Nhớ một thời xem phim bãi…

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mỗi khi tiếng loa của khu tập thể vang lên thông báo lịch chiếu phim, mọi người lại nô nức cùng nhau đến bãi chiếu phim. Nhà nào cũng đặt gạch, kê ghế để giữ được một chỗ đẹp gần màn hình.
Phim bãi là kỷ niệm tuổi thơ đáng nhớ của thế hệ 6x, 7x tại Việt Nam. (Nguồn: hanoimoi.vn)
Phim bãi là kỷ niệm tuổi thơ đáng nhớ của thế hệ 6x, 7x tại Việt Nam. (Nguồn: hanoimoi.vn)

Tuổi thơ của chúng tôi

Vào thời bao cấp những năm 60, 70, lũ trẻ con dù sống ở thành thị hay nông thôn đều không có khái niệm về những rạp chiếu phim tiện nghi hay chiếc ti vi màn hình rộng. Ngày ấy, chỉ cần có đủ điện để bật cái quạt trong mùa hè, có đèn sáng đến tám, chín giờ tối đã là mừng lắm rồi.

Vì vậy, cứ đến chiều tối, tùy vào từng khu tập thể sẽ có giờ chiếu phim khác nhau. Có nơi chiếu vào Thứ Bảy, có nơi chiếu vào các ngày thường để cuối tuần bà con đi chơi. Nhưng dù thế nào, cứ đến ngày chiếu phim mọi người từ già đến trẻ đều háo hức. Ai cũng cố gắng tắm rửa, ăn uống cho nhanh để kịp giờ xem phim.

Ở thành phố thì chiếu phim ở sân vui chơi trong khu tập thể, có nơi thì chiếu trong các nhà ăn, phòng hành chính. Còn ở vùng nông thôn, đặt “rạp chiếu” ở khoảng sân trống trong làng. Nói chung, cán bộ bố trí được ở đâu thì mọi người vui vẻ đến đó. Đi xem xem phim chiếu bãi, cũng giống như một buổi đi chơi, lễ hội. Bởi ba mươi, bốn mươi năm trước đây, tình làng nghĩa xóm còn thắm thiết, gắn bó lắm. Nhà này gọi nhà kia đi, ồn ào cả một khu nhà tập thể. Có đứa trẻ con đang tắm cũng bị bạn bè lôi ra, kéo đi xem. Dù chưa đến 7h tối mà cả dãy nhà hai tầng yên ắng như bị bỏ hoang.

Phim bãi cũng đúng như cái tên được dựng ở ngay trong các khu tập thể với một màn hình chiếu, một máy chiếu phim chạy bằng xăng. Không chỉ ở thành phố Hà Nội, khi đi sơ tán đến các vùng quê, ở trong những lớp học tạm bợ, trẻ con vẫn được các cán bộ, thầy cô tổ chức cho xem phim bãi vài lần trong một tháng. Những lúc ấy, bạt chiếu phim được căng ở các hợp tác xã, mọi người kéo đến xem rất đông, ngồi la liệt trên nền đất.

Bình thường, người dân tới xem phim sẽ phải xếp hàng mua vé, mỗi vé từ hai đến ba đồng. Lúc ấy, vé xem phim rẻ hơn bây giờ nhiều. Tiền bán vé thu về chủ yếu để trả cho những người sản xuất phim, diễn viên và hãng truyền hình. Vậy mà lúc nào các rạp chiếu phim bãi cũng bán hết vé, nhiều người đến muộn, dù may mắn mua được vé cũng phải ngồi ở sau máy chiếu để xem.

Đến sớm nhất ở các rạp chiếu phim bãi là lũ trẻ con, đứa nào đứa nấy cố gắng “chiếm” một chỗ ở gần màn hình để được ngắm nhìn các cô chú diễn viên trong màn ảnh rõ nhất. Có những hôm, đang chiếu phim thì mất điện, mọi người “ồ” lên thất vọng, khi máy chiếu được đổ xăng, quay bằng tay. Một tiếng nổ nhỏ vang lên phim bắt đầu chiếu tiếp trong tiếng reo hò hân hoan. Nhưng buồn nhất là những buổi cán bộ khu tập thể không lấy được phim ở Hãng phim truyện Việt Nam, mọi người háo hức chờ một tuần, rồi lại tiu nghỉu tắt đèn đi ngủ sớm. Đám trẻ nhỏ sáng hôm sau đi học, đứa nào, đứa nấy cũng ríu rít than thở vì không được xem phim.

Phim ảnh thời bấy giờ không có sự lựa chọn, cán bộ trong khu đăng ký lấy được phim nào của Hãng phim truyện Việt Nam thì mọi người xem phim ấy. Các bộ phim thời xưa chủ yếu đến từ những nước xã hội chủ nghĩa như Liên Xô, Trung Quốc, Tiệp Khắc, Ba Lan,… Xem phim bãi thời bao cấp luôn có hai phần, phần đầu chiếu phim hoạt hình, phim tài liệu cung cấp cho người dân thông tin về tình hình chiến sự hoặc cổ vũ, khích lệ tinh thần kháng chiến. Phần hai là phim truyện thường là bộ phim của Việt Nam hoặc Liên Xô. Phim rất đa dạng, nào có phim cổ tích của Liên Xô như “Chàng Rudland và Công chúa Ludmila”, đến phim “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Cánh buồm đỏ thắm”, sau năm 1972, thì mọi người được xem những bộ phim như “Em bé Hà Nội”, “Biệt động Sài Gòn”.

Cũng tại bãi chiếu phim để mọi người thay đổi không khí, có hôm “rạp” sẽ mời đoàn xiếc đến biểu diễn múa lửa, nuốt dao, đi thăng bằng trên dây. Nhưng cũng có hôm, đám trẻ con lại được nghe chèo, kịch, ca nhạc từ các cô chú trong đoàn văn công biểu diễn. Dù lịch chiếu thay đổi ra sao thì mọi người vẫn vui vẻ, hân hoan đến xem. Bãi chiếu phim trở thành một buổi lễ hội, nơi mọi người tụ hội, hào hứng đón chờ những thước phim đặc sắc.

Hiện nay, nhiều người vẫn giữ những bức ảnh của các diễn viên nổi tiếng thời xưa. (Nguồn: Tú Lê)

Hiện nay, nhiều người vẫn giữ những bức ảnh của các diễn viên nổi tiếng thời xưa. (Nguồn: Tú Lê)

Những “thần tượng” đầu đời

Thế hệ trẻ thời nay sẽ không biết rằng các bậc cô bác, cha mẹ ngày xưa cũng có “thần tượng”. Đó là những diễn viên xuất hiện trong những bộ phim bãi, hoặc trên chiếc ti vi đen trắng. Có một số cái tên nổi tiếng đối với thế hệ 6x, 7x như nữ diễn viên Trà Giang, người thủ vai trong bộ phim “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Ngày lễ thánh”. Hay những bộ phim hài do nam diễn viên Trịnh Thịnh đóng. Hoặc nam tài tử Lâm Tới - người đã đóng với Trà Giang trong bộ phim “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”.

Thanh, thiếu niên thời bấy giờ thường cắt những bức ảnh đen trắng trong họa báo như báo “Thiếu niên Tiền phong” để dán vào quyển vở, sổ tay ghi bên cạnh vài dòng thơ, lời bài hát yêu thích. Hạnh phúc nhất của một nữ sinh là được bạn bè trong lớp khen xinh như Trà Giang, ai may mắn được nghe được câu đó, chắc đã từng mất ngủ cả đêm vì hạnh phúc.

Nhờ những bãi chiếu phim đơn sơ ở các khu tập thể, đám thanh, thiếu niên “choai choai” lần đầu được nhìn thấy các diễn viên ở trời Âu. Được biết tới thế giới ngoài kia, vượt qua khỏi biên giới Việt Nam có rất nhiều điều thú vị, hấp dẫn. Đó là các cô gái tóc vàng, mũi cao, những chàng trai người Liên Xô lịch lãm, đã để lại trong mỗi đứa trẻ một hình ảnh thơ mộng, thần tiên khó phai mờ.

Đến 9h tối, sau khi các bộ phim khép lại, hình ảnh nữ diễn viên Dana trong “Con đường đau khổ”, hay cô bé Assol, chàng trai Arthur Gray trong bộ phim “Cánh buồm đỏ thắm” cứ mãi sống động trong tâm trí của những đứa trẻ, khiến các cậu nhóc, cô nhóc mười một, mười hai tuổi phải năn nỉ xin bố mẹ mượn bằng được tập truyện cùng tên ở thư viện. Suốt một tuần sau đó, cứ tối đến đám trẻ con trong khu lại tụm năm, tụm ba trao đổi về các chuyến “phiêu lưu”, những giấc mơ trên chiếc thuyền buồm hay “bay” đến lâu đài xa xôi ở trời Tây.

Xa hơn một chút, “rạp” chiếu phim bãi đã “nuôi dưỡng” niềm đam mê xem phim của mọi người. Cho nên, đến cuối những năm 70, đầu những năm 80, khi ti vi đen trắng bắt đầu xuất hiện. Thay vì một tuần được xem phim một lần, mọi người sẽ tập trung ở những nhà có ti vi, quây quần ở trong sân, ngoài cửa đón chờ các bộ phim dài tập. Nổi tiếng nhất là bộ phim “Trên từng cây số” của Hungary với hai nam diễn viên mang tên Dianop và Bombop đã được chị em phụ nữ thời bấy giờ coi là “anh chồng quốc dân”. Thời đó cả tuần chỉ chiếu vô tuyến đúng 2 ngày Thứ Tư và Chủ nhật vào buổi tối từ 7h đến 9h. Cứ đến các tối đó thì vui như ngày hội.

Hạnh phúc nhất của thanh, thiếu niên lúc bấy giờ là được để kiểu tóc giống Dianop, có đôi mắt sâu thẳm, sống mũi cao của nam diễn viên. Còn với các khán giả nữ, không ít người đã viết thư đến đài truyền hình để ngỏ ý mong muốn được làm… vợ của chàng Dianop đẹp trai. Nhà nào có con cái, người thân ở bên Liên Xô đều mong người nhà gửi về một vài bức ảnh của Dianop. Ảnh của nam diễn viên được nhiều người Việt yêu thương, trân trọng, cất trong những quyển sổ da, album ảnh. Còn thanh, thiếu niên nào có một bức hình to, đẹp của Dianop thì bạn bè ghen tị lắm.

Nhưng xã hội dần phát triển, thành phố mọc lên san sát, các kiến trúc hiện đại che khuất những ngôi nhà cấp bốn, xe máy thay thế xe đạp, ti vi màu thay thế ti vi đen trắng. Những rạp chiếu phim tiện nghi cũng dần thay thế bãi chiếu phim ở các khu tập thể, khoảng sân hợp tác xã. Để lại trong lòng thế hệ 6x, 7x một khoảng trời ký ức thần tiên tươi đẹp dành cho một thời xem phim bãi mộc mạc, giản dị, nhưng đã trở thành đôi cánh nâng đỡ, nuôi dưỡng sức sáng tạo, đam mê khám phá tìm tòi của biết bao em nhỏ, thanh, thiếu niên sống trong những năm 60, 70 của thế kỷ trước.

Sự hấp dẫn của điện ảnh không hề nguội theo thời gian, thế hệ. Để xóa nhòa khoảng cách giữa các vùng miền trong vấn đề tiếp cận giá trị điện ảnh, cũng như mang lại món ăn tinh thần cho người dân, năm 2015, Bộ VHTTDL đã ban hành Thông tư số 08/2015/TT-BVHTTDL quy định hoạt động của đội chiếu phim lưu động thuộc Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng hoặc Trung tâm Điện ảnh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, đội chiếu phim lưu động có chức năng tổ chức hoạt động chiếu phim phục vụ nhân dân tại các vùng miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn và các vùng nông thôn khác.

Căn cứ tình hình thực tế ở mỗi địa phương, đội chiếu phim lưu động hoạt động trong khu vực nông thôn, đồng bằng phải thực hiện ít nhất 12 buổi chiếu phim trong 1 tháng. Đội chiếu phim lưu động hoạt động trong khu vực miền núi, hải đảo, vùng biên giới, vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn phải thực hiện ít nhất 14 buổi chiếu phim trong 1 tháng…

Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Chính sách đặc thù hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động tuyên truyền, phổ biến phim tới vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn. Theo đó, chi 41 tỉ đồng từ ngân sách trung ương để phổ biến phim tới vùng sâu, vùng xa, hải đảo, biên giới. Nhà nước đầu tư 68 bộ thiết bị chiếu phim bao gồm máy chiếu phim lưu động kỹ thuật số và hệ thống trang thiết bị kỹ thuật đi kèm cho các đội chiếu phim lưu động thuộc 30 trung tâm phát hành phim và chiếu bóng, trung tâm điện ảnh các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có điều kiện đặc thù....

Đọc thêm