Những danh hiệu… lạ và câu chuyện kinh doanh nhan sắc

(PLO) - Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu đã cầu cuộc thi “Duyên dáng doanh nhân Việt” giải trình vì trao quá nhiều danh hiệu cho các thí sinh. Sự việc này cũng không khiến nhiều người ngạc nhiên bởi đó chỉ là một tất yếu của thị trường danh hiệu vốn đã “loạn” từ nhiều năm nay.
Đêm chung kết cuộc thi Duyên dáng doanh nhân Việt bị yêu cầu giải trình vì chỉ 50 thí sinh, nhưng trao 33 danh hiệu .

Những danh hiệu… lạ

Ngày 27/6, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có công văn đến Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP HCM, yêu cầu Ban Tổ chức cuộc thi “Duyên dáng doanh nhân Việt” giải trình vì nhiều vi phạm như  tiến hành cuộc thi trước thời gian được cấp phép, tổ chức tuyển sinh cả nước trong khi chỉ xin phép ở khu vực TP HCM. 

Trong “cuộc thi” này, người ta trao đến 33 danh hiệu cho tổng số 50 thí sinh trong đêm chung kết. 33/50, đây có lẽ là một kỉ lục mới với các cuộc thi nhan sắc trong nước. Ngoài danh hiệu Hoa khôi, Á khôi như thông thường các cuộc thi khác, còn có thêm các danh hiệu “lạ tai” như: Hoa khôi được yêu thích nhất, Á khôi được yêu thích nhất, Hoa khôi có mái tóc đẹp, Hoa khôi có làn da đẹp, Hoa khôi phong cách…

Trong những năm gần đây, ngoài các danh hiệu Hoa hậu, Á hậu, Khoa khôi, Á khôi… các cuộc thi nhan sắc thường mở thêm nhiều giải phụ khác. Các người đẹp vào vòng chung kết thường được trao thêm các danh hiệu như Hoa hậu ăn ảnh, Hoa hậu vì cộng đồng, Hoa hậu năng động… Nhiều cuộc thi còn mở rộng hơn với các danh hiệu Người đẹp có nụ cười đẹp, Người đẹp có gương mặt đẹp, Người đẹp thân thiện… Nếu là cuộc thi nhan sắc thiên về bikini thì các danh hiệu trao thêm thường sẽ là Người đẹp du lịch, Người đẹp có vóc dáng khỏe mạnh, Người đẹp có làn da đẹp nhất…  Mới đây, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016 cũng vừa có thêm hai danh hiệu là Người đẹp nhân ái và Người đẹp truyền thông.  

Trong phạm vi một cuộc thi, thường nở rộ danh hiệu. Còn trên phạm vi “thị trường thi nhan sắc”, các cuộc thi đua nhau mọc lên. Nếu như trước đây, công chúng háo hức đón chờ các cuộc thi hoa hậu và mỗi danh hiệu bước ra từ cuộc thi được coi như những đại diện toàn vẹn của nhan sắc Việt, thì nay giữa một “rừng” cuộc thi, một “rừng” danh xưng, dư luận hoang mang chẳng còn phân biệt nổi các giải thưởng, cũng không nhớ nổi người đẹp nào xuất thân từ cuộc thi nào. 

Ban Tổ chức các cuộc thi đầy “sáng tạo” đã nghĩ ra hàng loạt tên gọi có thể để đặt cho các cuộc thi, nào là Nữ hoàng sắc đẹp Việt Nam, Hoa hậu bản sắc Việt toàn cầu, Hoa hậu Biển, Hoa hậu qua ảnh, Hoa hậu doanh nhân, Hoa quý bà thành đạt… Đó là chưa kể đến các cuộc thi nhan sắc ở tầm địa phương, khu vực, các cuộc thi “ăn theo” lễ hội…

Kinh doanh nhan sắc

Thường có câu “có cầu ắt có cung”. Trong trường hợp nở rộ các cuộc thi nhan sắc thời gian qua, “cầu” chắc chắn không phải là nhu cầu của công chúng. “Cầu” ở đây là về phía các người đẹp, mong muốn có danh hiệu cho “bằng chị bằng em”. 

Không phải không có lý do mà nhiều năm gần đây, các cuộc thi nhan sắc hướng về đối tượng là các nữ doanh nhân thành đạt, có địa vị, tài chính… Có thể kể ra khá nhiều cuộc thi như Hoa hậu doanh nhân thế giới người Việt, Hoa hậu quý bà thành đạt, Người đẹp doanh nhân và mới đây là Duyên dáng doanh nhân Việt vừa mới bị “tuýt còi”. 

Thực ra, ai cũng biết, trong hậu trường các cuộc thi có thể tiềm ẩn những lý do khác với những mục tiêu được công bố. Với Ban Tổ chức, hướng đến là các đối tượng doanh nhân, cuộc thi sẽ có tiềm lực tài chính mạnh hơn, số tiền tài trợ cao hơn. Còn với nhiều thí sinh, các danh hiệu trong cuộc thi nhan sắc này sẽ là tấm “thẻ VIP” nhằm nâng cao hơn nữa danh tiếng, đưa họ lên một đẳng cấp mới “tài sắc vẹn toàn”. 

Một nữ doanh nhân từng tham gia cuộc thi Nhan sắc quý bà chia sẻ, danh hiệu từ các cuộc thi giúp người này dễ dàng hơn trong kinh doanh, đây được coi như một hình thức đầu tư cho quảng bá hình ảnh. Chính vì thế, nhiều “quý bà” sẵn sàng bỏ chút ít tiền mua các danh hiệu. Trên thực tế, rất nhiều “quý bà” bước ra từ các cuộc thi hoa hậu, sau đó một thời gian đã nổi đình nổi đám với các dự án kinh doanh, mà mỗi dự án đều được “quảng bá miễn phí” bởi một số cơ quan truyền thông quan tâm, bởi một số người quan tâm đến những thông tin “vô thưởng vô phạt”.

Đó cũng là lý do khiến nhiều phụ nữ không đạt những danh hiệu trong nước thì hướng đến các cuộc thi từ đẳng cấp đến “ao làng” ở nước ngoài. Vài năm trước, một nghệ sĩ hài vốn không nổi tiếng vì nhan sắc, lại có chiều cao khiêm tốn, bỗng nhiên khiến công chúng ngỡ ngàng bởi danh hiệu Hoa hậu quý bà được mang về từ một cuộc thi ít tên tuổi ở hải ngoại. Một người khác, vừa mới đây đã tổ chức một buổi tiệc rầm rộ để ăn mừng và tranh thủ quảng bá tên tuổi sau khi vừa đạt danh hiệu Hoa hậu Doanh nhân thành đạt thế giới người Việt tổ chức ở Mỹ, một giải thưởng mà cả trong và ngoài nước ít người quan tâm đến.

Danh hiệu nhan sắc, với đa phần công chúng có vẻ như rối rắm vô nghĩa, nhưng với nhà tổ chức, thí sinh, là một cuộc chơi đầy lợi lộc cho cả hai bên. Có lẽ vì thế mà đến nay, cho dù “loạn” danh hiệu, công chúng ngán ngẩm, thị trường vẫn có vẻ chưa bão hòa, và các cuộc thi nhan sắc vẫn tiếp tục rầm rộ chiêu sinh.

Đọc thêm