Bán tiền giả công khai trên Facebook
Mỗi dịp năm hết Tết đến, bên cạnh nỗi lo về hàng giả, hàng nhái thì vấn nạn “tiền giả” cũng làm không ít người phải lo lắng. Lợi dụng thời điểm cuối năm nhu cầu tiền mặt của người dân tăng cao, người dân mải mua sắm nên cũng ít để ý kiểm tra lại những tờ tiền khi giao dịch nên các đối tượng buôn bán và tiêu thụ tiền giả tích cực “thoát hàng” với nhiều hình thức và thủ đoạn tinh vi...
Chỉ cần một bước tìm kiếm đơn giản, gõ cụm từ “mua bán tiền giả” hay “bán tiền giả” trên google, trang mạng facebook chúng ta có thể dễ dàng tìm được hàng loạt các trang rao bán tiền giả. Theo đó, tiền giả rao bán với đầy đủ các mệnh giá tiền khác nhau, từ những mệnh giá nhỏ nhất như 10.000 đồng, 20.000 đồng đến mệnh giá lớn nhất là 500.000 đồng. Chủ các trang, nhóm bán tiền giả này đều yêu cầu khách liên lạc trực tiếp qua số điện thoại được để sẵn trên các bài viết rao bán chứ không chấp nhận nhắn tin giao dịch qua tin nhắn với page.
Trong vai người muốn mua một số lượng lớn tiền giả để tiêu thụ trong dịp Tết, phóng viên liên hệ với một trang facebook “Hùng tiền giả”, người này cho hay: “Bên mình có đủ loại tiền giả để bạn lựa chọn, muốn số lượng bao nhiêu cũng có, đảm bảo hàng giống thật đến 98% mắt thường không thể nhận ra được, chỉ trừ khi dùng máy quét thì mới phát hiện được tiền giả. Mình nhận giao dịch tiền cả nước luôn, bạn muốn mua chỉ cần đặt hàng mình sẽ chuyển đến”.
Cũng theo người này, giá tiền giao dịch khi mua tiền giả là tỉ lệ 1:10 (1 phần tiền thật mua được giá trị tiền giả tương đương gấp 10 lần) đối với các loại tiền mệnh giá cao 100.000 đồng, 200.000 đồng và 500.000 đồng; tỉ lệ 3:7 (3 phần tiền thật mua được giá trị tiền giả tương đương gấp 7 lần) đối với các loại tiền có mệnh giá từ 10.000 đồng – 50.000 đồng. Đồng ý bán tiền giả cho khách mua tối thiểu từ 20 triệu đồng tiền giả trở lên.
Khi phóng viên đề nghị nhận tiền giả rồi mới thanh toán thì chủ fage “Hùng tiền giả” từ chối, yêu cầu chuyển trước 50% giá trị mua hàng rồi mới chuyển. Lý do được người này đưa ra là vì “bán hàng cấm” ai dám chuyển hàng trước khi chưa nhận được cọc.
Thực tế cho thấy, tội phạm tiền giả là vấn nạn của hầu hết các quốc gia trên thế giới chứ không riêng tại Việt Nam. Trước thực trạng đó, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an mà nòng cốt là lực lượng An ninh kinh tế, An ninh điều tra phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác đấu tranh với loại tội phạm này.
Thông qua mạng xã hội như Facebook, Zalo, Viber, các đối tượng công khai rao bán tiền giả với phương thức người mua chuyển tiền thật vào tài khoản mà các đối tượng tội phạm đã định sẵn, sau đó các đối tượng sẽ chuyển tiền giả trực tiếp cho người mua hoặc thông qua bưu điện hay xe khách liên tỉnh. Không ít trường hợp đối tượng buôn bán tiền giả lừa đảo chiếm đoạt tiền thật của người tìm mua tiền giả.
Tuy nhiên, nạn rao bán tiền giả trên mạng xã hội được cho là hình thức lừa đảo, lợi dụng lòng tham hám lợi để lừa tiền đặt cọc. Nhiều người mua sau khi chuyển tiền cọc cho những chủ rao bán này thì bị “bùng”, không được gửi hàng hay không liên lạc được nữa. Tình trạng buôn bán tiền giả là hành vi vi phạm pháp luật nên nhiều khách bị lừa mất tiền cũng đành phải im lặng, không dám kêu ai.
Tiếp tục liên hệ với một số trang, nhóm bán tiền giả khác chúng tôi được báo mức giá mua tiền tương tự. Ngoài phương thức yêu cầu chuyển khoản trước 50% tiền mua hàng, một số đối tượng cũng đồng ý phương thức giao dịch nhận tiền rồi mới thanh toán nhưng chỉ ở trong một khu vực nhất định chứ không giao các tỉnh, thành xa.
Cướp tài khoản facebook để rao bán tiền giả
Việc mua bán tiền giả là một hành vi vi phạm pháp luật bị pháp luật Việt Nam nghiêm cấm và có những hình phạt rất nặng. Theo điều 180 Bộ luật Hình sự quy định người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả có giá trị dưới 3 triệu đồng thì bị phạt tù 3-7 năm. Nếu giá trị tiền giả tương ứng 3-50 triệu đồng, người phạm tội bị phạt tù 5-12 năm, còn nếu từ 50 triệu đồng trở lên thì có thể chịu 10-20 năm tù hoặc chung thân.
Chính vì vậy, các đối tượng buôn bán tiền giả thường rao bán bằng cách lập trang, nhóm trên mạng facebook, google,… mà không sử dụng nick cá nhân để rao bán và giao dịch. Nhưng có không ít trường hợp, người dùng mạng xã hội như facebook, zalo bị những đối tượng này cướp tài khoản để rao bán công khai tiền giả mà người dùng không hề hay biết.
Anh Bùi Văn Sơn – Hải Dương chưa hết bàng hoàng chia sẻ: “Mình bị ăn cắp tài khoản facebook khoảng 10 ngày trước, vì nghĩ facebook của mình cũng chẳng có gì nên người khác có lấy cũng chẳng để làm gì nên biết bị hack nick nhưng mình cũng không để tâm lắm. Mấy ngày sau khi mất nick mình mới giật mình lo sợ khi bạn bè mình báo thấy nick của mình rao bán tiền giả trên trang cá nhân và trong các hội nhóm, lúc ấy mình mới vội vàng vào xóa tài khoản”.
Vấn nạn tiền giả đang gây nhức nhối trong xã hội, nó không những ảnh hưởng trực tiếp đến người dân mà còn gây khó khăn cho các cơ quan chức năng về quản lý tiền mặt lưu thông trên thị trường. Chính vì vậy nên các cơ quan chức năng cũng đã có nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn nạn buôn bán, tiêu thụ tiền giả, trong đó, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với các cơ quan chức năng ngăn chặn các hành vi về in ấn, buôn bán và tiêu thụ tiền giả. Đồng thời, đưa ra những khuyến cáo và tuyên truyền các cách thức phân biệt tiền giả, tiền thật để người dân nâng cao ý thức cũng như phân biệt được tiền thật để tránh rơi vào trường hợp bị dính tiền giả, nâng cao ý thức cảnh giác, tham gia tố giác tội phạm…
Để phân biệt tiền giả, tiền thật, Ngân hàng Nhà nước đưa một số đặc điểm nhận biết như sau: Chất liệu in tiền giả dễ bị bai giãn hoặc rách khi bị kéo; khi xé nhẹ ở cạnh tờ bạc, mực in dễ bong tróc; tiền giả thường dày và giòn hơn tiền thật, chỉ cần vò mạnh tay, tiền giả có thể rách hoặc hằn rõ nếp gấp; vùng nền nhựa trong suốt ở phía bên phải mặt trước tờ bạc, có số mệnh giá dập nổi tinh xảo, còn tiền giả càng cũ càng mờ đi, thậm chí không có số dập nổi; soi tờ tiền dưới đèn cực tím, tiền giả không có màu phản quang và tiền giả thường có nhiều tờ trùng số seri để người dân căn cứ phân biệt tiền thật và tiền giả.