1. Năm trước, khi đi công tác ở Lai Châu, tôi đã vô cùng ngạc nhiên khi chứng kiến một nhóm các thầy cô giáo phân công nhau trực điện thoại di động được đặt cố định trên một cái ghế cao cách điểm trường chừng 70m. Một thầy giáo kể, là bởi, quanh điểm trường, chỉ có nơi đặt ghế gỗ đó có sóng điện thoại, mà là sóng với – tức là “vợt” được sóng vọng của 2 trạm BTS cách đó chừng 20 km – nên mức độ chỉ chập chờn. Khi nào có điện thoại gọi tới cho ai đó thì người trực phải chạy về gọi chủ nhân chiếc điện thoại ra nghe. Đem chuyện ra kể với nhà mạng, thì ra ở địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, khó có thể triển khai BTS trạm dầy như ở đô thị, các nhà mạng cố lắm thì lắp được mỗi xã một trạm BTS – đã được điều chỉnh để phát sóng xa nhất có thể, thế nên ở những khu vực xa trạm, sóng di động mất được thường xuyên.
Tôi cũng còn nhớ nụ cười của những người gác đèn Hải đăng trên các quần đảo nơi tôi đã qua, khi kể cuộc sống người gác đèn giờ đã khác so với những năm trước. Có sóng di động, hải đảo và đất liền gần hơn, thông tin không còn phải kẽo kẹt theo các con tàu lênh đênh trên biển mà thời gian vào bờ còn tính trên điều kiện thời tiết. Chỉ với một cuộc điện thoại được kết nối, đời sống đã thay đổi đi rất nhiều...
Mà trong cuộc sống hiện đại bùng nổ thông tin, không có sóng điện thoại, không liên lạc được với thế giới xung quanh, con người cô độc như trên ốc đảo. Thế cho nên, giữa rất nhiều việc mà các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam đã làm được năm rồi, tôi vẫn cho rằng, việc đưa dịch vụ viễn thông di động vệ tinh vào phục vụ là một trong những dịch vụ nhân văn nhất. Chưa dám nói tới hiệu quả kinh doanh, thì với ba phần tư diện tích lãnh thổ Việt Nam là đồi núi và khoảng một triệu ki lô mét vuông biển thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, nhu cầu đảm bảo thông tin liên lạc thường xuyên liên tục thực sự bức thiết trong thời điểm này.
2. Có thể hình dung thế này, với công nghệ di động mặt đất hiện đang được dùng phổ biến ở Việt Nam, trên lý thuyết, vùng phủ sóng đạt mức tối đa là 70 ki lô mét tính từ đất liền ra biển, tức là phần lớn vùng biển của chúng ta chưa được phủ sóng di động. Có điện thoại di động vệ tinh, khoảng 2 triệu ngư dân Việt Nam đang tham gia khai thác ở những ngư trường xa bờ có phương thức liên lạc với đất liền, với người thân thuận tiện, đảm bảo hơn, mà như người thủy thủ bạn tôi nói trên, thì “chúng tôi gần gũi nhau bất kể khoảng cách không gian, đấy là điều trước đây tôi vẫn mơ mỗi khi bắt đầu chuyến biển”.
Tương tự như vậy, công nghệ di động vệ tinh cũng sẽ giải quyết được hạn chế của công nghệ di động hiện hiện nay là chưa cho phép sóng di động vươn xa và phủ hết các điểm cao, các vùng xa xôi của Tổ quốc, bất kể điều kiện địa lý, thời tiết. Đồng nghĩa, các thầy cô giáo ở điểm trường sẽ yên tâm lên lớp và không còn phải cắt cử người trực di động ở điểm cố định. Thông tin liên lạc được đảm bảo kết nối thường xuyên cũng đáp ứng nhu cầu cấp thiết của nhiều tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải hàng hải, khai khoáng, dầu khí, du lịch biển đảo, du lịch vùng cao.
Nếu như việc mở cửa thị trường và mở rộng cạnh tranh đã đưa điện thoại di động đến với mọi người như một công cụ thiết yếu và bình thường của đời sống, thì kể từ sau ngày 4/8 – khi dịch vụ di động vệ tinh được chính thức đưa vào hoạt động, quyền được đảm bảo liên lạc ở bất cứ nơi đâu bất cứ lúc nào đang hiện hữu rõ hơn. Ông Phạm Đức Long, Tổng giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) - đơn vị đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam tới thời điểm này cung cấp dịch vụ di động vệ tinh VinaPhone-S, vui mừng chia sẻ, sử dụng công nghệ liên lạc từ vệ tinh nên VinaPhone-S sẽ “phủ sóng 100% toàn bộ vùng trời, vùng biển, biên giới hải đảo của Việt Nam, không còn “điểm đen” về liên lạc, vùng bao phủ trải rộng trên 140 quốc gia trải rộng từ Châu Âu, Bắc và Trung Phi, Trung Đông, Trung Á, các tiểu lục địa Ấn Độ, vùng Viễn Đông, Australia”.
Có thể các nhà kỹ thuật, các nhà cung cấp dịch vụ, giải pháp còn nhiều kỳ vọng vào dịch vụ này, để khẳng định “sứ mệnh tiên phong về công nghệ đáp ứng nhu cầu của đời sống xã hội”, nhưng đối với đông đảo những người sử dụng thông thường khác, công nghệ đáp ứng nhu cầu đời sống xã hội chính là đảm bảo cho họ được liên lạc và liên lạc được ngay khi họ cần, không bị phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng và điều kiện thời tiết, đảm bảo thông suốt trong mọi tình huống thiên tai bão lũ. Phải chính điều đó mới góp phần làm nên thứ duyên gọi là “hữu xạ tự nhiên hương” giữa người dùng và doanh nghiệp.
3. Dưới góc nhìn của nhà quản lý, dịch vụ di động vệ tinh đánh dấu một bước tiến quan trọng của hạ tầng viễn thông Việt Nam khi 100% lãnh thổ Việt Nam chính thức được phủ sóng, không còn “điểm đen” về liên lạc.
Nhưng dưới góc nhìn của nhiều người dân sống và công tác ở khu vực khó khăn, đây là dịch vụ di động vệ tinh nhân văn khi có thể phủ sóng ra đảo xa, lên núi cao, giúp nhận dân bám biển, bám rừng, giúp các chiến sĩ hải quân, biên giới làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc tốt hơn, mà như tâm sự của Giàng A Pó - một người Mông ở Tà Tổng (Mường Tè, Lai Châu) nói với chúng tôi: “Mình thích lắm, vì cái di động vệ tinh không bỏ rơi người dân tộc ở xa tít, giúp mình được tiếp cận với thông tin bên ngoài, giữ được liên lạc với cán bộ chiến sĩ mỗi khi có việc cấp bách xảy ra”.
Niềm vui đơn giản đó, chắc chắn sẽ là động lực không nhỏ để mỗi doanh nghiệp, mỗi tổ chức nỗ lực hơn nhằm tăng cường trách nhiệm xã hội trong hoạt động kinh doanh hằng ngày...