Những dấu ấn trong 13 năm thành lập Cục Bồi thường nhà nước

(PLVN) - Cục Bồi thường nhà nước được thành lập trong bối cảnh để tổ chức và đưa Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009 “đi vào cuộc sống”. Đến nay, Cục đã từng bước khẳng định được vị trí chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Ngày 18/6/2009, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009. Ngoài việc thiết lập một cơ chế pháp lý mới chặt chẽ, đồng bộ và hiệu quả để bảo vệ, bảo đảm tốt hơn quyền được Nhà nước bồi thường của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại thì một trong những điểm nhấn quan trọng của Luật so với hệ thống pháp luật về bồi thường nhà nước trước đó là chính thức xác lập chế độ quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước trên phạm vi toàn quốc. Để hiện thực hóa chế độ quản lý nhà nước này, yêu cầu đặt ra là cần phải có một đơn vị chuyên trách với đầy đủ nguồn lực làm đầu mối để tham mưu thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước trên toàn quốc. Vì vậy, Bộ Tư pháp đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án “Xây dựng Cục Bồi thường nhà nước trực thuộc Bộ Tư pháp và kiện toàn bộ máy tổ chức thuộc Sở Tư pháp, tổ chức pháp chế để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường”.

Ngày 23/5/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 767/QĐ-TTg về việc thành lập Cục Bồi thường nhà nước trực thuộc Bộ Tư pháp. Ngày 05/7/2011, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 1128/QĐ-BTP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Bồi thường nhà nước (nay là Quyết định số 1222/QĐ-BTP ngày 29/6/2023). Mang trên mình sứ mệnh và mục tiêu cao cả khi ban hành, để tổ chức và đưa Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009 “đi vào cuộc sống”, Cục Bồi thường nhà nước đã được thành lập trong bối cảnh như vậy.

Cục Bồi thường nhà nước là đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý nhà nước và tổ chức thi hành pháp luật về công tác bồi thường nhà nước theo quy định pháp luật. Sau 13 năm hình thành và phát triển, đến nay, Cục Bồi thường nhà nước đã từng bước được kiện toàn, với 02 phòng chuyên môn, 01 đơn vị sự nghiệp là Trung tâm Hỗ trợ thực hiện quyền yêu cầu bồi thường và đội ngũ văn phòng tận tâm, tận lực, đem hết sức mình đóng góp cho sự lớn mạnh của Cục.

Trong những năm qua, Cục Bồi thường nhà nước đã từng bước khẳng định được vị trí của mình, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cục cũng ngày càng được mở rộng và củng cố để hướng tới đáp ứng tốt hơn nữa vai trò là cơ quan đầu mối giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp tham mưu giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước trên phạm vi toàn quốc, đồng thời, hiện thực hóa một cách đồng bộ các mục tiêu là bảo vệ, khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại và góp phần nâng cao nhận thức pháp luật, nâng cao chất lượng hoạt động công vụ của đội ngũ người thi hành công vụ. Cụ thể như sau:

Trong xây dựng thể chế, kể từ khi được thành lập đến nay, Cục đã tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp xây dựng, ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành gần 30 văn bản quy phạm pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước để thể chế hóa đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, chiến lược cải cách tư pháp, chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam mà nhất là về bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Trong đó, điểm nhấn đáng chú ý là việc Quốc Hội khóa XIV đã thông qua Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 ngày 20/6/2017 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2018.

Trong quản lý nhà nước và tổ chức thi hành pháp luật, Cục đã tham mưu Bộ Tư pháp phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an và các Bộ liên quan thực hiện hiệu quả các hoạt động này. Đến nay, Cục Bồi thường nhà nước đã tổ chức 137 đoàn kiểm tra tại các Bộ, ngành và địa phương, trong đó, có 37 đoàn kiểm tra liên ngành; ban hành trên 500 văn bản nghiệp vụ hướng dẫn cơ quan có phát sinh vụ việc yêu cầu bồi thường; ban hành trên 300 văn bản cung cấp thông tin, hướng dẫn, hỗ trợ người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường.

Thông qua các hoạt động này, nhiều vụ việc yêu cầu bồi thường phức tạp, kéo dài đã được giải quyết dứt điểm, góp phần bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại, củng cố niềm tin của người dân với Đảng, Nhà nước, điển hình như các vụ việc Lương Ngọc Phi (ở Thái Bình); Huỳnh Thị Nga và Võ Văn Học (ở Quảng Ngãi); Nguyễn Thanh Chấn (ở Bắc Giang); Huỳnh Văn Nén (ở Bình Thuận); Nguyễn Ngọc Anh (ở Ninh Thuận);…

Trong quá trình triển khai và tổ chức thi hành Luật TNBTCNN, Cục Bồi thường nhà nước đã tham mưu cho Bộ Tư pháp trang bị, cung cấp kịp thời, thường xuyên kiến thức, nội dung quy định pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, bảo đảm đầy đủ về thông tin và thống nhất về nhận thức cho đối tượng là cán bộ, công chức và cá nhân, tổ chức trên phạm vi toàn quốc. Từ năm 2011 đến nay, Cục đã thực hiện in và xuất bản 29 ấn phẩm gồm: 42.877 cuốn Sách các loại; xây dựng 08 Số tạp chí chuyên đề chuyên sâu; in phát hành 260.462 tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền; tổ chức 15 Tọa đàm, trao đổi phát sóng trên kênh truyền hình VTV, truyền hình Quốc hội, truyền hình Hà Nội, báo điện tử; xây dựng 04 Video tuyên truyền về quyền yêu cầu bồi thường cho đồng bào dân tộc thiểu số; 213 hội nghị, hội thảo, tọa đàm.

Trong bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực bồi thường nhà nước, cùng với những nỗ lực của đơn vị trong vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan nhà nước trên phạm toàn quốc đã thụ lý, giải quyết khoảng 426 vụ việc. Có thể nói rằng, cùng với sự đồng hành của Cục Bồi thường nhà nước, các vụ việc yêu cầu bồi thường đã được thụ lý, giải quyết ngày càng kịp thời hơn, cơ quan có trách nhiệm bồi thường đã thực hiện đúng, đầy đủ và nghiêm túc hơn trách nhiệm giải quyết bồi thường của mình, trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ gây thiệt hại cũng đã được cơ quan nhà nước các cấp xem xét nghiêm khắc, khắc phục được tình trạng nể nang, chậm trễ trong xem xét trách nhiệm cá nhân người thi hành công vụ gây thiệt hại.

Với những thành tích đạt được, trong 13 năm qua Cục đã được được Thủ tướng Chính phủ trao bằng khen cho tập thể có thành tích trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc năm 2020 và Huân chương lao động Hạng Ba của Chủ tịch nước năm 2021.

Trong thời gian tới, để hoàn thành yêu cầu và nhiệm vụ của Nghị quyết số 27/NQ-TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân trong giai đoạn mới, Cục Bồi thường nhà nước sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, tận tâm, tân tụy để tham mưu Bộ Tư pháp giúp Chính phủ hoàn thiện thể chế trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong giai đoạn mới, cũng như cơ chế tổ chức thi hành pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, góp phần xây dựng nền tư pháp vì Nhân dân./.

Đọc thêm