Nhức nhối tình trạng phụ tùng ô tô, xe máy giả

(PLVN) -Thời gian gần đây lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) phát hiện nhiều vụ vi phạm về buôn bán phụ tùng ô tô, xe máy giả. Tình trạng này đang gây ra nhiều hệ lụy.
Lực lượng chức năng kiểm tra một điểm kinh doanh phụ tùng ô tô tại TP Hồ Chí Minh.

Phát hiện nhiều vụ vi phạm

Gần đây, Tổng cục QLTT đã phát hiện hàng loạt vụ việc vi phạm về linh kiện ô tô, xe máy giả, trong đó có những vi phạm rất đáng lưu ý. Điển hình như mới đây khi kiểm tra Doanh nghiệp tư nhân thương mại Nam Bắc (phường 3, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh) Đội QLTT số 4 (Cục QLTT TP Hồ Chí Minh) nhận thấy, cơ sở này trưng bày để bán 5 chiếc xe máy chưa qua sử dụng. Mặc dù có đầy đủ hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, tuy nhiên, chủ cơ sở chưa xuất trình được Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng dùng cho xe cơ giới đối với 5 chiếc xe này. Đặc biệt, lực lượng chức năng phát hiện tem, logo “Cub”, “super CUB”, logo “cánh chim” gắn trên sản phẩm có dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam.

Ngay sau đó, Đội 4 đã tiến hành thẩm tra, xác minh và làm việc đối với Công ty Cổ phần Việt Hàn MOTOR - đơn vị bán hàng cho Công ty Nam Bắc. Sau thời gian làm việc, Đội 4 đã phát hiện Công ty Cổ phần Việt Hàn MOTOR có dấu hiệu sản xuất, buôn bán hàng giả. Lực lượng QLTT đã chuyển toàn bộ hồ sơ và tang vật vi phạm cho Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP Hồ Chí Minh để tiếp tục điều tra, xử lý theo thẩm quyền.

Tại Hà Nội, Giám đốc một Công ty TNHH cũng đã bị khởi tố về tội Buôn bán hàng giả. Theo đó, DN này đã bày bán gần 5.300 sản phẩm phụ tùng ô tô gồm dây curoa, cài ba đờ sốc, lọc gió động cơ, má phanh… mang nhãn hiệu Honda. Toàn bộ số hàng hóa không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp, có dấu hiệu vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của nhãn hiệu “Honda” đã được bảo hộ tại Việt Nam. Đại diện chủ sở hữu quyền của Honda tại Việt Nam cho biết, toàn bộ số hàng hóa thu giữ tại công ty này là giả mạo nhãn hiệu của Honda.

Đây chỉ là 2 trong số những vụ việc nổi bật mà lực lượng QLTT phát hiện, xử lý và ngăn chặn kịp thời đối với mặt hàng linh, phụ kiện ô tô, xe máy giả mạo nhãn hiệu.

Trước đó, vào cuối năm 2022, lực lượng QLTT TP Hồ Chí Minh đã đồng loạt kiểm tra 9 cửa hàng kinh doanh thiết bị, phụ kiện âm thanh xe hơi tại đường An Dương Vương (phường 4, quận 5) thu giữ hàng chục nghìn sản phẩm vi phạm. Tại Hưng Yên, trong năm 2022, lực lượng QLTT cũng đã phát hiện và thu giữ trên 10 tấn phụ tùng ô tô đã qua sử dụng tại 2 kho hàng ở huyện Tiên Lữ.

Cần sự đồng hành của người tiêu dùng

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, phụ tùng xe giả mạo nhãn hiệu đang trở thành vấn đề nhức nhối của xã hội. Tình trạng nhập linh kiện, nguyên liệu, sản phẩm hoàn chỉnh vào Việt Nam sau đó chế biến, lắp ráp, sang chiết, bao gói thành các sản phẩm giả các nhãn hiệu nổi tiếng trong nước và nước ngoài đưa ra thị trường tiêu thụ rất phổ biến tại nhiều thành phố lớn trên cả nước.

Theo phân tích của các cơ quan chuyên môn, những dòng xe nhái, giả nhãn hiệu có giá thành thấp nhưng không có tiêu chuẩn hợp quy do Cục Đăng kiểm cấp, do đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho người sử dụng khi lưu hành.

Theo đại diện Công ty Honda Việt Nam, các bộ phận bảo đảm sự an toàn cơ bản cho người sử dụng phương tiện như nhông, xích xe máy, gương chiếu hậu, nan hoa, quả xi nhan, má phanh cơ, đĩa, khóa điện, cuộn nổ, phanh tay, bộ lọc gió... thường bị làm giả nhiều nhất. Hàng nhái chủ yếu được sản xuất bằng công nghệ thủ công với chất liệu không đạt chuẩn, nhiều loại pha trộn hợp chất kém chất lượng nên độ chính xác và tuổi thọ kém, nhanh hỏng và không an toàn cho người sử dụng.

Đại diện Tổng cục QLTT cho biết, lực lượng này đang nỗ lực trong công tác kiểm tra, kiểm soát để kịp thời ngăn chặn những hành vi vi phạm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng. Tuy nhiên, lực lượng chức năng cũng rất cần sự chung tay của chính những người dân trong công tác tố giác những hành vi có dấu hiệu vi phạm để công tác chống hàng giả được triển khai một cách hiệu quả nhất.

Thực tế trong những năm qua đã xảy ra nhiều trường hợp tai nạn do phụ tùng nhái gây ra như cháy nổ xe máy, xe gãy trục, nổ lốp… gây tổn thất to lớn cho người dùng. Bản thân các nhà sản xuất chính hãng cũng thiệt hại, giảm sút lợi nhuận kinh doanh cũng như uy tín.

Đọc thêm