Những chuyến du lịch tình nguyện của người trẻ

(PLVN) - Du lịch vốn là một hoạt động trải nghiệm, khám phá, giúp du khách thư giãn, nghỉ ngơi. Vậy nhưng, hiện tại, du lịch còn gắn với những chuyến đi tình nguyện như lên bản dạy chữ, hướng dẫn người dân làm homestay, … được những thanh thiếu niên trong độ tuổi mười tám đôi mươi tích cực tham gia.
Du lịch kết hợp tình nguyện đang là một xu hướng mới. (Nguồn: V.E.O)

Hướng đến sự phát triển bền vững

Nhắc đến mô hình du lịch tình nguyện ở Việt Nam, không thể thiếu Tổ chức Tình nguyện vì giáo dục, còn được gọi là V.E.O viết tắt của Volunteer for Education Organization. Tổ chức đã ra đời từ năm 2013, với đội ngũ sáng lập là những người trẻ thuộc thế hệ 8x, 9x. Tính đến nay, V.E.O đã triển khai và hoạt động mạnh mẽ với rất nhiều các chương trình du lịch, kết hợp với tình nguyện như dạy học, hỗ trợ trẻ em tại các bản làng vùng cao. Đến thời điểm hiện tại, dù đây là mô hình du lịch trải nghiệm tương đối mới, nhưng đã và đang thu hút được rất nhiều người trẻ trong độ tuổi học sinh, sinh viên tham gia.

Hay một hội được nhiều thanh thiếu niên biết đến đó là Hội Việt Pháp CODEV, đã xây dựng một hệ thống các dự án mà khách du lịch có thể tham gia như: dạy tiếng Pháp cho trẻ em, cải tạo vườn rau, xây dựng thư viện… Hội đã nhân rộng mô hình du lịch kết hợp từ thiện đến các vùng xã đang gặp nhiều khó khăn ở Quảng Nam - Đà Nẵng, Phú Thọ… Hiện nay, dự án vẫn còn hoạt động dưới hình thức khai thác các tour cộng đồng ở làng Phước Tích (Thừa Thiên Huế), hỗ trợ một phần kinh phí cho người dân địa phương tái tạo lại nghề gốm Phước Tích và phát triển dịch vụ homestay tại địa phương này.

Hoặc những chương trình của dự án HumaniTour thuộc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Bền vững (CSDS), đã tổ chức nhiều chuyến đi du lịch tình nguyện tại Hòa Bình, Thái Nguyên; hai chương trình giáng sinh tại Trung tâm Nuôi dưỡng Trẻ khuyết tật Biên Giang; chiến dịch truyền thông về nước sạch - vệ sinh - môi trường (Wash campaign) tại Bắc Giang... các tình nguyện viên đã ghé thăm Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Hòa Bình, tặng các em nhỏ nhiều phần quà gồm quần áo, bánh kẹo, sữa, mì tôm, sách vở... . Ngoài ra, còn hỗ trợ đổ 20 xe đất cho trung tâm để trồng rau, cải thiện chất lượng bữa ăn cho các cụ già và em nhỏ.

Những tổ chức này hướng đến 3 mục đích chính là cung cấp dịch vụ du lịch cho khách hàng, mang đến những cơ hội trải nghiệm, phát triển bản thân cho đối tượng thanh thiếu niên và hỗ trợ cộng đồng. Đối tượng chủ yếu được các chương trình tình nguyện vì giáo dục này hỗ trợ là trẻ em và người dân bản địa. Mục tiêu của là sử dụng giáo dục để tạo nên sự phát triển bền vững cho những người dân nghèo ở các vùng miền. Điều này bắt nguồn từ thời gian đi thực tế ở vùng cao, đội ngũ tình nguyện đã đi đến các địa điểm có người dân nghèo, nhằm quyên góp ủng hộ đồ dùng, thực phẩm… Và nhận thấy việc ủng hộ chỉ mang tính thời vụ, không đem lại giá trị lâu dài cho người dân.

Mô hình du lịch tình nguyện là một hướng phát triển bền vững. (Nguồn: V.E.O)

Như trong chương trình “Thương vụ bạc tỷ” phát sóng vào năm 2018, người đồng sáng lập Tổ chức V.E.O là anh Trần Quang Hưng đã chia sẻ: “Chúng tôi không thể duy trì hình thức nay tặng con bò, mai tặng vài cân gạo, mà hoàn toàn có thể hỗ trợ người dân địa phương làm homestay, đón khách du lịch và dạy tiếng Anh cho trẻ em ở đó”. Cho nên, các chuyến du lịch của V.E.O, người tham gia không phân phát phần quà cho trẻ em và người dân vùng cao, mà sẽ đóng góp một nửa công sức vào việc dạy học cho các em nhỏ, tư vấn định hướng hỗ trợ cho người dân tại các bản làng vùng cao,… Mô hình du lịch tình nguyện của tổ chức lựa chọn giáo dục làm mục tiêu chính để thực hiện. Bằng việc có được tri thức nền tảng, vốn ngoại ngữ tốt, sẽ giúp cho thế hệ trẻ ở bản làng vùng sâu, vùng xa có ý tưởng để phát triển kinh tế cho địa phương của mình.

Du lịch tình nguyện hướng đến ba vấn đề chính, đó là du lịch giáo dục, du lịch sinh thái và du lịch văn hóa. Du lịch giáo dục là giúp trẻ em, người dân vùng cao có được kiến thức, kỹ năng. Du lịch văn hóa là du khách trực tiếp cùng người dân tham gia sản xuất đồ thủ công, sản vật địa phương như nhuộm vải, thêu thùa, làm gốm. Và du lịch sinh thái là những tình nguyện viên vừa là du khách, vừa tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường, như trồng cây xanh, nhặt rác ở bãi biển, hỗ trợ người dân bản địa nhận thức được các vấn đề về môi trường.

Mặc dù không đặt ra quy định về lứa tuổi, nhưng chủ yếu đội ngũ “du khách” tham gia là những người trẻ trong độ tuổi 16-24. Các chuyến đi thường được diễn ra vào cuối tuần, hoặc trong kỳ nghỉ hè. Vì là du lịch tình nguyện nên sẽ có hai phần, phần đầu đó là du lịch, khi mỗi “khách” đều được tham quan, nghỉ dưỡng ở những địa điểm đẹp, hấp dẫn. Đặc biệt, “du khách” tham gia chuyến đi tình nguyện này, sẽ không phải trả nhiều khoản chi phí, họ sống tại homestay của nhóm, hoặc nhà dân, tự nấu ăn, sinh hoạt. Phần còn lại của chuyến đi, tình nguyện viên sẽ thực hiện những hoạt động cộng đồng như: dạy tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Việt; dạy các kỹ năng sống cho trẻ em; tư vấn, định hướng làm du lịch cho bà con địa phương.

Ví dụ các tình nguyện viên có thể hướng dẫn các em nhỏ vùng cao những kỹ năng cần thiết như cách để rửa tay, vệ sinh phòng tránh dịch bệnh COVID-19, thực hành ăn uống vệ sinh đúng cách. Ngoài ra, một số tổ chức như V.E.O nhận thấy việc trẻ em vùng cao thường ra sông suối, ao hồ, rừng núi nô đùa rồi xảy ra những tai nạn đáng tiếc, nên tổ chức cùng các tình nguyện viên đã xây dựng Dự án “Khoảng trời trong veo” và “Tủ sách trong veo”. Đây là dự án xây dựng khu vui chơi và dạy học cho trẻ em các dân tộc vùng cao. Dự án đã hoàn thành tại xã Phụ Mẫu, huyện Vân Hồ, Sơn La (tháng 7/2020) và xã Bản Lạng, huyện Xuân Sơn, Phú Thọ (tháng 3/2021), cung cấp cho các em nhỏ một “địa chỉ” vui chơi kết hợp học tập rất thoải mái.

Tạo ra các giá trị cho cộng đồng

Những chương trình du lịch tình nguyện giống như của V.E.O, Hội Việt Pháp CODEV, HumaniTour,… không chỉ giúp đỡ cho trẻ em ở bản làng vùng cao, mà còn tạo ra những giá trị tốt đẹp cho xã hội. Đầu tiên, đó là giúp phát triển kinh tế từ du lịch cho địa phương. Khi mỗi người dân đều có thể sử dụng ngôi nhà, nguồn lương thực, thực phẩm do họ làm ra để bán cho những du khách đến làm tình nguyện với một mức giá hợp lý. Ví dụ như giúp cho người dân thêm kế sinh nhai từ việc mở homestay, có điều kiện thuận lợi trong tiêu thụ các mặt hàng nông sản, thủ công mỹ nghệ...

Đặc biệt, việc du lịch kết hợp tình nguyện thu hút rất nhiều thanh thiếu niên không chỉ ở Việt Nam, mà cả nước ngoài đến tham gia liên tục trong năm, giúp cho các địa phương này có được lượng khách ổn định, không bị gián đoạn khi hết “mùa du lịch” như nhiều nơi khác.

Với những đóng góp trong các chuyến du lịch tình nguyện, người trẻ đang tạo ra giá trị tốt đẹp cho cộng đồng. (Nguồn: HumaniTours)

Hơn nữa, với những tiêu chí cơ bản nhất để lựa chọn địa điểm du lịch tình nguyện như của V.E.O, Hội Việt Pháp CODEV có phong cảnh đẹp, giao thông thuận tiện và hạ tầng có sẵn và phù hợp, những nơi như Yên Bái, Mộc Châu, Hà Giang, Đà Nẵng, Huế… đang được những tình nguyện viên đến không chỉ hỗ trợ người dân, mà còn quảng bá được nét đẹp của thiên nhiên Việt Nam, cũng như gián tiếp đưa những hình ảnh nhân văn tại các vùng đất này đến với bạn bè năm châu.

Đặc biệt, với việc kết hợp du lịch với dạy học kỹ năng, kiến thức, hoàn toàn có thể lồng ghép các kiến thức về việc bảo vệ môi trường, thực hiện “du lịch xanh”. Để việc phát triển du lịch tại các địa phương không ảnh hưởng đến hệ sinh thái, cũng như văn hóa bản địa đặc sắc của mỗi dân tộc, vùng miền khi “mở cửa” đón tiếp những vị khách từ khắp mọi nơi trên thế giới đến.

Như tại xã vùng cao Lô Lô Chải (huyện Đồng Văn - Hà Giang), đội ngũ V.E.O đã tìm hiểu và được biết, tỉnh Hà Giang định hướng Lô Lô Chải trở thành làng văn hoá. Nhưng thời điểm đó, bản làng này vẫn chưa được nhiều người biết đến. Vì thế, cuối năm 2016, V.E.O phối hợp cùng Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang đưa Lô Lô Chải thành điểm dự án và xây dựng kế hoạch du lịch tình nguyện. Hiện tại, Lô Lô Chải đã trở thành một “điểm nhấn” du lịch ở Hà Giang, được du khách yêu thích bởi phong cảnh và giá trị văn hóa còn được lưu giữ đến tận ngày nay.

Không chỉ tạo ra giá trị tốt đẹp cho người dân bản địa, du lịch tình nguyện còn “thay đổi” rất nhiều học sinh, sinh viên. Trong mô hình du lịch này, những người trẻ được khuyến khích thay đổi bản thân, dám nghĩ khác và ý thức được trách nhiệm của mình với xã hội, đồng thời tăng thêm vốn hiểu biết về đất nước mình để mỗi người sẽ trở thành “đại sứ du lịch” cho Việt Nam.

Hơn nữa, hành trình vừa đi du lịch, vừa làm tình nguyện viên không chỉ cho học sinh, sinh viên được chiêm ngưỡng khung cảnh, cuộc sống “đa sắc màu” ở các tỉnh thành, bản làng tại Việt Nam. Mà đây còn là khoảng thời gian bổ ích, giúp mỗi người nhận ra được tiềm năng của bản thân và cách mà mình có thể đóng góp, cống hiến cho quê hương, đất nước. Từ đó, mỗi người trẻ có thêm ý thức về việc bảo tồn, lưu giữ giá trị văn hóa tốt đẹp của Việt Nam. Tính đến hiện nay, kết quả đạt được, du lịch tình nguyện đang ngày càng được mở rộng quy mô.