Đội vốn gần 300 triệu USD
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông được khởi công tháng 10/2011, sử dụng vốn vay của Trung Quốc. Tuyến đường dài gần 13 km, gồm 13 nhà ga đi toàn bộ trên cao. Tuy nhiên do nhiều lí do khác nhau như: hình thức đấu thầu trọn gói chúng ta chưa có kinh nghiệm, kinh nghiệm quản lí dự án còn kém, cũng như hệ thống pháp luật của Việt Nam khác so với nước ngoài dẫn đến dự án lâm vào tình trạng đội vốn.
Dự án đường sắt trên cao với tổng mức đầu tư ban đầu là 568 triệu USD, Do vật tư thiết bị ở TQ trượt giá lớn nên năm 2013, Tổng thầu TQ đề nghị phải điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án. Trên cơ sở tính toán, Bộ GTVT và Tổng thầu TQ thống nhất bổ sung thêm 250,6 triệu USD.
Chậm tiến độ 2 năm
Theo kế hoạch, dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông sẽ chạy thử vào cuối năm 2015, tuy nhiên với nhiều lí do, dự án xin được đẩy lùi lại 1 năm là cuối 2016, tuy nhiên thực tế tiến độ như hiện tại thì phải cuối năm 2017 mới có thể chạy thử nghiệm.
Cụ thể là : dự án đang ổn định tiến độ, đến cuối năm 2016 mới có thể hoàn thành xây lắp, và hết quý 1/2017 lắp đặt xong đoàn tàu, sau đó sẽ vận hành thử trong 3 tháng và đến cuối tháng 9/2017 đường sắt Cát Linh - Hà Đông mới có thể khai thác thương mại.
Hiện nay phần hạ tầng chạy tàu cơ bản hoàn thành. Toàn bộ 13 nhà ga trên cao của tuyến đường sắt cũng đã hoàn thành kết cấu chính và cơ bản hoàn thành công tác trang trí, hoàn thiện. Nhìn tổng thể có thể thấy dự án đã hoàn thành tới 93%.Tuy nhiên, phần nền đường, hàng rào, đường nội bộ, một số hạng mục và gói thiết bị phục vụ dự án đang thi công nhưng vẫn chậm.
Tại cuộc họp kiểm điểm dự án Cát Linh – Hà Đông chậm tiến độ diễn ra chiều 4/5/2017 vừa qua do thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường chủ trì , lí giải cho việc dự án bị chậm tiến độ ông Đường Hồng, Giám đốc điều hành dự án (Tổng thầu EPC – Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc), cho biết: nguyên nhân chậm tiến độ là do thiếu vốn để thanh quyết toán các phần việc liên quan. Dù Ban quản lý dự án đường sắt cũng như Tổng thầu đã tích cực làm việc với Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank), nhưng ngân hàng này chưa chuyển tiền từ khoản vay 250,62 triệu USD đã ký giữa Chính phủ hai nước để giải ngân.
Công nhân rơi xuống đường tử vong.
Không những đội vốn, chậm tiến độ gây ùn tắc giao thông trong một thời gian dài mà dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông còn xảy ra một loạt tai nạn lao động khiến người dân bất bình.
Khoảng 6h30 sáng 6/1/2017, tại nhà ga khu vực đường Láng, một người đàn ông (được cho là công nhân) bị rơi từ công trình nhà ga đường sắt Cát Linh - Hà Đông xuống đường. Ngay sau đó, nạn nhân nhanh chóng được chuyển đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng chấn thương nặng.
Đây không phải lần đầu tiên diễn ra sự việc công nhân rơi xuống đường. Trước đó, khoảng 18h10 ngày 16/10/2016, tại công trường thi công khu vực nhà ga Văn Quán (cách cầu Trắng, quận Hà Đông khoảng 400 m về hướng Ngã Tư Sở), nam công nhân tên Lê Văn Linh (19 tuổi, quê Hà Tĩnh) cũng đã rơi xuống đường và tử vong 1 ngày sau đó.
Công trường rơi sắt dài 2 mét
Khoảng 10h15 sáng 25/8/2015, tại công trường thi công nhà ga tuyến đường sắt trên cao, đối diện số nhà 103 đường Quang Trung (Hà Đông – Hà Nội), một thanh sắt chữ I khá to, dài khoảng 2m của công trường bất ngờ rơi trúng nóc ô tô 4 chỗ đang lưu thông trên đường theo hướng Hà Đông – Ngã Tư Sở. Thanh sắt rơi trúng mui xe rồi bật xuống đất. trước đo ngày 12/5/2015, tại công trường thi công tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, đoạn qua trước nhà 341 Nguyễn Trãi (Thanh Xuân - Hà Nội), một thanh sắt rơi từ độ cao khoảng 5 m xuống trúng ô tô ô tô BKS 30M – 0070 do tài xế Nguyễn Thụ Đăng (Hoài Đức, Hà Nội) điều khiển, may mắn cả hai vụ tai nạn đều không có thiệt hại về người.
Sập giàn giáo 80 tấn bê tông bẹp taxi
Khoảng 4h sáng 28/12/2014, một đà giáo của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Hà Nội đã đổ sập khi công nhân đang đổ bê tông.
|
Sập giàn giáo tại dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông ngày 28/12/2014 |
Lực lượng cứu hộ, đơn vị thi công đã huy động 3 máy cẩu tới hiện trường tìm cách đưa chiếc xe gặp nạn ra khỏi đống đổ nát. Phải sau 11 giờ, chiếc ô tô mới được "giải cứu" trong tình trạng bị biến dạng nghiêm trọng, khung xe bị bóp méo, phần đầu bị vỡ nát. Nguyên nhân vụ việc chính là do giàn giáo, cột chống không đảm bảo.
Tai nạn khiến 1 người chết, 2 người bị thương
Vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 9h30 ngày 6/11/2014, tại công trường Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông, trên đường Nguyễn Trãi thuộc địa phận quận Thanh Xuân, Hà Nội (đoạn đối diện Học viện Y dược cổ truyền Việt Nam). Khi tổ thi công Xí nghiệp cầu 17, Tổng Công ty Công trình Giao thông 1 (Cienco 1) đang nâng lồng thép gồm 8 thanh thép phi 32 (dài hơn 21 m với tổng khối lượng 1,1 tấn) lên thì có va chạm do cẩu nâng quá cao.
Ngoại lực từ cú va chạm tác động mạnh khiến các mối hàn kết nối giữa các thanh sắt ở lồng thép này bị vỡ. Ba trong số 8 thanh văng xuống lòng đường trúng người dân, một người tử vong tại chỗ, hai người khác bị thương.
Dự án đường sắt trên cao tuyến Cát Linh – Hà Đông một lần nữa cho thấy những hạn chế trong công tác đấu thầu, quản lí cũng như thi công công trình của các cơ quan Ban, Ngành và đội ngũ nhà thầu. Hiện tại dự án đang thực hiện những hạng mục cuối cùng để đưa vào hoạt động và đâychính là một bài học cho những dự án tiếp theo, tránh tình trạng đi vào “vết xe đổ”.
Rất may là sau nhiều lùm xùm, sáng này 20/5/2017, Ban QLDA Đường sắt (Bộ GTVT) đã chính thức mở cửa nhà ga kiểu mẫu La Khê để đón người dân vào tham quan đoàn tàu đường sắt đô thị Cát Linh- Hà Đông. Ngay từ sáng đã có đông người dân thủ đô háo hức, “tò mò” tham quan xem chất lượng đoàn tàu và cách vận hành khi đưa vào khai thác như thế nào.