Định kỳ 6 tháng báo cáo 1 lần
Mới đây, UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành kế hoạch về tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn thành phố.
Theo đó, thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội chủ trì, phối hợp với các sở, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm công tác quản lý, giám sát, đánh giá đầu tư theo quy định của pháp luật đầu tư và có kế hoạch kiểm tra, giám sát định kỳ các dự án đầu tư; xây dựng rõ quy trình, phân công rõ trách nhiệm các ngành, các cấp trong công tác quản lý dự án đầu tư.
Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cũng được yêu cầu đẩy nhanh việc xây dựng, điều chỉnh, cập nhật cơ sở dữ liệu quản lý các dự án đầu tư để quản lý tình hình thực hiện, thông tin dự án đầu tư phù hợp theo hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư, đáp ứng nhu cầu khai thác thông tin theo yêu cầu của thành phố.
Đồng thời, theo dõi, giám sát các dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất, bảo đảm quản lý chặt chẽ từ khi UBND thành phố giao chủ đầu tư nghiên cứu lập dự án đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư đến khi thực hiện xong dự án đầu tư theo quy định, bảo đảm kết nối liên thông, cập nhật, quản lý và khai thác dữ liệu của các cấp, các ngành thành phố.
Các sở, ngành thành phố liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm kiểm tra, báo cáo, cập nhật các thông tin về việc triển khai thực hiện dự án đến các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng (đối với các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị) để định kỳ 6 tháng/lần đánh giá, tổng hợp, báo cáo UBND thành phố.
UBND các quận, huyện, thị xã thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc quản lý, sử dụng đất đai, thực hiện quy hoạch, đầu tư, xây dựng của các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất trên địa bàn; tổng hợp, báo cáo UBND thành phố chỉ đạo xử lý đối với các dự án không thực hiện, kéo dài nhiều năm, không liên hệ, không phối hợp với chính quyền địa phương để hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng.
UBND thành phố Hà Nội cũng đã giao UBND các quận, huyện, thị xã chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, chủ đầu tư rà soát, đôn đốc, hướng dẫn và tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng (đối với các dự án mà Nhà nước thu hồi đất); tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư thực hiện các thủ tục thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất... để thực hiện dự án theo quy định đối với các trường hợp đã được UBND thành phố chấp thuận cho phép thực hiện.
Cùng với đó, khẩn trương, nghiêm túc thực hiện công tác thu hồi đất trên thực địa đối với các dự án vi phạm mà UBND thành phố đã có quyết định thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất để giao cho UBND quận, huyện, thị xã quản lý và đề xuất phương án sử dụng đất phù hợp quy hoạch.
|
Những dự án chậm triển khai sẽ bị "bêu tên". Ảnh internet. |
Cần đánh thuế bất động sản “bỏ hoang”
Bàn về vấn đề này, chia sẻ với báo chí, GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, việc các dự án chậm tiến độ còn vướng mắc ở chỗ khi nhận giao đất, DN đã thực hiện việc đầu tư cơ bản trên khu đất đó đến nay thu hồi tài sản gắn liền với đất gặp nhiều khó khăn.
Cũng theo ông Võ, dù khung pháp lý có thể chưa hoàn thiện nhưng quy định của pháp luật về việc này đã có, hoàn toàn có thể tiến hành thu hồi đất ở những dự án chậm tiến độ, còn tài sản đầu tư trên đất có thể tính toán sau.
Chuyên gia Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cho rằng, những bất động sản để bỏ hoang nhiều năm theo quy định phải đánh thuế, nhưng đánh thuế ở mức độ nào thì cần xem xét kỹ. Đánh thuế như thế nào để người ta chịu được nhưng phải đưa của cải vật chất này vào phục vụ cho xã hội.
“Không để tình trạng hiện nay rất nhiều nơi như Đức Giang, Gia Lâm, Bắc Ninh hay khu vực Hà Tây cũ rồi Vĩnh Phúc, Hưng Yên tồn tại hàng loạt bất động sản bỏ hoang. Tôi cho rằng, lẽ ra việc này ta phải làm từ lâu rồi”, ông Phú nêu quan điểm.
Theo đề xuất của TP Hà Nội, biệt thự bỏ hoang 3 tháng có thể áp thuế khoảng 5% trên giá trị hợp đồng, còn sau 1 năm biệt thự vẫn bỏ hoang sẽ bị tính thuế 10% trên tổng giá trị. Bên cạnh đó, Hà Nội còn đề xuất xử phạt hành chính chủ sở hữu biệt thự, với mức phạt 10 - 20 triệu đồng/căn, đồng thời kiến nghị Chính phủ áp dụng thu thuế cao lũy tiến đối với người mua từ ngôi nhà thứ hai trở lên. Theo ý kiến của các chuyên gia, đây là một đề xuất khá “táo bạo” của Hà Nội, nhưng việc xử lý đối với các dự án này là rất cần thiết.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, các bất động sản như biệt thự, nhà liền kề bỏ hoang ảnh hưởng xấu đến cảnh quan đô thị, nhếch nhác, thậm chí trở thành tụ điểm của các phần tử xấu, các tệ nạn xã hội. Vì vậy, làm thế nào để đưa những tài sản đó vào sử dụng và phát huy hiệu quả là vấn đề quan trọng.
“Có ý kiến cho rằng, họ có tiền họ đầu tư thì việc có sử dụng hay không là việc của họ. Nhưng ta phải nhìn thấy một vấn đề là sự nhếch nhác, mất an ninh, an toàn của đô thị là vấn đề lớn. Đây cũng là nguồn lực của xã hội mà cần thiết phải đem lại hiệu quả để làm cho nguồn vốn của xã hội được sử dụng một cách tốt nhất. Tôi cho rằng đề xuất giải pháp đánh thuế cao với những biệt thự, chung cư không đưa vào sử dụng là một trong những đề xuất hợp lý. Nhưng chúng ta phải đánh thuế cao, cao hơn mức cho thuê nhà, có thể cao gấp đôi mức cho thuê nhà”, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nêu ý kiến.