Những doanh nghiệp lớn xoay xở “lấy ngắn nuôi dài”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Dịch COVID-19 xuất hiện kéo theo rất nhiều thay đổi. Hàng loạt các “ông lớn” đã gia tăng thêm các ngành nghề kinh doanh vừa để xoay xở trong dịch, vừa mở ra một hướng đi mới nhiều triển vọng hơn.
Kinh doanh các mặt hàng tươi sống đã trở thành một hướng đi mới của các sàn thương mại điện tử.
Kinh doanh các mặt hàng tươi sống đã trở thành một hướng đi mới của các sàn thương mại điện tử.

Trước khi dịch COVID-19 xuất hiện, các sàn thương mại điện tử (TMĐT) chỉ bán các loại hàng tiêu dùng (như một tạp hóa online), gia dụng, thời trang… và một số ít các mặt hàng nông sản chế biến. Tuy nhiên, các sàn này đã một hướng đi mới, mạnh mẽ hơn kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, đó là kinh doanh thực phẩm tươi sống, các mặt hàng rau củ quả… Hầu hết các chủ sàn đều cho biết, ban đầu chỉ định hướng giúp người nông dân có thêm kênh tiêu thụ nông sản tới vụ, những mặt hàng thực phẩm tươi sống nhưng do số lượng người tiêu dùng đặt mua khá đông nên đã quyết định… làm tới.

Hàng loạt các gian hàng chính chủ (được thành lập từ các chủ sàn) phục vụ rau củ, thực phẩm sống đã được duy trì trong suốt thời gian dịch và trở thành một “gian hàng” được quảng bá bắt mắt nhất trên chính trang TMĐT của mình. Ví dụ Tiki Ngon, Sendo Farm, Voso.vn… đã trở thành một kênh bán hàng quen thuộc với người tiêu dùng trong các mặt hàng tươi sống. Ông Nguyễn Đức Thuật, Chủ tịch Sendo.vn cho biết, sau một thời kỳ bán trong mùa dịch, Sendo nhận thấy nhu cầu tiêu dùng thực phẩm trên TMĐT cũng khá lớn nên sẽ hợp tác chặt chẽ cùng Bộ Công Thương triển khai mạnh mẽ mảng kinh doanh này.

Không chỉ các sàn TMĐT xoay xở bán nông sản, một “ông lớn” trong sản xuất giày dép của Việt Nam cũng chuyển sang bán nông sản với mục đích ban đầu “gỡ khó trong thời kỳ dịch bệnh”. Cụ thể, Biti’s đã triển khai thêm mặt hàng nông sản, một mặt hàng hoàn toàn mới lạ so với trước đây.

Đại diện Biti’s chia sẻ, trong suốt lịch sử hoạt động của mình, chưa bao giờ công ty phải đối diện với nhiều khó khăn như 2 năm nay vừa qua. Biti’s buộc phải có hướng đi mới để tạo nguồn thu nhập cho cán bộ, công nhân viên của mình. Nông sản chỉ là một “bước tạm” trong kế hoạch xoay xở trong khó khăn. Tuy nhiên, công ty vẫn sẽ tiếp tục kinh doanh mặt hàng này vì sẵn nền tảng.

Hanoi Tourist cũng đã trải qua 2 năm “chưa từng thấy” do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Trước đây du lịch là mảng chính, mang đến thu nhập cao cho người lao động Tổng Công ty. Nhưng 2 năm qua du lịch nằm im, đây cũng là cơ hội để các mảng khác “lên tiếng” khẳng định vị trí của mình.

Ông Lê Hồng Thái, Phó Giám đốc Hanoi Tourist cho biết, cũng chính nhờ đẩy các mảng nghề khác lên nên Công ty vẫn xoay xở được qua mùa dịch. “Chưa biết chừng đây sẽ trở thành mảng chủ lực của chúng tôi trong thời gian tới, khi dịch vẫn diễn biến khó lường và người dân vẫn còn tâm trạng e ngại khi đi du lịch” - đại diện Hanoi Tourist chia sẻ.

Trong khi nhiều doanh nghiệp quyết tâm mở rộng mạnh mẽ những ngành được coi là “phụ” sau một thời gian chống dịch thì có doanh nghiệp lại quyết tâm đi sang một mảng hoàn toàn mới so với các ngành nghề trước đây của mình.

“Thế giới di động” là một trong những doanh nghiệp lớn bất thình lình thông tin về kế hoạch chuyển mình, sau khi vừa hết giãn cách trên toàn quốc. Trong một cuộc họp thông tin cho các cổ đông và nhà đầu tư, Thế giới di động cho biết sẽ mở thêm ngành hàng mới, gồm chuỗi bán lẻ thời trang và đồ thể thao.

Ông Đoàn Văn Hiểu Em, Tổng Giám đốc Công ty CP Thế giới di động cho biết, thời trang là mảng bán lẻ lớn, đặc biệt xuất hiện nhiều khoảng trống sau dịch bệnh. Trong khi hiện nay, mảng kinh doanh chính đã chững lại và gần như bão hòa đã buộc Thế giới di động phải nghĩ đến một hướng đi mới, dù kế hoạch kinh doanh thời trang không nằm trong kế hoạch phát triển từ trước đây.

Công ty cho biết sẽ mở nhanh để lấy nhanh thị phần, nhưng việc tăng số lượng cửa hàng lên đến mức độ nào thì cần thời gian vận hành và đánh giá hiệu quả mới quyết định.

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm