Điểm đến đầu tiên của đoàn tại đất Thái Nguyên là Khu di tích lịch sử Quốc gia 60 liệt sĩ TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái. Trong không gian linh thiêng của khu di tích, các thành viên trong đoàn không khỏi nghẹn ngào khi được nghe hướng dẫn viên du lịch kể lại sự kiện bi tráng của ngày 24/12/1972.
|
Đoàn Famtrip chụp ảnh tại Khu di tích lịch sử Quốc gia 60 liệt sĩ TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái. |
Theo lời của hướng dẫn viên: Chập tối hôm đó, khi các anh chị TNXP của Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái còn chưa kịp ăn cơm tối thì 6 tốp máy bay ném bom chiến lược B52 và máy bay chiến thuật của Mỹ đánh phá vào khu vực trọng điểm thuộc vùng công nghiệp phía Nam thành phố Thái Nguyên. Theo hiệu lệnh, cán bộ, đội viên Thanh niên xung phong 915 cùng Đội phó Đội 91 và 02 thủ kho đã vào hầm trú ẩn. Song những trái bom oan nghiệt từ máy bay B52 của đế quốc Mỹ ném xuống đã cướp đi sinh mạng của nhiều người dân trong đó có 60 cán bộ, đội viên Thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái. Căn hầm nơi các anh chị trú ẩn trở thành nấm mồ chung của 60 con người. Nhiều anh chị hy sinh mà đồng đội chỉ còn tìm thấy một phần thi thể... Sự hy sinh của các anh, các chị là tổn thất lớn nhất ở mặt trận hậu phương của lực lượng Thanh niên xung phong trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Ngày nay, trên căn hầm đau thương năm nào, đã được xây dựng lên một khu di tích theo lối đình làng truyền thống của người Việt. Bài vị của 60 TNXP Đại đội 915 đã hy sinh ngày 24/12/1972 được tạc trang nghiêm trong hình 60 chiếc lá bồ đề; căn hầm nơi đã chôn vùi thanh xuân của 60 liệt sỹ trở thành bảo tàng - nơi lưu giữ những di vật của các liệt sỹ Đại đội 915.
Xúc động trước những lời kể, những chứng tích đau thương của khu di tích, chị Trà My - đại diện Công ty DU lịch đến từ Hải Phòng - đơn vị chuyên tổ chức các tour dành cho học sinh tâm sự: Tôi đã từng nghe kể về sự kiện này, nhưng có tới đây, mới thấy hết sự bi tráng, sự đau thương. Những địa chỉ như Khu di tích 60 TNXP Đại đội 915 là bài học lịch sử tốt nhất cho các em học sinh. Chắc chắn, tôi sẽ thiết kế điểm đến này trong tour du lịch đưa đến với khách hàng của tôi.
Một điểm đến cũng khiến các thành viên của đoàn Famtrip có cảm giác "không tin nổi" những gì mình đang được tận mắt chứng kiến, đó là những câu chuyện từ làng du lịch cộng đồng Thái Hải.
Làng du lịch cộng đồng Thái Hải tọa lạc tại xóm Mỹ Hào, xã Thịnh Đức, cách trung tâm thành phố Thái Nguyên chỉ hơn 10km.
|
Trải nghiệm nơi giếng nước đầu bản của người Tày. |
Đây là ngôi làng có 30 ngôi nhà sàn, lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Tày. Điều thú vị là những ngôi nhà này được "bà chủ bản" chuyển từ khu ATK Định Hóa Thái Nguyên về và được phục dựng nguyên bản với mong muốn những nếp nhà sàn của người Tày được giữ gìn và bảo tồn một cách tốt nhất.
Ít ai có thể tin được, làng cộng đồng Thái Hải như một xã hội thu nhỏ và hoàn toàn riêng biệt. Làng hoạt động theo cơ chế tự cung tự cấp một cách tối đa. Người dân trong làng không chỉ có người Tày, nhưng họ đều chung một tâm niệm giữ gìn văn hóa của người Tày. Trong ngôi làng này, họ không quản lý con người theo số hộ, mà quản lý theo nhân khẩu, bởi đó họ quan niệm đó là một gia đình lớn. Gần 200 con người từ người già đến trẻ sơ sinh cùng ăn chung một nồi cơm. Không cá nhân, không gia đình nào giữ tiền riêng. Người dân trong làng sinh sống bằng việc tự trồng trọt, chăn nuôi, và làm dịch vụ du lịch. 30 ngôi nhà trong Làng, mỗi ngôi nhà sẽ thực hiện một chức năng riêng để phục vụ người dân Thái Hải và phục vụ nhu cầu của khách Du lịch.
|
Không gian văn hóa trong ngôi nhà rượu của bản Thái Hải. |
Đến với bản làng Thái Hải, du khách được trải nghiệm đời sống đậm đà bản sắc của văn hóa dân tộc Tày, từ tiếng mõ vang dội nơi cửa bản báo hiệu làng có "khách vàng khách bạc" đến chơi, tục rửa tay ở giếng nước đầu bản; được trải nghiệm không gian văn hóa của rượu, của trà, của tiếng đàn tính, của điệu múa nhảy lửa rộn ràng trong không gian linh thiêng nơi "trái tim" của làng...
Không phải đơn giản khi tháng 3/2023, làng Thái Hải được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) trao tặng Giải thưởng “Làng du lịch tốt nhất thế giới năm 2022".
Một điều thú vị không thể kể đến trong hành trình tới Thái Nguyên lần này của đoàn Famtrip, đó là câu chuyện của bà Đào Thanh Hảo – Giám đốc HTX chè Hảo Đạt. Lớn lên trong đất chè Tân Cương, bà không chỉ kiên định con đường phải bám cây chè để sống mà còn đau đáu việc làm sao để mang đến cho sản phẩm trà Tân Cương Thái Nguyên những giá trị mới.
Và bà đã thành công khi xây dựng được thương hiệu chè Hảo Đạt, xây dựng được một không gian văn hóa chè Hảo Đạt, đưa HTX Hảo Đạt thành một điểm đến của du khách đến với Thái Nguyên. Khiến du khách đến với Tân Cương - Thái Nguyên mà chưa đến nơi này, chưa mua chè Hảo Đạt về làm quà, chưa tận tay hái những búp chè non, sao chè,.. là cảm thấy hành trình của mình chưa trọn vẹn.
|
Du khách chụp ảnh lưu niệm trong không gian văn hóa của HTX Chè Hảo Đạt. |
Bà cũng đã áp dụng những tiêu chuẩn khắt khe để sản xuất loại chè tôm nõn mang thương hiệu Hảo Đạt đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao - sản phẩm chè duy nhất của Thái Nguyên đạt tiêu chuẩn này. Thương hiệu chè Hảo Đạt đã vinh dự được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia 2023.
|
Giản dị trong màu áo đồng phục của Xã viên HTX, bà Giám đốc Đào Thanh Hải đang tự hào giới thiệu sản phẩm OCOP 5 sao của chè Hảo Đạt |
Đáng nói hơn, HTX của bà hiện nay đã quy tụ nhiều hộ gia đình từ chỗ sản xuất manh mún, thành một tập thể mạnh, sản xuất ra sản phẩm chất lượng, nâng tầm giá trị cho đất chè Thái Nguyên.
Cũng trong hành trình của đoàn Famtrip hôm nay, các đại biểu đã tới thăm Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam - một điểm đến gói trọn niềm tự hào của mỗi người con đất Việt về sự đa dạng của văn hóa 54 dân tộc anh em đang sinh sống trên khắp dải đất hình chữ S; một địa chỉ mang đến thêm một cung bậc cảm xúc diệu kỳ, không thể lãng quên trong hành trình du lịch xứ Trà Thái nguyên, đúng như slogan của chuyến đi này: "Du lịch Thái Nguyên - Từ trải nghiệm đến trái tim"