Song trên thực tế, hoạt động của loại hình vận tải này vẫn tồn tại không ít bất cập, trong đó nhức nhối hơn cả là tình trạng xe quá niên hạn, nhưng vẫn được tận dụng để đưa đón học sinh, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông (TNGT).
Nhiều bất cập
Cuối tháng 8 vừa qua, hình ảnh một chiếc xe ô tô biển số tỉnh Bình Thuận chở quá số người quy định khiến hàng chục em học sinh phải đứng tại các vị trí lên xuống, bám vào cửa, thành xe khi xe đang chạy đã khiến người đi đường lo ngại. Đáng nói, không phải đến bây giờ vấn đề an toàn giao thông với xe đưa đón học sinh mới được dư luận nêu ra.
Trước đó, vào giữa tháng 3/2017, trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã xảy ra vụ TNGT giữa xe chở học sinh và một chiếc xe tải đang lùi. Vụ tai nạn làm 3 người tử vong (trong đó có 2 học sinh) và 15 em khác bị thương. Bước đầu, cơ quan chức năng xác định nguyên nhân vụ tai nạn do xe đưa đón học sinh không làm chủ được tốc độ nên tông vào xe tải đang lùi trên quốc lộ. Giữa tháng 3/2018, một vụ TNGT đáng tiếc cũng xảy ra giữa xe đưa đón học sinh với môt cô giáo mầm non tại huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình. Vụ tai nạn khiến cô giáo mầm non tử vong tại chỗ.
Một điểm đáng chú ý sau những vụ TNGT này đó là tình trạng ô tô chở học sinh đã manh nha hiện tượng “quá đát”. Cụ thể, vào tháng 4/2017, Đội CSGT số 12, Công an TP Hà Nội đã phát hiện xe ô tô khách loại 15 chỗ đã hết hạn đăng kiểm gần 10 tháng, nội thất cũ nát, đèn xe vỡ kính, sơn bong tróc nhưng vẫn tiếp tục lưu hành. Tài xế khai, thường lái xe đưa đón học sinh của Trường Tiểu học Hồng Phong (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) theo thỏa thuận riêng với phụ huynh, giá từ 200.000 – 300.000 đồng/người/tháng.
Theo ghi nhận thực tế, loại hình xe đưa đón học sinh thường chủ yếu là do các trường tự tổ chức. Phụ huynh đóng tiền để nhà trường thuê xe hàng ngày đưa đón con em mình với hy vọng sẽ an toàn, thuận tiện hơn. Song, có nghịch lý là các trường cũng khó có thể phân biệt phương tiện nào bảo đảm chất lượng, phương tiện nào không.
Thay vào đó, họ chỉ căn cứ chủ yếu vào tem kiểm định dán trên kính xe và đánh giá bằng mắt thường xem xe còn mới hay cũ. Chất lượng phương tiện và chất lượng phục vụ đến đâu phụ thuộc vào sự nghiêm túc của đơn vị cung cấp dịch vụ vận chuyển...
Cần siết chặt quản lý
Theo khảo sát sơ bộ của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, học sinh đi học bằng phương tiện đưa đón chủ yếu ở cấp học THCS và THPT. Riêng cấp THPT, các em chủ yếu tự đi học bằng phương tiện cá nhân, bằng xe buýt hoặc dịch vụ xe đưa đón của nhà trường.
Thống kê cũng chỉ ra, toàn TP hiện có gần 514.000 học sinh THPT, trong đó có 6.000 học sinh đi học bằng xe buýt. Khảo sát nhu cầu của các em cũng cho thấy, có hơn 9.000 học sinh THPT mong muốn đi học bằng xe buýt. Dẫn như vậy để thấy rằng, nếu mạng lưới vận tải hành khách công cộng phát triển đủ mạnh, có thể có thêm phương tiện cho học sinh di chuyển thuận lợi hơn.
Bởi xét cho cùng, bản chất của xe đưa đón học sinh cũng là xe vận tải hành khách theo hợp đồng. Các phương tiện này cũng có lộ trình cụ thể, có các điểm đón trả khách cố định nhưng không phải lập và gửi danh sách hành khách như xe vận tải hành khách theo hợp đồng thông thường.
Bàn về vấn đề liên quan, theo Luật sư Lê Thế Vinh – Đoàn Luật sư Hà Nội, xe đưa đón học sinh có bản chất hoạt động gần như xe buýt nên nếu tổ chức được những tuyến xe buýt nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của học sinh sẽ thu lại được những hiệu quả tốt hơn. Đặc biệt là trong bối cảnh dự báo đầu năm 2019 sẽ có thêm hàng nghìn xe ô tô hết niên hạn sử dụng, nếu các cơ quan chức năng không kiểm tra, rà soát, giám sát chặt chẽ, rất có thể một số phương tiện nêu trên sẽ được sử dụng làm phương tiện đưa, đón học sinh.
Để phòng tránh và ngăn ngừa những ẩn họa từ ôtô “quá đát” đưa đón học sinh có thể xảy ra, thiết nghĩ Ủy ban an toàn giao thông các tỉnh, TP, lực lượng công an, cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông cần tăng cường tuần tra, kiểm soát những phương tiện đưa, đón học sinh tại cổng trường học, trên các tuyến đường và có biện pháp xử lý nghiêm đối với những chủ phương tiện vi phạm.
Các sở giáo dục và đào tạo, các trường học cần thường xuyên hướng dẫn cha, mẹ học sinh, nhắc nhở học sinh, sinh viên lựa chọn phương tiện đưa, đón bên cạnh phù hợp túi tiền nhưng phải bảo đảm an toàn, đủ điều kiện tham gia giao thông.
Cha mẹ học sinh cần hết sức lưu ý không vì giá rẻ mà hợp đồng thuê xe ô-tô đã cũ, nát, hết niên hạn sử dụng, không bảo đảm các điều kiện trong việc đưa, đón con em mình. Các phương tiện khi đưa, đón học sinh cần có nhân viên phục vụ để bảo đảm trong quá trình tham gia giao thông được diễn ra an toàn. Chỉ khi các bậc cha, mẹ học sinh, học sinh, sinh viên ý thức được điều này và nói không với xe “quá đát”, thiếu nhân viên phục vụ trên xe… thì các phương tiện nêu trên mới không có “đất” hoạt động.