan thi hành án (THA). Các văn bản tống đạt được thực hiện theo đúng quy trình, không có sai sót nghiệp vụ. Văn phòng cũng đã ký thực hiện 6 hợp đồng xác minh điều kiện THA. 
Đặc biệt, trong lĩnh vực lập vi bằng, văn phòng đã ký 760 hợp đồng xác lập vi bằng theo yêu cầu của khách hàng. Các vi bằng được lập bảo đảm đúng luật pháp, được đăng ký tại Sở Tư pháp theo quy định. Rất nhiều vi bằng do Văn phòng lập đã được cung cấp cho cơ quan điều tra, tòa án dùng làm chứng cứ phục vụ công tác điều tra, xét xử. 
Nhiều vi bằng được các bên dùng làm chứng cứ phân chia tài sản khi ly hôn tại tòa án; phân định nhà đất làm nơi thờ cúng cho gia tộc, giải quyết tranh chấp lối đi; chấm dứt tình trạng đổ rác thải sang nhà hàng xóm… Đến nay Văn phòng TPL Hai Bà Trưng có 4 TPL và 11 nhân viên, được đầu tư cơ sở vật chất khang trang, hiện đại.
Mặc dù có thuận lợi là sự quan tâm chỉ đạo sát sao của thành phố, của Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS, sự phối hợp tốt của các cơ quan hữu quan và bước đầu được người dân đón nhận, song theo Trưởng Văn phòng Cao Anh Thúy thì khó khăn là việc tuyên truyền về TPL còn hạn chế, chưa đi vào chiều sâu; chi phí cho việc tống đạt còn rất thấp; số lượng văn bản các cơ quan THADS giao Văn phòng còn hạn chế. 
Trong xác minh điều kiện THA có những cơ quan trả lời rất chậm. Đặc biệt, đối với kết quả xác minh điều kiện THA của Văn phòng, khi người dân mang kết quả đến nộp tại cơ quan THADS thì không được chấp nhận, gây khó khăn cho khách hàng. 
Bên cạnh đó, không ít cán bộ, viên chức và cả người dân không hiểu giá trị của vi bằng trong thực tiễn cuộc sống do vi bằng chưa được quy định cụ thể. Nhiều cơ quan, tổ chức chưa thực sự đón nhận, chia sẻ và phối hợp với TPL. Việc tuyển chọn nhân sự tại các Văn phòng TPL cũng rất khó, tìm được người yêu nghề còn khó hơn.
Để TPL thực sự đi vào cuộc sống, đặc biệt khi thời điểm 1/1/2016 (TPL được thực hiện chính thức theo nghị quyết của Quốc hội –PV) sắp tới, bà Cao Anh Thúy đề xuất: Đảng, Nhà nước và thành phố tăng cường chỉ đạo chính quyền các cấp, các cơ quan, tổ chức cùng vào cuộc để TPL ngày càng gần hơn với cuộc sống của người dân; hỗ trợ tài chính cho hoạt động TPL thông qua chính sách khuyến khích như miễn, giảm thuế trong một số năm, hỗ trợ tuyên truyền… 
Quốc hội sớm ban hành Luật TPL tạo hành lang pháp lý cho TPL hoạt động, đồng thời tăng cường đào tạo, bổ sung nguồn nhân lực và có kế hoạch phân chia lại địa bàn tống đạt để thuận lợi cho việc di chuyển và tiết kiệm thời gian, chi phí. 

Đọc thêm