Những giai điệu đầu tiên của Thủ đô ngày trở về

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cách nay 67 năm, ngày 10/10/1954, cả Hà Nội chào đón đoàn quân chiến thắng trở về sau 9 năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp. Trong rừng cờ hoa, bỗng nghe vút lên những giai điệu đầu tiên của ngày Thủ đô giải phóng. Đằng sau những giai điệu tuyệt vời ấy, là một hành trình đầy gian khổ.

Buổi tập nhạc đặc biệt

Năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” của quân và dân ta, lần diễu binh ngay tại Điện Biên lịch sử được tổ chức nhưng vắng bóng đoàn quân nhạc, mà chỉ toàn là vi-ô-lông, ắc – coóc – đi – ông, ghi-ta. Đại tướng Võ Nguyên Giáp hỏi: "Đinh Ngọc Liên đâu?" (có nghĩa là "quân nhạc đâu rồi?" – theo hồi ký Đinh Ngọc Liên).

Sau đó, Nhạc trưởng Đinh Ngọc Liên ngay lập tức nhận được điện cấp tốc trở về để cùng với đồng chí Đinh Văn Thường tổ chức tiểu đoàn quân nhạc.

Bấy giờ, một số anh em quân nhạc được biên chế qua các đoàn văn công cũng lần lượt trở về, nhưng chỉ còn khoảng bốn chục người. Trên Cục Quân lực điều cho Nhạc trưởng Đinh Ngọc Liên hẳn hai đại đội chiến đấu từ Đoàn 99 an dưỡng về. Bên cạnh đó, đoàn quân nhạc cũng tuyển thêm tân binh nữa. Trong dịp này, lại có một số đồng chí quân nhạc ở Quân khu Ba, Quân khu Bốn lên bổ sung thêm cho đội quân nhạc, họ có đầy đủ kèn trống, Quân số toàn đoàn lên tới 450 người. Về nhạc cụ, mới cũ lớn nhỏ có 70 cái.

Theo Nhạc trưởng Đinh Ngọc Liên: “Khi lo cho bộ đội chiến đấu thì kèm theo quân trang, quân dụng súng đạn, còn lo cho quân nhạc lại không đủ kèn trống! Ấy thế mà tôi cũng không dám kêu sợ trên rút bớt quân số!”. Đối với ông, một nhạc trưởng, thì điều thiết tha nhất là có dàn nhạc, có nhạc công. Mọi khó khăn sẽ trở nên nhỏ bé trước cái điều lớn lao đã đạt được ấy.

Đoàn Quân nhạc về tiếp quản Thủ Đô do Nhạc trưởng Đinh Ngọc Liên dẫn đầu (Ảnh do gia đình cung cấp).

Đoàn Quân nhạc về tiếp quản Thủ Đô do Nhạc trưởng Đinh Ngọc Liên dẫn đầu (Ảnh do gia đình cung cấp).

Để khắc phục tình trạng thiếu nhạc cụ, Nhạc trưởng Đinh Ngọc Liên phải đi xin lại hoặc mua kèn cũ, và lập các tổ sữa chữa. Bấy giờ, đoàn nhạc có đồng chí phó Du (trống con) và phó Trí (kèn Ô-boa). Hai đồng chí này có tài về cơ khí, rất tích cực, tháo vát, làm việc suốt đêm ngày. Nhờ thế nên tổ hàn, tổ thuộc da trống, tổ làm sáo nứa, tổ gò tang trống hoạt động tấp nập như một công xưởng.

Trong hồi ký của mình, Nhạc trưởng Đinh Ngọc Liên kể lại: “Chúng tôi tổ chức hẳn một đại đội sáo nứa, một trung đội trống cái, trống con, xim-ban. Chẳng biết xưa nay trên thế giới có đội nhạc binh nào tập như chúng tôi thuở ấy không? Thiếu nhạc cụ, chúng tôi hạ cánh cửa nhà dân xuống, mỗi anh cầm hai chiếc đũa cả tập gõ trống. Còn lính tập kèn thì sao? Chúng tôi lấy ông nứa cắt theo kèn cla-ri-nét, kèn xắc-xô, cứ vẽ mực vào chỗ nào là nốt Mi, nốt Pha, nốt Son ,… mồm đọc nốt, ngón tay bịt, mở đúng chỗ đã đánh dấu”.

Cũng trong thời kỳ này, Nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên đã soạn bài “Hành khúc chiến thắng” cho đội trống. Hiện nay, các đội trống vẫn còn đang sử dụng bài hành khúc này.

Thời ấy, trong giờ tập thực hành kèn trống mà cứ rầm rầm tiếng gõ cánh cửa, tiếng gào Mi, Pha, Son như vỡ chợ. Ấy thế mà rồi toàn tiểu đoàn quân nhạc cũng hình thành, tập được một số hành khúc cần thiết để chuẩn bị cho nhiệm vụ về tiếp quản và duyệt diễu binh sắp tới. Thời kỳ này tiểu đoàn quân nhạc đã phải hành quân từ Thái Nguyên về đóng ở Sơn Lộc, Sơn Tây, chuẩn bị tiếp quản Hà Nội.

Lễ chào cờ lịch sử lần đầu tiên được tổ chức sau khi Thủ đô Hà Nội được giải phóng, ngày 10/10/1954 (ảnh tư liệu).

Lễ chào cờ lịch sử lần đầu tiên được tổ chức sau khi Thủ đô Hà Nội được giải phóng, ngày 10/10/1954 (ảnh tư liệu).

Thời khắc lịch sử đã điểm, chiều 10/10/1954 đã diễn ra Lễ chào cờ đặc biệt. Lá cờ chiến thắng của Tổ quốc đã tung bay trên đỉnh Cột Cờ. Đứng chủ trì lễ chào cờ là Thiếu tướng Vương Thừa Vũ và Bác sỹ Trần Duy Hưng. Đoàn quân nhạc do Nhạc trưởng Đinh Ngọc Liên đã chỉ huy cử Quốc thiều (bản nhạc tổng phổ của Quốc ca).

Mọi người kính cẩn nhìn lên lá quốc kỳ đang tung bay trên đỉnh Cột Cờ cao ngất. Tiếng nhạc vừa dứt, Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính thành phố Hà Nội bước ra trước máy phóng thanh trân trọng đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô.

Tiếng hô vang át cả tiếng kèn…

Sau khi tiếp quản Thủ đô xong, thì một chuyến máy bay chở kèn viện trợ mới tới. Toàn là kèn rất mới. Nhưng vẫn còn thiếu 50 chiếc kèn nữa mới đủ cho đội hình tiểu đoàn quân nhạc 425 người. Nhạc trưởng Đinh Ngọc Liên lại phải dùng bài đi mượn. Mượn của đội kèn nhà thờ Giảng Võ, nhà thờ Giang Xá – cả hai nơi này Đinh Ngọc Liên đều đã thân quen từ đã lâu.

Theo Nhạc trưởng Đinh Ngọc Liên: “Các đồng chí lãnh đạo trên Cục rất ngại, sợ đồng bào vừa được giải phóng hiểu nhầm”. Vậy là, không cần giấy tờ gì cả, Nhạc trưởng Đinh Ngọc Liên mượn kèn với tư cách cá nhân. Khi mượn được đầy đủ kèn, anh em trong đoàn ra sức lau chùi, đánh bóng như mới; chỗ nào bẹp, hỏng, tổ sữa chữa cũng làm lại như mới. Khi xong việc đoàn quân nhạc đã đem trả ngay rất đầy đủ, kèn lại được sửa tốt đẹp nữa, anh em hai hội cảm ơn rối rít.

Đoàn quân nhạc trong buổi duyệt diễu binh 1/1/1955 (Ảnh do gia đình cung cấp).

Đoàn quân nhạc trong buổi duyệt diễu binh 1/1/1955 (Ảnh do gia đình cung cấp).

Ngày 1/1/1955, Quân đội nhân dân Việt Nam đã lần đầu tiên có cuộc duyệt binh tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), đánh dấu sự kiện lớn đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Tuy nhiên, trước đó, ít ai biết, có một số vấn đề xảy ra với đoàn quân nhạc của Nhạc trưởng Đinh Ngọc Liên. Có những chiếc kèn khi biên chế thì khác, bấy giờ lại xuất hiện thêm kèn viện trợ, kèn mượn, nên các loại kèn không khớp với nhau như sự phân công. Nhưng theo Nhạc trưởng Đinh Ngọc Liên, tinh thần là duyệt diễu binh cứ đem đi hết, không thổi được thì ôm, miễn là đưa lên hạ xuống cho đều là được.

“Có anh ngại quá, báo cáo với tôi: “Em không thổi, người ta biết thì ngượng lắm!”. Tôi an ủi: “Đừng sợ, đón Bác, Trung ương, Chính phủ, cả Thủ đô chỉ hướng về Bác, về Trung ương, về Chính phủ, ai nhìn mình, pháo nổ chuông rung, tiếng hô vang dội còn át cả kèn của mình ấy chứ” – Nhạc trưởng Đinh Ngọc Liên nhớ lại trong hồi ký.

Mà đúng như thế thật! Một tiểu đoàn quân nhạc, quân trang quân phục chỉnh tề, kèn đồng sáng loáng, đã ra mắt bà con Thủ đô với những hành khúc chiến thắng đầy hào hùng…

Đoàn làm phim Ba Lan đã đưa hình ảnh đội sáo nứa quân nhạc vào cuốn phim "Cây tre" nổi tiếng. Cũng đợt này, đạo diễn bậc thầy người Liên Xô – Ro-man Các-men trong cuốn phim “Việt Nam trên đường thắng lợi” đã dừng ống kính khá lâu trước đội sáo nứa, nhạc cụ đậm đà tính dân tộc Việt Nam này.

Ngay ngày hôm sau, các báo trong nước đều đồng loạt viết: “Đất Thăng Long chưa hề bao giờ có đoàn quân nhạc khổng lồ thế này!”.

Sau đợt công tác lịch sử này, Bộ Chỉ huy duyệt diễu binh ngày 1/1/1955 đón Bác Hồ, Trung ương Đảng và Chính phủ trở về Hà Nội, đã đề nghị Nhà nước khen tặng Nhạc trưởng Đinh Ngọc Liên Huy hiệu Hồ Chủ tịch và Huân chương chiến công hạng Ba, vì đã có nhiều thành tích phát huy sáng kiến, khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cùng với một số cán bộ, chiến sĩ trong Đoàn quân nhạc.

Trung tá, NSND Đinh Ngọc Liên sinh năm 1911 tại xã Xuân Phương, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Ngày 19/8/1945, trước khí thế sôi sục của cuộc cách mạng, ông đã cùng 72 nhạc công trong đội kèn lính Khố Xanh đi theo tiếng gọi của Cách mạng.

Được sự quan tâm, động viên của Đảng và Bác Hồ, Nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên đã đem hết tài năng nghệ thuật và sức lực phục vụ sự nghiệp cách mạng, phục vụ kháng chiến.

Nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên là người có nhiều cống hiến với nền âm nhạc cách mạng. Ông là tác giả của nhiều tác phẩm hòa tấu kèn nổi tiếng như: Chiến thắng Phủ Thông, Xuân chiến thắng, Hải cảng về ta, Chúng ta có Bác Hồ, Vọng gác tiền tiêu ...

Đặc biệt, trong buổi lễ Độc lập 2/9/1945, ông chính là người nhạc trưởng chỉ huy dàn nhạc tấu bài “Tiến quân ca” như quốc thiều (bản nhạc tổng phổ của Quốc ca) của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Năm 2017, Nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật cho các tác phẩm: Cụm tác phẩm nhạc nghi lễ: Trống hành khúc, trống tang lễ, Nhạc chào mừng, Các bài kèn hiệu; các tác phẩm khí nhạc: Xuân chiến thắng, Vọng gác tiền tiêu và các ca khúc: Chiến thắng Phủ Thông, Hải cảng về ta.