Cách ly toàn xã hội trong nửa tháng để phòng chống Covid-19
Có hiệu lực từ 1/4, Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 nêu yêu cầu cách ly toàn xã hội; thực hiện theo nguyên tắc "gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh".
Nhiều tuyến phố ở thủ đô Hà Nội nhiều ngày qua đã vắng người đi lại. Ảnh: Vnexpress
Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu mọi người dân ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu; làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (những nơi không bị đóng cửa, dừng hoạt động) và các trường hợp khẩn cấp khác.
Mọi người dân phải thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.
Tung tin giả mạo, sai sự thật trên mạng xã hội bị phạt đến 20 triệu đồng
Nghị định 15/2020/NĐ-CP ban hành ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử có hiệu lực từ ngày 15/04/2020, trong đó, quy định mức phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống.
Vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ phạt đến 100 triệu đồng
Nghị định số 18/2020/NĐ-CP ban hành ngày 11/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ có hiệu lực từ ngày 01/04/2020.
Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả; thẩm quyền xử phạt, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ.
Theo Nghị định, đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ, tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo, phạt tiền. Trong đó, mức phạt tiền tối đa là 50 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với tổ chức.
Trả lương không đúng hạn, doanh nghiệp bị phạt đến 100 triệu đồng
Ngày 1/3, Chính phủ ban hành Nghị định 28/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/4/2020, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, thay thế Nghị định 95/2013/NĐ-CP và Nghị định 88/2015/NĐ-CP trước đó.
Đáng chú ý là quy định xử phạt đối với người sử dụng lao động trả lương không đúng hạn cho người lao động. Theo đó, người sử dụng lao động sẽ bị phạt tiền: Từ 05 - 10 triệu đồng nếu vi phạm từ 01 - 10 người lao động; Từ 10 - 20 triệu đồng nếu vi phạm từ 11 - 50 người lao động; Từ 20 - 30 triệu đồng nếu vi phạm từ 51 - 100 người lao động; Từ 30 - 40 triệu đồng nếu vi phạm từ 101 - 300 người lao động; Từ 40 - 50 triệu đồng nếu vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
Mức phạt này được áp dụng với người sử dụng lao động là cá nhân. Trường hợp người sử dụng lao động là tổ chức thì mức phạt gấp 02 lần. Và như vậy, doanh nghiệp sẽ bị phạt tối đa 100 triệu đồng nếu chậm trả lương cho người lao động.
Người đủ 15 tuổi được sử dụng thẻ tín dụng phụ
Theo Thông tư 28/2019/TT-NHNN do Ngân hàng Nhà nước ban hành và có hiệu lực từ ngày 01/4/2020.
Theo đó, đối tượng là chủ thẻ phụ có thể là: Người từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật được sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước; Người từ đủ 15 - 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự được sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước (quy định mới); Người từ đủ 6 - 15 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự được người đại diện theo pháp luật đồng ý bằng văn bản về việc sử dụng thẻ được sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ trả trước.
Nghị định 10 kinh doanh vận tải ô tô
Từ hôm nay (1/4), Nghị định 10/2020/NĐ-CP thay thế Nghị định 86 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô sẽ có hiệu lực. Nghị định đã phân định rõ giữa khái niệm đơn vị "kinh doanh vận tải" và đơn vị chỉ "cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải". Từ 1/7, xe ô tô kinh doanh vận tải khách từ 9 chỗ trở lên, container, xe đầu kéo phải lắp camera để ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe bảo đảm giám sát công khai, minh bạch.
Taxi công nghệ được lựa chọn gắn mào hoặc phù hiệu
Nghị định 10/2020 quy định điều kiện kinh doanh vận tải có hiệu lực từ ngày 1/4 đưa ra nhiều điểm mới trong quản lý xe taxi. Theo đó, ngoài taxi truyền thống còn có taxi công nghệ, sử dụng phần mềm đặt xe, tính cước chuyến đi và kết nối với hành khách thông qua phương tiện điện tử.
Nghị định nêu rõ, chủ taxi có quyền lựa chọn gắn mào với chữ "taxi" trên nóc, hoặc dán phù hiệu "xe taxi" bằng vật liệu phản quang lên kính phía trước và kính phía sau xe. Các xe đã gắn mào không phải dán phù hiệu.
Ngoài ra, chủ xe đang ứng dụng hình thức gọi xe như Grab Car, Goviet... có thể lựa chọn mô hình xe hợp đồng điện tử hoặc taxi công nghệ tùy theo nhu cầu, song phải đáp ứng quy định của mỗi loại hình vận tải.
Giảm phí thẩm định quảng cáo hoá chất, chế phẩm diệt khuẩn y tế
Theo Thông tư 11/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 278/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong lĩnh vực y tế có hiệu lực từ ngày 06/4/2020, phí thẩm định xác nhận nội dung quảng cáo hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế được điều chỉnh giảm từ 1 triệu đồng/hồ sơ xuống còn 600.000 đồng/hồ sơ.