Đây không phải vụ tai nạn đường sắt đầu tiên có nguyên nhân từ việc lái xe ô tô cố băng qua đường sắt bất chấp đoàn tàu đang lao tới. Chẳng thế mà nhiều lái tàu đã tâm sự: “Điều khiển tàu cheo leo vực núi chúng tôi vẫn không sợ bằng khi tàu đi trên đường bằng qua các khu đông dân cư, bởi khi đó đường ngang dân sinh trở thành nỗi ám ảnh với những hành vi cố tình vượt của người tham gia giao thông”.
Người Việt Nam rất lạ, khi ra đường lúc nào cũng vội, vội cả khi biết mạng sống của mình “ngàn cân treo sợi tóc”.
Ngày 11/4 vừa qua cũng vì vội mà trên tuyến đường sắt Thống Nhất đoạn qua phường Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội), khi nữ nhân viên gác chắn phất cờ để chuẩn bị kéo rào, nhường đường cho tàu hỏa đi qua thì người đàn ông lái ôtô 7 chỗ cố tình vượt và va chạm với một xe máy ở khu vực đường tàu. Thoát khỏi khu vực nguy hiểm, tài xế ôtô quay lại chửi bới vì cho rằng nhân viên đẩy gác chắn dẫn đến va chạm. Khi mọi người đang giải thích, tài xế lao tới đánh vào mặt một nữ nhân viên trong khi cô này đang mang thai 6 tháng.
Lãnh đạo Công ty Cổ phần Đường sắt Hà Hải thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, trong năm 2016, có ít nhất 6 vụ công nhân gác chắn đường ngang bị đánh phải nhập viện. Hầu hết các trường hợp, người hành hung đều cho rằng nhân viên gác chắn đường ngang đã cản trở họ lưu thông khi họ đang vội (!).
Ở một khía cạnh khác, theo ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, cả nước còn 4.211 đường ngang dân sinh trái phép, luôn thường trực và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông mỗi khi chạy tàu. 80% số vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra tại các điểm giao cắt đường bộ và đường sắt. Ai cũng biết rằng, đường ngang dân sinh trái phép không nhỏ bé như cái kim và không hoạt động ẩn giấu. Khi đổ đất mở đường ai cũng thấy, cũng biết, khi tấp nập xe cộ vượt qua đường, người người đều đi. Biết sai nhưng tại sao nó vẫn tồn tại?
Còn nhớ tại huyện Thanh Liêm (Hà Nam) phát sinh cùng lúc 26 điểm đổ đất, làm đường ngang. Phát hiện sự việc, Cục Đường sắt lập đoàn kiểm tra, mời lãnh đạo huyện Thanh Liêm cùng dự nhưng không ai có mặt. Cục Đường sắt đành “đánh” công văn báo cáo lãnh đạo tỉnh Hà Nam hỗ trợ xử lý… Như vậy là đã rõ, bên cạnh sự thiếu hiểu biết của người dân thì sự thờ ơ của chính quyền cũng là nguyên nhân khiến cho đường ngang “vô tư sinh sôi”. Chính vì thế mới nói “Tai nạn giao thông đường sắt – đâu chỉ tại đường ngang”.