Nhức nhối cảnh “đạp lên nhau” để viếng... đền Đức Hoàng

Việc đi lễ đầu năm để cầu tài, cầu lộc, cầu vạn sự như ý là tín ngưỡng, là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Vì thế, thật buồn khi phải chứng kiến chốn tâm linh trở thành nơi muôn người xô đẩy, hò hét, tranh giành...

Việc đi lễ đầu năm để cầu tài, cầu lộc, cầu vạn sự như ý là tín ngưỡng, là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Vì thế, thật buồn khi phải chứng kiến chốn tâm linh trở thành nơi muôn người xô đẩy, hò hét, tranh giành...

ụy
Đền Đức Hoàng đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ năm 1998.

Đền Đức Hoàng thuộc xã Phúc Thành (huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ năm 1998. Đây là ngôi đền khá nổi tiếng được xây dựng từ đời nhà Trần để thờ vị tướng Hoàng Tá Thốn đã có nhiều chiến công hiển hách trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông.

Ngôi đền có lịch sử được truyền tụng lâu đời cùng với phong cảnh hữu tình nên du khách hành hương về đây mỗi năm một đông. Những ngày đầu xuân Nhâm Thìn, mỗi ngày có hàng ngàn lượt người khắp mọi nơi đổ về đây viếng đền và cầu cho năm mới gia đình an khang thịnh vượng... Từng đoàn xe ô tô từ xe hạng sang cho tới xe tải mang biển số Hà Nội, Gia Lai, Lào... ùn ùn kéo về xếp thành từng hàng dài. Bên cạnh sự tấp nập của khách ngoại tỉnh là hàng vạn người dân trong tỉnh đi xe máy, xe đạp rồng rắn kéo về đền để cầu may dịp xuân mới.

7fg8
Hàng trăm người tranh nhau chỗ sắp lễ và cắm bùa trong chính điện.

Người đi viếng đền mang hoa quả, bánh kẹo, rượu, nước ngọt... lỉnh kỉnh vào đền. Ngay tại cổng đền có đầy đủ đèn hoa, đồ mã, giấy bạc, sách, lịch tử vi được bày bán la liệt.

Bước vào bên trong khuôn viên đền mới thấy cảnh chen lấn xô đẩy, giằng co, hò hét của người đi lễ. Tại khu vực bán sớ, bán phiếu cầu yên, tờ giải hạn, bán bùa, bán tờ xăm... người ta chen lấn, xô đẩy nhau để mong tranh thủ vào lễ tại chính điện cho nhanh.

Điều mà nhiều người đi lễ đền vẫn thắc mắc là tại sao một tờ giấy mỏng tang, kích cỡ chỉ bằng nửa tờ giấy A4 có dòng chữ phiếu cầu yên lại có giá tới 10.000 đồng. Loại này các năm về trước chỉ 3.000 đồng/tờ. Tương tự, các tờ in sẵn số xăm cũng có giá 10.000 đồng. Còn các loại bùa màu vàng chỉ bằng 1/5 tờ giấy A4 cũng được bán với giá 2.000 đồng...

rtuy
Hậu quả của xô đẩy, tranh giành là mạnh được, yếu... ngất.

Mỗi người đi đền thường mua cho cả gia đình nên trung bình họ thường mua nhiều bộ, do đó doanh số mỗi ngày đầu xuân Ban quản lý đền thu vào không hề nhỏ. Tuy nhiên, nhiều năm qua ngôi đền xem ra ngày càng xuống cấp nghiêm trọng, mái ngói nhiều nơi đã thủng lỗ chỗ, tấm Bằng công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia cũng bị nước mưa chảy vào làm cho ố nhòe, không còn nhìn thấy chữ...

Sau khi mua được các tờ giải hạn, bùa và phiếu cầu yên mọi người viết tên tuổi gia chủ, nguyện vọng lên các loại giấy rồi tới chính điện chờ tới phiên vào lễ. Không như nhiều năm về trước, năm nay đền Đức Hoàng không cho người viếng thắp hương ở chính điện, mà chỉ được thắp ở phía ngoài. Do lượng khách quá đông nên Ban quản lý phải chia thành từng đợt, mỗi đợt khoảng vài trăm người nhưng cũng không thể nào giữ được trật tự chốn linh thiêng.

Dù có lực lượng bảo vệ, có treo các tấm bảng giữ trật tự và chờ đến lượt, nhưng ở phía ngoài chính điện, hàng trăm người vẫn chen lấn, xô đẩy, nói tục... làm cho nhiều người có văn hóa phải ngán ngẩm bỏ về...

Đó là chưa kể đến cảnh phía trong chạy ra, phía ngoài chạy vào tạo nên sự nhốn nháo như ong vỡ tổ. Người ta chạy vào tranh chỗ đặt lễ, tranh chỗ ngồi để nghe các thầy cúng bái cầu xin thần linh và xin xăm... Giữa mùa đông rét như dao cắt, vậy mà nhiều người vã mồ hôi vì chen lấn xô đẩy, vì khói hương nghi ngút, thậm chí còn có người bị ngất xỉu ngay chính điện...

Có thể nói việc đi lễ cầu tài, cầu lộc, cầu vạn sự như ý đầu năm là tín ngưỡng, là truyền thống tốt đẹp của mỗi người dân. Thế nhưng, chốn tâm linh không phải là nơi xô đẩy, hò hét , tranh giành... Bên cạnh đó, Ban quản lý di tích cũng nên có những giải pháp tốt hơn để không xảy ra tình trạng này và địa phương cũng cần phải tôn tạo di tích cho xứng danh hơn. 

Ngọc Quý
                    
                                                                     
 

Đọc thêm