Những cuộc chiến bảo hộ thương hiệu

(PLO) - Xây dựng được thương hiệu đã khó, giữ gìn và bảo hộ thương hiệu trong điều kiện xã hội kinh tế, pháp luật quy định về việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn chưa chặt chẽ lại càng khó khăn. Đã có nhiều những câu chuyện “cười ra nước mắt” khi các doanh nghiệp sa vào cuộc chiến khó khăn này.
Hermes đã đăng ký bảo hộ toàn bộ nhãn hiệu dịch vụ hàng hóa nằm trong các nhóm được Cục SHTT quy định.
Hermes đã đăng ký bảo hộ toàn bộ nhãn hiệu dịch vụ hàng hóa nằm trong các nhóm được Cục SHTT quy định.

Nhãn hiệu Hermes với 130 vụ xâm phạm trong 3 năm

Đó là con số được Luật sư Phạm Đức Thắng, chuyên về lĩnh vực sở hữu trí tuệ (SHTT) đã theo đuổi theo đề nghị của chủ SHTT Hermes. Trong số đó mới chỉ có 5 vụ có yếu tố hình sự, được chuyển cơ quan điều tra làm rõ.

Nhưng trong 5 vụ này chỉ có một vụ được TAND TP HCM xét xử và tuyên bị cáo phải bồi thường 500 triệu đồng cho nguyên đơn dân sự (không phải chịu hình phạt tù giam). 4 vụ còn lại bị viện kiểm sát nhân dân trả lại để phạt hành chính vì cho rằng chưa có “quy mô thương mại”. 

Luật sư Thắng cho biết, nhãn hiệu Hermes được đánh giá là thương hiệu sang trọng, nổi tiếng đương nhiên được bảo hộ theo Điều 6 Luật SHTT. Tuy nhiên, ngay từ năm 1957 Hermes đã đăng ký bảo hộ thương hiệu tại Việt Nam thông qua Tổ chức SHTT thế giới. Nhưng nhiều chủ thể tại Việt Nam vẫn ngang nhiên xâm hại nhãn hiệu này. 

Cụ thể, một cty ở Hà Nội đã đăng ký tên doanh nghiệp mang tên Hermes, chuyên bán thảm, trong khi Hermes đã đăng ký bảo hộ cho tất cả các nhóm dịch vụ hàng hóa từ 1- 45 tại Việt Nam. Khi được khách hàng đề nghị, Luật sư Thắng bắt đầu thu thập thông tin và gửi thư khuyến cáo đến chủ sở hữu cty. Tuy nhiên, đại diện c ty lại cho rằng tên cty của họ được Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội cấp hợp pháp nên không có lý do gì để họ phải thu hồi. 

Luật sư Thắng lý giải, giấy chứng nhận quyền SHTT do Cục SHTT cấp, còn tên doanh nghiệp lại do đầu mối từ các Sở Kế hoạch và đầu tư cấp nên việc xâm hại giữa nhãn hiệu và tên thương mại hoàn toàn có thể xảy ra.

Thêm một khó khăn cho các chủ thể bị xâm hại khi các chủ thể xâm hại không tự nguyện dừng hoạt động hoặc rút tên thì cũng phải mất từ 6-9 tháng sau khi có kết luận thanh tra (về việc sử dụng tên thương mại ấy là hành vi xâm hại nhãn hiệu) mới có thể thu hồi tên Cty. 

Còn rất nhiều khó khăn khác Luật sư Thắng phải đối diện khi trở thành đại diện hợp pháp của nhãn hiệu Hermes tại Việt Nam. Như việc các cơ quan thanh tra yêu cầu phải cung cấp mẫu vật thật tương ứng với mẫu hàng giả, trong khi giá thành thấp nhất của Hermes vào khoảng 100 triệu đồng. Hay gần đây nhất, chiếc túi cá sấu bạch tạng của Hermes có giá 2 tỷ đồng, khách hàng phải đặt hàng 6 năm mới mua được thì cũng xuất hiện tràn lan tại Việt Nam…   

Lập công ty mới, giải thể để né trách nhiệm 

Một vụ việc khác cũng nan giải không kém mà Luật sư Thắng đã tham gia là việc Cty TNHH Máy lọc nước Toshiba Việt Nam đăng ký bán thiết bị máy lọc nước. Tên ghi trên thiết bị đầy đủ như tên Cty nhưng chữ Toshiba lại ghi rất to và nổi bật, khiến người tiêu dùng hiểu lầm đây là một sản phẩm của nhãn hiệu Toshiba nổi tiếng của Nhật.  

Ngay khi nhận được đề nghị từ Tập đoàn Toshiba, Luật sư Thắng đã xem xét giấy phép kinh doanh, xem họ có bán sản phẩm mang tên Toshiba không và nhận thấy Cty này đã có hành vi xâm phạm giữa tên thương mại và nhãn hiệu hàng hóa. Cuối năm 2016, Luật sư Thắng đã có thư khuyến cáo và phía Cty cũng cam kết tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh. 

Nhưng sau đó, người đứng đầu Cty này lại lập một Cty khác để tiếp tục phân phối sản phẩm xâm hại đến nhãn hiệu hàng hóa của một tập đoàn toàn cầu. Đây thực sự là một vướng mắc trong luật pháp quy định về SHTT, vì trong luật quy định có điều khoản tái phạm nên hầu hết các chủ thể xâm hại đều lách luật bằng cách thay đổi đại diện Cty, lập công ty mới. Và như thế, cuộc chiến chống xâm hại nhãn hiệu lại phải bắt đầu lại từ đầu. 

Chiếc túi cao cấp có giá tới 140.000 USD này đã bị làm nhái ở Việt Nam.
Chiếc túi cao cấp có giá tới 140.000 USD này đã bị làm nhái ở Việt Nam. 

Đại diện Toshiba Nhật Bản đã buộc phải nộp đơn đến Thanh tra Bộ Khoa học Công nghệ và đơn được chuyển về Sở KH&CN Đắk Lắk. Tháng 3/2017, Sở tổ chức thanh tra toàn diện cty nhưng do Cty nhận được quyết định thanh tra từ trước nên khi đoàn thanh tra đến trong kho không còn bất kỳ một sản phẩm nào có hành vi xâm hại nhãn hiệu hàng hóa, dù cty thừa nhận có phân phối sản phẩm máy lọc nước Toshiba. 

Tại các cửa hàng, nhân viên Cty lại sửa sai bằng cách “bóc hết” nhãn hiệu đã dán trên bình lọc nước, loại trừ được dấu hiệu vi phạm. Cùng với hành động loại trừ này, Cty thực hiện thêm một động thái “nộp đơn xin giải thể”. Thanh tra Sở sau đó cũng chỉ ra được kết luận thanh tra mà không có hình thức xử phạt vì Cty này đã giải thể.

Đến lúc này thì Toshiba Nhật Bản cũng không biết cách nào để bảo vệ nhãn hiệu của mình và không có gì có thể chắc chắn, lãnh đạo Cty TNHH Máy lọc nước Toshiba Việt Nam không lập ra một Cty mới để tiếp tục phân phối sản phẩm xâm hại nhãn hiệu hàng hóa này. 

Khi Cục Sở hữu Trí tuệ bị kiện ra tòa

Một vụ việc hi hữu xảy ra vào cuối năm 2016 khi đại diện cơ sở mỹ phẩm Ngân An (Hậu Giang) đã kiện quyết định từ chối cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu Bảo Xuân cho sản phẩm mỹ phẩm cơ sở Ngân An của Cục SHTT.

Theo đại diện Cục SHTT, việc từ chối cấp giấy chứng nhận đăng ký cho mỹ phẩm Bảo Xuân là đúng quy định về SHTT, vì thứ nhất xâm phạm nhãn hiệu Bảo Xuân đã cấp cho Cty Dược phẩm Ích Nhân. Thứ 2, dù là 2 sản phẩm thuộc 2 lĩnh vực khác nhau nhưng cùng hệ thống phân phối nên có thể gây hiểu nhầm cho khách hàng. 

Được biết, ở phiên tòa sơ thẩm, TAND tỉnh Hậu Giang đã tuyên Cục SHTT phải hủy bỏ quyết định hành chính từ chối cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu của Ngân An. Tuy nhiên, ở phiên tòa phúc thẩm, khi trưng ra các chứng cứ kết luận hình ảnh nhận biết của mỹ phẩm Bảo Xuân bị coi là tương tự với hình ảnh nhận biết của nhãn hiệu Bảo Xuân của Cty Dược phẩm Ích Nhân (đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu) thì HĐXX đã quyết định bác đơn kiện của cơ sở mỹ phẩm Ngân An. 

Có thể thấy, bảo hệ thương hiệu là công việc vô cùng gian nan, cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng và sự hiểu biết pháp luật của các cá nhân, doanh nghiệp. 

Đọc thêm