Những cay đắng sau chiếc vương miện hoa hậu

Hoa hậu là danh hiệu cao quý mà bao cô gái mơ ước nhưng khi đội lên đầu chiếc vương miện cũng là lúc họ phải đối diện với một cuộc sống hoàn toàn khác, có vinh quang và cả đắng cay
Trong khi hoa hậu Diễm Hương bị xử lý do có sai phạm vẫn kiên quyết không chịu từ bỏ vương miện Hoa hậu Thế giới người Việt 2010 thì hoa hậu Triệu Thị Hà tuyên bố “trả vương miện” chỉ vì áp lực công việc của một hoa hậu khiến công chúng có phần ngỡ ngàng. Tại sao Triệu Thị Hà - Hoa hậu Các dân tộc Việt Nam 2012 - tuyên bố trả vương miện? Có thể đây là chiêu quảng bá như người trong giới đang bàn nhưng cuộc sống của một hoa hậu thật sự có nhiều áp lực.
Thường xuyên bị gọi tiếp khách
Theo Triệu Thị Hà, khi cuộc thi Hoa hậu Các dân tộc Việt Nam lần thứ ba đang diễn ra (Triệu Thị Hà là hoa hậu lần hai), vì chịu quá nhiều áp lực công việc của một đương kim hoa hậu cộng với sức khỏe không tốt nên cô đã làm đơn xin ban tổ chức được nghỉ một thời gian nhưng không được đồng ý. 
Ngoài sức khỏe, một trong những lý do khiến cô mạnh dạn nộp đơn xin trả lại vương miện là “thường xuyên bị gọi đi tiếp khách cho ban tổ chức mà tôi không biết mục đích của nó là gì. Thậm chí, giữa đêm khuya cũng bị gọi đi tiếp khách, mặc dù trong bản cam kết giữa chúng tôi và đơn vị tổ chức cuộc thi không hề có điều khoản nào bắt buộc phải như vậy” - hoa hậu Triệu Thị Hà cho biết.
Hoa hậu Triệu Thị Hà lúc đăng quang Ảnh: B.T.C
Hoa hậu Triệu Thị Hà lúc đăng quang Ảnh: B.T.C 
Dù trưởng ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Các dân tộc Đoàn Thị Kim Hồng quyết liệt bác bỏ những giải thích của Triệu Thị Hà và đòi kiện hoa hậu này nhưng những người trong giới đều cho rằng việc một hoa hậu phải đi tiếp khách là điều có thật. Đơn giản “một hoa hậu xuất hiện trong cuộc đàm phán bao giờ cũng khiến cho cuộc đàm phán ấy trở nên dễ dàng gặt hái thành quả. 
Một doanh nhân có tiếng, người đang nâng đỡ cho một số hoa hậu hiện nay, cho biết: “Tôi vẫn làm việc cùng các hoa hậu vì hình ảnh của họ luôn mang đến những lợi ích trong kinh doanh. Việc duy nhất mà họ có thể giúp tôi là xuất hiện trong những cuộc gặp gỡ mang tính chiến lược trong kinh doanh. Thường thì những bản hợp đồng kinh doanh của tôi sau đó rất thuận lợi vì chẳng ai nỡ “thở mạnh” trước nhan sắc của một hoa hậu chứ nói chi là từ chối”.
Vì vậy, việc hoa hậu đương nhiệm tham gia vào những đợt tiếp khách để xin tài trợ cho cuộc thi tìm kiếm hoa hậu kế nhiệm gần như là một nhiệm vụ. Đó là quy định chung, không chỉ ở Việt Nam mà trên khắp thế giới. Thực tế, sự xuất hiện của các hoa hậu đương nhiệm là một cách mang lại niềm tin cho đối tác trong đàm phán. Tất nhiên, hoa hậu chỉ mang tính chất tô điểm cho không gian cuộc đàm phán ấy thêm tỏa sáng mà thôi.
Ở đây, không loại trừ những buổi chiêu đãi khách cần hoa hậu có mặt không vì mục đích chung mà vì lợi ích cá nhân. “Vấn đề này còn tùy vào nhận thức của hoa hậu. Những ràng buộc không tên này đôi khi chỉ phát sinh từ tình cảm của đôi bên. Và nếu thấy không rõ ràng, hoa hậu có quyền từ chối tham dự vì không có bất kỳ ràng buộc nào về mặt pháp lý để cô ấy phải làm điều đó” - một hoa hậu đương nhiệm nhận định.
“Ở trong chăn mới biết chăn có rận”
Trên thế giới, không biết bao nhiêu người đẹp bị tước vương miện hoa hậu chỉ vì “lười”. Hoa hậu thì phải gắn với các hoạt động từ thiện. Chính vì vậy, việc Triệu Thị Hà xin trả lại vương miện vì lý do sức khỏe không phải “buồn cười” như bình luận của nhiều cư dân mạng. Bởi khi không tham gia các hoạt động từ thiện do ban tổ chức vạch ra sau cuộc thi, hoa hậu đương nhiệm sẽ bị ban tổ chức tước vương miện để trao cho người xứng đáng hơn.
Tuy nhiên, công tác từ thiện của các hoa hậu cũng lắm chuyện bi hài bởi suy cho cùng, cũng chỉ là chiêu bài của ban tổ chức các cuộc thi. Việc sau khi đăng quang, hoa hậu đến thăm các trung tâm bảo trợ nhân đạo, trồng cây xanh, làm sạch biển, vệ sinh môi trường… cũng chỉ nhằm có được những hình ảnh ý nghĩa với công chúng qua các phương tiện truyền thông. Ban tổ chức cuộc thi hoa hậu chứng minh được “cái tâm” của người tổ chức, còn hoa hậu thực hiện tốt nghĩa vụ đối với cộng đồng là đủ.
Không ít người đẹp ta thán: “Ở trong chăn mới biết chăn có rận”. Ngay hoa hậu Triệu Thị Hà cũng than thở vì “không ngờ làm hoa hậu khổ thế”. Tiền thưởng 100 triệu đồng cho danh hiệu hoa hậu coi như trắng tay sau khi đóng thuế thu nhập 10%, trích 30% để làm từ thiện theo thỏa thuận trước cuộc thi, chi trả 54 triệu đồng cho trang phục, số tiền vài triệu đồng còn lại, cô cũng tặng hết cho quỹ khuyến học ở quê. Nhưng cái chính là những ràng buộc khắt khe mà các người đẹp cảm nhận được khi cảm xúc lâng lâng chiến thắng dịu xuống, trở về với cuộc đời thật.
Theo đó, trong thời gian đương nhiệm, hoa hậu phải chịu sự quản lý, giám sát của đơn vị tổ chức về tất cả các hoạt động như trả lời báo chí, truyền hình, chụp ảnh, hoạt động từ thiện, giao lưu văn hóa, ký kết hợp đồng quảng cáo, trình diễn thời trang; thậm chí cả về quan hệ tình cảm cá nhân. Nếu không thực hiện những nội dung trên thì hoa hậu sẽ phải bị phạt bằng tiền hoặc tước danh hiệu. 
Không phải Triệu Thị Hà là người duy nhất xin trả vương miện. Người đẹp Phạm Thanh Tâm (Người đẹp Du lịch trong cuộc thi Hoa hậu Các dân tộc Việt Nam) cũng xin trả lại danh hiệu vì bị “khai thác” khi sức khỏe có vấn đề. Cô lý giải: “Ban tổ chức đã cư xử thiếu tôn trọng, bắt ép thí sinh hoạt động quá mức, chẳng hạn buộc tôi tham gia các hoạt động sau cuộc thi cả khi bị ốm nặng và đã xin phép nghỉ” - Thanh Tâm bức xúc.
Hoa hậu Triệu Thị Hà lúc đăng quang Ảnh: B.T.C