Những người lắng nghe bạn đọc như nghe chính trái tim mình

(PLO) - 365 ngày của năm 2016, Ban Pháp luật – Bạn đọc Báo Pháp luật Việt Nam đã nhận được gần 600 đơn, thư, đã tiếp hàng trăm lượt bạn đọc, nhận hàng ngàn cuộc điện thoại thông tin, phản ánh, thăm hỏi, động viên của bạn đọc khắp mọi miền Tổ quốc. 
Ban Pháp luật – Bạn đọc, Báo PLVN tiếp bà Nguyễn Thị Mai và người thân đi tìm công lý cho Thiếu úy Lữ Anh Dồi, tháng 7/2016.
Ban Pháp luật – Bạn đọc, Báo PLVN tiếp bà Nguyễn Thị Mai và người thân đi tìm công lý cho Thiếu úy Lữ Anh Dồi, tháng 7/2016.

Trong năm, chúng tôi cũng đã chuyển 450 đơn thư tới các cơ quan chức năng, trực tiếp xác minh hàng trăm lượt đơn thư, nhận hàng trăm lượt hồi đáp của cơ quan chức năng, cũng đã chuyển tới bạn đọc khoảng 600 câu hỏi – đáp pháp luật, hàng trăm tình huống pháp luật với sự tham gia tư vấn, giải đáp của nhiều luật sư, luật gia, chuyên gia pháp luật trong nhiều lĩnh vực. Có vui buồn, có vất vả, khó khăn, có sự hợp tác sẻ chia cũng có những lực cản, nhưng trên hết, niềm tin và sự kỳ vọng của bạn đọc đã giúp chúng tôi vững lòng bắc những nhịp cầu...

Lắng nghe bạn đọc như nghe chính trái tim mình

Một trong những nhiệm vụ chính mà Ban Pháp luật – Bạn đọc được cơ quan giao và luôn nhấn mạnh, đó là công tác tiếp bạn đọc. Bởi thế, ở chừng mực nào đó, có thể nói, phong thái và cách ứng xử của mỗi cán bộ, phóng viên trong Ban phản ánh bộ mặt, văn hóa của tờ báo.

Chính vì ý thức được trách nhiệm đó, chúng tôi luôn nhắc nhở nhau rèn luyện thái độ ứng xử, kỹ năng làm việc và bồi dưỡng kiến thức để đáp ứng nhu cầu công việc. Nếu phóng viên ban chuyên môn khác có may mắn được theo dõi chuyên sâu nên chỉ phải bỏ công sức tìm hiểu một, hai lĩnh vực nhất định thì phóng viên Ban Pháp luật – Bạn đọc có trách nhiệm tìm hiểu kiến thức xã hội, kiến thức pháp luật của nhiều lĩnh vực để từ đó có thể nghe – hiểu – tương tác với các nhu cầu của bạn đọc.

Mỗi bạn đọc, khi viết lá đơn gửi báo hay lặn lội đường xa tới báo, cũng đem theo tâm sự, cảnh ngộ và những kỳ vọng của mình, với mong muốn được cơ quan ngôn luận của Bộ Tư pháp sẻ chia, hỗ trợ họ tìm được công bằng.

Vì thế, có những buổi tiếp dân, chính phóng viên cũng trĩu lòng xót xa cho một gia đình, một số phận. Chúng tôi nhắc nhau lắng nghe bạn đọc như nghe chính trái tim mình, để đồng cảm, để có thể hiểu nhiều hơn những gì đã được diễn đạt dưới từng con chữ, qua từng câu nói. Nhưng, có thể đưa ra những phương pháp xử lý hợp lý đối với mỗi sự việc, đòi hỏi mỗi phóng viên phải có “cái đầu lạnh” để xét đoán đúng sai, thừa thiếu, từ đó đưa ra được tư vấn hợp lý cho bạn đọc, cũng đề xuất được cách thức xử lý thông tin trong đơn thư.

Chúng tôi còn nhớ, một buổi chiều tháng Bảy, khi cả phòng đang chuẩn bị kết thúc ngày làm việc thì bà Nguyễn Thị Mai (ngụ số 38 Quang Trung, khóm 5, phường 5, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) cùng ba người bạn bước vào.

Câu chuyện của người phụ nữ gần 40 năm kiên trì gõ cửa các cơ quan chức năng đề nghị minh oan và công nhận liệt sĩ cho chồng mình là Thiếu úy Lữ Anh Dồi, thuộc lực lượng Công an vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng) tỉnh Minh Hải (cũ) - người qua đời trong vụ án năm 1979, khiến chúng tôi không thể rời khỏi cơ quan, kể cả khi những người khách đã đi khỏi.

Bà kể: Sau khi Thiếu úy Lữ Anh Dồi chết, những người có trách nhiệm đã báo cáo sai sự thật, vu khống Lữ Anh Dồi cấu kết với các đối tượng vi phạm, khi bị phát hiện lại cố tình cướp súng chống cự nên bị tiêu diệt. Bà Nguyễn Thị Mai nhiều lần khiếu nại đề nghị làm rõ sự việc, dù phải chịu đựng một thời gian dài với những nghi vấn rằng Thiếu úy Dồi “là kẻ phản bội Tổ quốc”, “câu kết với tội phạm”, “khi bị phát hiện còn chống cự nên bị tiêu diệt”. 

9 năm sau, năm 1988, nhiều tình tiết trong vụ án Thiếu úy Lữ Anh Dồi đã được Tòa án quân sự các cấp làm rõ, đưa ra ánh sáng và xác định Thiếu úy Lữ Anh Dồi không mang tội phản quốc, đồng thời kiến nghị các cơ quan chức năng phục hồi chế độ chính trị và giải quyết chế độ chính sách cho Thiếu úy Lữ Anh Dồi.

Từ khi các cấp tòa tuyên như trên,  bà Mai đã lặn lội gõ cửa các cơ quan chức năng đề nghị công nhận liệt sĩ cho chồng. Không biết bao nhiêu đơn từ kiến nghị, trình bày, đề nghị… của bà đã được gửi đi tới các cơ quan chức năng, từ địa phương tới Trung ương suốt những năm qua.

“Dù tất cả đã được làm sáng tỏ, nhưng đến nay, tâm nguyện cuối cùng đối với chồng tôi vẫn chưa thực hiện được, đó là đề nghị Nhà nước công nhận liệt sĩ cho Thiếu úy Lữ Anh Dồi” - người phụ nữ đã thủ tiết dành gần cả một đời cho hành trình kêu oan, đề nghị công nhận liệt sĩ cho chồng tâm sự.

Một việc khác trong năm qua khiến cho tất cả cán bộ, phóng viên của Ban Pháp luật – Bạn đọc đồng thuận kiến nghị lãnh đạo cơ quan tham gia đến cùng đi tìm sự thật, đó là vụ án liên quan đến hành vi hiếp dâm đối với một cháu bé bị thiểu năng sinh năm 2002 xảy ra ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội.

Chúng tôi tiếp nhận thông tin liên quan đến vụ án này  do một người hàng xóm quá bức xúc với cách xử lý của cơ quan công an huyện mà tìm đến báo phản ánh với mong muốn cơ quan tư vấn “cách nào đó tìm lại công bằng cho cháu”. 

Sau khi nghe người hàng xóm trình bày sự việc, cán bộ, phóng viên tiếp dân đã hướng dẫn người hàng xóm cách hỗ trợ gia đình nạn nhân thu thập thông tin, chứng cứ, và hướng dẫn họ làm đơn gửi cơ quan chức năng. Đồng thời, báo cũng cử hai phóng viên theo thông tin phản ánh của người dân về làm việc, tìm hiểu tại địa phương.

Bên cạnh việc thông tin về sự việc, chúng tôi đã chuyển đơn thư, thông tin bài báo đến các cơ quan hữu trách nhằm cung cấp thêm thông tin để cơ quan chức năng làm sáng tỏ vụ việc. Mới đây, TAND huyện Phúc Thọ đã mở phiên tòa xét xử và tuyên phạt Đặng Văn Trình (SN 1960, trú tại cụm 3, xã Vân Phúc, huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội) 21 tháng tù giam về tội “Dâm ô đối với trẻ em”.  

Dù kết quả phiên tòa còn gây nhiều tranh cãi, dư luận vẫn đang mong một bản án “thỏa đáng hơn”, nhưng nỗ lực của báo đã giúp nạn nhân bước đầu tìm được công bằng.

Khó khăn trau dồi bản lĩnh người cầm bút

Nếu không có khuất tất, oan sai, nếu không có ấm ức khó giải toả, người dân có lẽ đã không nghĩ tới chuyện viết đơn tới báo. Đa phần vụ việc được phản ánh tới báo là những việc đã “va chạm” với cơ quan quản lý nhà nước hoặc cơ quan tiến hành tố tụng mà không có được “lời giải” thỏa đáng. Thế nên, điều tra theo đơn thư bạn đọc có lẽ cũng là lĩnh vực vừa khó làm vừa khó nói bậc nhất trong tác nghiệp báo chí.

Khi thông tin được phản ánh liên quan tới tiêu cực, sai phạm của cá nhân, tập thể thì để “xác định” được thông tin không dễ dàng gì, thậm chí chúng tôi gặp không ít trở ngại. Với quy chế phát ngôn hiện hành, cơ quan nhà nước phải hợp tác cung cấp thông tin cho báo chí, nên khi phóng viên thực hiện đầy đủ thủ tục theo quy định, chúng tôi biết sẽ nhận được thông tin.

Thế nhưng, trên thực tế, chúng tôi gặp không ít trường hợp cố tình gây khó dễ yêu cầu phóng viên đi lại nhiều lần, chờ đợi lâu, thậm chí nhờ cậy các mối quan hệ để xin xỏ, dừng bài viết. Thậm chí, có trường hợp sau khi báo đăng bài, phóng viên tiếp nhận nhiều phản ứng gay gắt từ đơn vị có liên quan cho đến lúc có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền.

Mỗi trường hợp điều tra theo đơn thư lại có những khó khăn riêng, càng đòi hỏi phóng viên làm công tác này phải có bản lĩnh, đeo bám sự việc đến cùng. 

Là đơn vị phụ trách trực tiếp “đường dây nóng” của cơ quan, cán bộ, phóng viên Ban Pháp luật – Bạn đọc mỗi ngày nhận hàng trăm cuộc điện thoại phản ánh về mọi lĩnh vực đời sống, có phàn nàn, có động viên, có góp ý, có quan tâm nhưng cũng không ít lời chửi bới, dọa nạt. 

Trong nhiều trường hợp, phóng viên cũng gặp sự ngăn cản quyết liệt, thậm chí đe dọa sức khỏe, tính mạng. Có trường hợp, khi phóng viên tìm hiểu sự việc liên quan đến phản ánh của bạn đọc về tình trạng tranh chấp đất vườn khiến hàng xóm gây mất đoàn kết với nhau ở khu vực huyện Hoài Đức, TP Hà Nội, tại hiện trường, người hàng xóm đã hung hăng dùng dao thái chuối dài khoảng 45cm dọa hành hung phóng viên. Sau đó, người hàng xóm này gọi người nhà ra “áp đảo” chửi bới và yêu cầu phóng viên lên UBND xã. Đây chính là điều phóng viên mong muốn, và nhờ sự hỗ trợ của hai công an viên, cùng cán bộ xã, phóng viên mới an toàn rời khỏi hiện trường.

Đi cùng người dân, đồng hành với từng số phận, bản thân phóng viên cũng trải qua những hành trình “để đời”. Ngay trong chuyến công tác thiện nguyện chuẩn bị Tết Nguyên đán 2016 cho bà con các dân tộc Tây Bắc, khi vượt đèo Pha Đin hiểm trở một bên núi cao, một bên vực sâu, chúng tôi gặp một chiếc xe tải lao xuống vực khiến giao thông gián đoạn, đợi chờ nhiều giờ đồng hồ mới được hỗ trợ “tăng bo” bằng một chiếc xe tải, thế là chúng tôi lại đứng lắc lư trên thùng xe vượt 40km đường đèo toàn khúc cua tay áo, đến nghĩ chuyện sống chết cũng không dám nghĩ. Thế nhưng, khi đến được xã É Tòng, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La, nhìn những gương mặt hân hoan của  bà con trước những món quà ý nghĩa cho năm mới, những mệt mỏi, vất vả, lo ngại ấy lại bị gạt về phía sau nhường chỗ cho những trăn trở về trách nhiệm đối với cộng đồng.

Sự quan tâm của bạn đọc gìn giữ tình yêu nghề báo

Là cơ quan báo hàng đầu trong khối các cơ quan báo nội chính, lượng đơn thư bạn đọc mà Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận mỗi năm cũng thuộc hàng đứng đầu trong các cơ quan báo chí Trung ương. Điều đó mang đến cho chúng tôi niềm vui, rằng Báo được bạn đọc quan tâm, yêu mến, tin cậy, đồng thời cũng đặt lên vai chúng tôi áp lực phải đáp ứng được niềm tin đó của bạn đọc.

Trong tác nghiệp đầy vất vả của phóng viên, chúng tôi giữ tình cảm của bạn đọc làm nguồn động viên quan trọng cho mình. Niềm vui của chúng tôi đến mỗi khi sự việc được làm sáng tỏ, nỗi oan được giải, công lý, công bằng được thực thi. Niềm vui của chúng tôi đến mỗi khi nhận được điện thoại, thư cám ơn của bạn đọc. Niềm vui của chúng tôi cũng rất đơn giản, là khi có bạn đọc điện thoại góp ý về một lỗi chính tả hoặc chú thích ảnh, hay bố cục trình bày một trang báo. Bởi, chúng tôi biết, rất yêu, rất quý, rất trân trọng, bạn đọc mới dành sự quan tâm đặc biệt đó cho chúng tôi.

Niềm vui của chúng tôi cũng đến khi nhận được phản hồi từ phía các cơ quan chức năng về thông tin báo phản ánh và hướng xử lý của các cơ quan. Nhờ đó, một đống rác lưu cữu được di dời trả lại môi trường sống cho mấy hộ dân. Nhờ đó, một quy trình xử lý chất thải được cải tiến hạn chế tối đa mùi và bụi phát tán ra môi trường. Nhờ đó một gia đình đòi lại được mảnh đất sau nhiều năm vướng mắc. Nhờ đó, một cơ sở sản xuất gây ô nhiễm nhiều năm được di dời trả lại cuộc sống bình yên và an toàn cho một con ngõ. Nhờ đó một người hiểu được cái tình, cái lý trong quan hệ họ hàng, làng xóm mà từ bỏ việc khiếu kiện kéo dài...

Tình yêu và sự kỳ vọng của bạn đọc với Báo Pháp luật Việt Nam là “bệ đỡ” tinh thần quan trọng giúp chúng tôi nhiều lần thoát được sự cám dỗ, thoát được “bẫy mềm”, vượt qua được sự nản chí thông thường của con người để giữ được “bút sắc, lòng trong, tinh thần thép”. Và, nhờ đó, chúng tôi khép lại năm 2016 với niềm tin rằng trong năm 2017 tới đây, chúng tôi tiếp tục xứng đáng là nhịp cầu quan trọng nối Báo Pháp luật Việt Nam và bạn đọc khắp mọi miền, cùng nhau hướng tới mục tiêu vì Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.