Những cuộc “tiếp sức” trên cao tốc ngàn tỷ

(PLVN) - Bắc Giang - Lạng Sơn và Cao Bằng - Lạng Sơn đều là những dự án cao tốc quy mô hàng chục ngàn tỷ, nằm ở chốn phên dậu quốc gia. Cả 2 dự án trên không chỉ lớn về quy mô đầu tư mà còn thu hút sự chú ý của  giới  xây lắp bởi những cuộc “tiếp sức” cứu nguy tiến độ và lời giải hay cho “bài toán” đầu tư ở một tỉnh nghèo.
Tập đoàn Đèo Cả chính thức tham gia Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn từ năm 2017
Tập đoàn Đèo Cả chính thức tham gia Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn từ năm 2017

“Hồi sinh” dự án từ “bãi lầy” tiến độ

Cách nay chừng 4 năm, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn là cụm từ được nói nhiều, viết nhiều trong các cuộc họp giao ban của Bộ GTVT lẫn trong các văn bản qua lại giữa Bộ này với tỉnh Lạng Sơn mỗi khi bàn về tiến độ.

Ban đầu, tuyến đường được thực hiện bởi một liên danh khá hùng hậu gồm 6 nhà đầu tư khắp nước, với khoản vốn được công bố lên tới hơn 12 ngàn tỷ. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau lễ động thổ rình rang mùa hè năm 2015, dự án được thông báo dừng thi công vì thiếu vốn, phương án tài chính không đảm bảo, trong khi các bên trong liên danh không cùng chung tiếng nói…

Áp lực từ dư luận, công luận hướng về Bộ GTVT khi đó trong vai cơ quan nhà nhước có thẩm quyền đối với dự án là rất lớn, bởi nếu hủy hợp đồng, tìm  nhà đầu tư mới, thì tiến độ dự án tiếp tục trượt dài đôi năm nữa. Còn nếu mạo hiểm duy trì liên danh cũ vốn đang bết bát để tiếp tục triển khai, thì câu hỏi đặt ra là: Ai sẽ đứng ra cứu nguy cho tiến độ dự án?

 Giữa lúc Bộ và tỉnh đang “đau đầu” tìm câu trả lời thì Tập đoàn Đèo Cả xuất hiện. Quả tình lúc đó, Đèo Cả chưa phải là anh tài cao tốc, những nhà đầu tư này đã khá nổi danh với loạt hầm xuyên núi trên tuyến đường bộ Bắc - Nam. Vì thế,  hy vọng về khả năng “hồi sinh” một dự án đang lay lắt được nhiều người tin là có thể.

“Tôi nhớ trong một lần tiếp xúc với Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa, ông đã đề nghị chúng tôi tham gia Dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn, vì thời điểm đó dự án đang bế tắc. Bộ trưởng Nghĩa là người thận trọng, và chúng tôi khi tiếp nhận đề nghị này cũng đã có những bước đi rất thận trọng trước khi quyết định “rót” vốn mua lại cổ phần”, ông Hồ Minh Hoàng - Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả chia sẻ với PLVN.

Được biết, việc đầu tiên trước khi nhận chuyển giao dự án mà Đèo Cả  làm là tiếp xúc với lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Đoàn Đại biểu Quốc hội  tỉnh Lạng Sơn để ghi nhận quan điểm và mức độ đồng thuận của địa phương đối với dự án; qua đó, Đèo Cả cũng trả lời địa phương, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cách thức đơn vị này sẽ cứu nguy dự án đang  giữa “bãi lầy” tiến độ.

Trò chuyện với PLVN, ông Hồ Minh Hoàng nhớ lại, trong khi Đèo Cả đang nỗ lực rà soát hiện trạng, dòng tiền và hồ sơ pháp lý liên quan tới dự án, thì một số nhà đầu tư là thành viên góp vốn trong liên danh trên đã đến nhà ông gõ cửa “cầu cứu” giữa đêm khuya. “Họ nói với tôi là đã vay mượn quá nhiều tiền dồn vào dự án, nhưng không thấy lối thoát. Nếu tình cảnh này kéo dài, họ nói chắc chắn sẽ nghĩ đến cái chết… Thú thực, những lời khẩn khoản đó đã thôi thúc tôi và cũng là một phần động lực để tôi nhận lại dự án giữa bộn bề khó khăn”, lời ông Hoàng.

Được biết, ngay sau đó, các thủ tục “hà hơi thổi ngạt” cho cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đã diễn ra một cách rốt ráo. Cuối tháng 5/2017, một nhà băng lớn cũng đã đồng ý “tiếp sức” cho cao tốc này khoản tín dụng trị giá hơn 10.000 tỷ đồng. Điều mà trước đó liên danh nhà đầu tư dự án loay hoay nhiều năm không thực hiện được.

Đến lúc đó, Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn bắt đầu “ngon trớn”, và tới thời điểm này thì đang tiến dần tới “vạch đích”, với dự kiến hoàn thành toàn tuyến vào cuối năm nay.

Ông Hồ Minh Hoàng - Tổng Giám đốc Đèo Cả: "Chúng tôi rất thận trọng trước khi "rót" vốn vào Dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn" .
Ông Hồ Minh Hoàng - Tổng Giám đốc Đèo Cả: "Chúng tôi rất thận trọng trước khi "rót" vốn vào Dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn" .

“Diệu kế” cho cung đường hơn 40 ngàn tỷ…

Sau khi chính thức tham gia vào dự án cao tốc được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy giao thương khu vực biên giới phía Bắc, Đèo Cả một lần nữa nhận được lời đề nghị từ Cao Bằng về việc nối thông tỉnh này với Lạng Sơn thông qua dự án cao tốc trên QL4A, với tổng đầu tư được khái toàn chừng hơn 40 ngàn tỷ.

“Trước khi tỉnh đề nghị, tôi chưa từng đặt chân đến đây mà chỉ biết tới Cao Bằng, Pác Bó… qua sách sử, thơ nhạc… Thú thực, lúc đó con số hơn 40 ngày tỷ đồng cho cao tốc Cao Bằng - Lạng Sơn khiến tôi thực sự “choáng”! Nhưng với sự quyết tâm của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cao Bằng, tôi và một đoàn chuyên gia là các nhà khoa học, đơn vị tư vấn… đã có chuyến thực địa trên cung đường đầy hiểm trở này”, ông Hoàng kể.

Cụ thể, sau khi tham vấn các nhà khoa học trong lĩnh vực cầu đường, chuẩn xác lại hướng tuyến cùng với kinh nghiệm có được trong quá trình dự toán, thi công các công trình hầm Đèo Cả, Cổ Mã, Hải Vân, Tập đoàn Đèo Cả xác định tổng mức đầu tư cao tốc Cao Bằng - Lạng Sơn không quá sức tưởng tượng như con số từng được công bố mà giảm còn một nửa -  21 ngàn tỷ.

“Quan điểm đầu tư, thi công của Đèo Cả là trên nền tảng khoa học công nghệ hiện đại, tôn trọng môi trường thiên nhiên - qua núi thì đào hầm, qua thung lũng thì bắc cầu… Với Cao Bằng - Lạng Sơn, sau khi khảo sát, chúng tôi xác định toàn tuyến này có tất cả 6 hầm cần xây dựng (hầm dài nhất 600m). Thực tế này hoàn toàn trong tầm tay của Đèo Cả, bởi tập đoàn này đã và đang thi công những đoạn hầm có chiều dài lên tới hàng km ở miền Trung.

Đáng nói hơn, là sau khi thực tế và tính toán lại, tổng mức đầu tư dự án giảm rất nhiều lần chứ không quá lớn như lúc đầu”, PGS,TS.Trần Chủng - cố vấn cấp cao Tập đoàn Đèo Cả cho biết.

QL4A từ Lạng Sơn đến Cao Bằng dài hơn 100km, với nhiều khúc cua hiểm trở, cần được đầu tư cải tạo.
QL4A từ Lạng Sơn đến Cao Bằng dài hơn 100km, với nhiều khúc cua hiểm trở, cần được đầu tư cải tạo.

Cũng  theo đại diện của Đèo Cả, khi tổng mức đầu tư không còn là con số quá “sợ hãi” với nhà đầu tư, thì quyết tâm theo đuổi dự án của doanh nghiệp sẽ lớn, khả năng thu hút nhà đầu tư cho dự án của tỉnh Cao Bằng sẽ khả thi hơn.

Ông Hồ Minh Hoàng giải thích, tổng đầu tư khi đã giảm xuống mức hơn 20 ngàn tỷ đồng, nếu tiếp tục phân kỳ đầu tư thì dự án trước mặt cần triển khai với nguồn vốn khoảng 11 ngàn tỷ. “Tuy nhiên, trên thực tế con số này cũng không phải là đơn giản với một tỉnh nghèo như Cao Bằng”, ông Hoàng nói và cho biết, trong điều kiện đó, các bên liên quan đã thống nhất đề xuất triển khai dự án này theo hình thức đối tác công - tư.

“Chúng ta có thể áp dụng hình thức đó, với cơ chế nhà nước hỗ trợ 20% dự án; ngân sách địa phương  20%; nhà đầu tư 20%; vay tín dụng thương mại 40%. Tôi nghĩ cách đặt vấn đề như thế là khả thi, và nếu làm vậy coi như “bài toán” về nguồn lực cho dự án đã có lời giải”, ông Hoàng nói.

Được biết, phía Đèo Cả hiện đang nỗ lực giúp tỉnh hoàn thành Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án(FS). “Sau đó, để mọi việc diễn ra khách quan, công bằng và đúng luật, chúng tôi sẽ “rút” khỏi dự án và sẽ quay trở lại với tư cách là một nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm tham gia đấu thầu cao tốc Cao Bằng - Lạng Sơn”, Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả khẳng định.

 

Ấn tượng với hình ảnh 2 bàn chân trái

“Một lần đến thăm công trường thi công hầm Đèo Cả nối Phú Yên - Khánh Hòa, Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa tỏ ra khá ấn tượng với hình ảnh 2 bàn chân trái trên logo của Công ty Hải Thạch (tiền thân của Đèo Cả). Bộ trưởng có hỏi tôi về ý nghĩa hình ảnh này, tôi đáp “hình ảnh đó thể hiện cách nghĩ khác biệt của Đèo Cả” bởi 2 bàn chân mà là chân trái đặt cạnh nhau thì rất khó đi, nhưng Đèo Cả vẫn vượt lên được. Sau lời giải thích của tôi, Bộ trưởng Nghĩa có nói: “Chính sự khác biệt đã tạo ra động lực thay đổi, tạo ra sức sống cho doanh nghiệp”.

 Có lẽ qua câu chuyện này và thực tế những gì mà Đèo Cả đã làm được lúc đó đã tạo niềm tin trong Bộ trưởng, và ông đã đề nghị Tập đoàn Đèo Cả tham gia Dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn”, PGS,TS.Trần Chủng - nguyên Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về Chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng).

Đọc thêm