“Ta sẽ đưa ra một đề nghị mà hắn không thể từ chối”
Đây là câu ông trùm Corleone (The Godfather, 1972) nói với con nuôi của mình - ca sĩ Johnny Fontane - khi nhờ ông trùm tác động để có được vai diễn trong phim của Jack Woltz. Woltz, nhà sản xuất phim đầy thế lực ở Hollywood, rất ghét Fontane, trước đó từ chối giao vai diễn cho ca sĩ này.
Lời nhờ vả của Fontane được đưa ra vào đám cưới của con gái bố già. Tại sao lại nhờ vả vào dịp đám cưới? Vì người Sicilia có phong tục là không từ chối những đề nghị được đưa ra vào ngày cưới của con gái họ.
“Ta sẽ đưa ra một đề nghị mà hắn không thể từ chối” có một số biến thể xuất hiện cả trong 3 tập phim “The Godfather”. Tác giả tiểu thuyết, tác giả kịch bản phim Mario Puzo và đạo diễn Francis Ford Coppola ở hai bờ Đông, bờ Tây của nước Mỹ khi họ cùng viết kịch bản cho tập phim đầu tiên.
Hai người ở cách nhau gần 4.700km: Puzo ở thành phố New York, trong khi Coppola ở San Francisco. Vì thế, họ phải gửi các phác thảo kịch bản cho nhau qua đường bưu điện.
|
Một cảnh trong phim Taxi Driver |
“Nói thật, em yêu. Anh đếch quan tâm”
Câu “Anh đếch quan tâm” nguyên bản tiếng Anh là “I don’t give a damn”. Từ “damn” thường được dùng trong các câu chửi rủa, chửi thề với nghĩa “tồi tệ”, “chết tiệt”, “khốn kiếp”…
Vì thế, hai tháng trước khi phim “Cuốn theo chiều gió” (Gone With the Wind, 1939) được công chiếu, các nhà kiểm duyệt yêu cầu bỏ từ “damn”. Nhà sản xuất phim nghĩ ra 22 phương án thay thế “damn”. Sau khi cân nhắc, các nhà kiểm duyệt đồng ý giữ lại từ “damn”, không bắt nhà sản xuất thay thế nữa.
“Mi đang nói chuyện với ta ư?”
Tài tử Robert De Niro đã ngẫu hứng sáng tác ra câu thoại này (Taxi Driver, 1976). Kịch bản chỉ viết đơn giản là: “Nhân vật Travis tự nói với mình trong gương”. Tác giả kịch bản Paul Schrader nói với diễn viên là nhân vật chỉ là “một cậu bé chơi đùa với súng và thể hiện mình thật ngầu”.
Năm 2008, Taxi Driver được tạp chí Empire xếp hạng 17 trong danh sách 500 phim hay nhất mọi thời đại. Trước đó, năm 1994, bộ phim tâm lý tội phạm Taxi Driver được đưa vào lưu trữ tại Viện Lưu trữ phim quốc gia của Mỹ.
Phim kể về Travis Bickle, một lính thủy đánh bộ Mỹ 26 tuổi, giải ngũ sau khi phục vụ trong Chiến tranh Việt Nam. Cô đơn, trầm cảm, Travis trở thành lái xe taxi để đối phó chứng mất ngủ kinh niên, đêm đêm đưa đón khách ở thành phố New York.
|
Các nhân vật chính trong The Wizard of Oz |
“Không đâu bằng nhà mình”
Nội dung phim “Phù thủy xứ Oz” có nhiều điểm khác biệt so với nguyên tác tiểu thuyết cùng tên của Frank Baum trình làng năm 1900. Tuy nhiên, các nhà làm phim giữ nguyên câu “There’s no place like home” (Không đâu bằng nhà mình) trong truyện.
The Wizard of Oz (1939) luôn nằm trong top 10 bộ phim hay nhất mọi thời đại của nhiều bảng xếp hạng. Phim có kinh phí sản xuất gần 2,8 triệu USD, đạt doanh thu phòng vé 16,5 triệu USD.
“Xin chào. Tên ta là Inigo Montoya. Mi đã giết cha ta. Chuẩn bị đi chết đi”
Đây có lẽ là câu thoại nổi tiếng nhất mà diễn viên Mandy Patinkin từng thốt lên. Sau khi The Princess Bride (The Princess Bride, 1987) được công chiếu, người hâm mộ Patinkin ngày nào cũng nói với anh câu này (hoặc gửi thư) ít nhất 2 lần.
Patinkin thủ vai cao thủ kiếm thuật Tây Ban Nha Inigo Montoya săn lùng kẻ có bàn tay phải 6 ngón để trả thù cho cha. The Princess Bride đứng thứ 50 trong danh sách 100 phim hài hước nhất của truyền hình cáp và vệ tinh Bravo, thứ 88 trong danh sách 100 phim tình yêu hay nhất của Viện Phim Mỹ…
|
Heath Ledger vai Joker trong The Dark Knight của đạo diễn Christopher Nolan |
“Sao phải nghiêm túc?”
Có lẽ Joker là nhân vật phản diện có tạo hình, lời thoại và hành động ám ảnh nhất đối với đông đảo người yêu điện ảnh. Khuôn mặt trắng bệch, hai quầng mắt đen ngòm luôn nhìn xoáy vào người đối diện, môi đỏ chót, miệng ngoác, cười ngạo nghễ, đầy nhạo báng… Và có lẽ cũng không ai đóng vai thằng hề điên điên tỉnh tỉnh này đạt hơn tài tử quá cố Heath Ledger.
Joker có nhiều câu nói rất trái tai nhưng đáng nhớ, ví dụ: “Nếu mày giỏi lĩnh vực gì thì đừng bao giờ làm điều đó miễn phí”, “Cách hợp lý nhất để sống trong thế giới này là sống không luật lệ”, “Thời buổi này mày không thể dựa vào bất kỳ ai; mày phải tự làm mọi thứ”…
Nhưng câu nói “ác chiến” nhất phải là “Sao phải nghiêm túc?” (hơi hơi giống câu “Sao phải xoắn?” của nhiều người Việt hiện nay). Phải đặt câu này trong bối cảnh cụ thể mới thấy hết sự ám ảnh của nói.
Joker đưa con dao vào trong việc Gambol, nói: “Có muốn biết tao có những vết sẹo này như thế nào không? Bố tao là kẻ nghiện rượu. Một tên ác ôn. Một đêm, ông ta lên cơn điên khùng, điên khùng hơn bình thường. Mẹ tao với lấy con dao làm bếp để tự vệ. Ông ta không thích điều đó. Không thích một chút nào.
Tao nhìn mọi việc diễn ra. Ông ta chĩa dao vào mẹ tao, cười to khi làm việc đó. Quay sang tao, ông ta nói: ‘Sao phải nghiêm túc, con trai?’. Ông ta cầm dao tiến gần tao. ‘Sao phải nghiêm túc?’. Ông ta chọc con dao vào mồm tao… ‘Hãy đặt một nụ cười lên khuôn mặt đó!’. Và… Sao phải nghiêm túc?”.(The Dark Knight, 2008)
“Đây là khởi đầu của một tình bạn đẹp”
Trong kịch bản ban đầu, nhân vật đại úy Louis Renault (Casablanca, 1942) chứ không phải ông chủ quán Rick Blaine, nói: “Đây là khởi đầu của một tình bạn đẹp” và Blaine đáp: “Ừ, nhưng đừng quên là ông còn nợ tôi 10.000 francs”.
Trong kịch bản cuối cùng và được thể hiện ở phút cuối của Casablanca, Louis Renault và Rick Blaine bước vào màn sương mù dày đặc. Phim vang lên câu thoại cuối cùng của Rick Blaine: “Louis, tôi nghi đây là khởi đầu của một tình bạn đẹp”.
Casablanca được coi là một trong những tác phẩm Hollywood kinh điển nhờ lời thoại, hình tượng nhân vật, nhạc phim mẫu mực.
|
Áp phích phim Dr. No |
Trong Casablanca còn có nhiều câu thoại ấn tượng như: “Nhìn em kìa, cô bé”, “Trong vô vàn quán rượu ở mọi thành phố khắp thế giới, cô ấy lại đến đúng chỗ tôi”… Câu thoại “Nhìn em kìa, cô bé” không có trong kịch bản gốc, mà là câu nói ngẫu hứng của tài tử Humphrey Bogart.
Casablanca được đề cử 8 giải Oscar và giành được 3 tượng vàng, gồm Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất và Kịch bản chuyển thể hay nhất.
“Bond. James Bond”
Lời giới thiệu ngắn gọn trở thành thương hiệu của điệp viên 007 (Dr. No, 1962) trong suốt các tập phim. Tại sao cha đẻ của siêu điệp viên James Bond lại nghĩ ra cái tên nổi tiếng khắp thế giới ấy? Ông không hề nghĩ ra.
Để đặt tên cho điệp viên 007, nhà văn Ian Fleming muốn tìm kiếm một biệt danh gì đó thật là nhạt nhẽo. Ông tìm trên giá sách của mình và một cái tên đập vào mắt.
Đó là tên tác giả của một cuốn sách hướng dẫn về thú ngắm chim. “Ôi trời, đó là cái tên buồn tẻ nhất mà tôi từng biết”, Ian Fleming nhớ lại khoảnh khắc “eureka” đó.../.