Văn hóa & Pháp luật

Những giải pháp mạnh mẽ để xây dựng văn hóa pháp đình

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong bài viết Văn hóa pháp đình - sự tôn nghiêm, tính nhân văn của pháp luật Việt Nam, đã đề cập những vấn đề bất cập trong hoạt động pháp đình hiện nay như: Đương sự vi phạm nội quy phiên tòa, gây rối trật tự, không có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án… Để rộng đường dư luận, PLVN tiếp tục vấn đề này thông qua ý kiến của các chuyên gia, với mong muốn siết chặt kỷ cương, xây dựng văn hóa pháp đình.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng. (Ảnh: VGP/ĐH)
Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng. (Ảnh: VGP/ĐH)

Văn hóa pháp đình – vấn đề đặc biệt và hệ trọng

Theo quan điểm của Phó Trưởng Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, văn hóa pháp đình (VHPĐ) là khái niệm rất rộng và đặc biệt, là sự tổng hợp như “trăm sông đổ về một biển”, là nơi tập trung nhất của tất cả các loại hoạt động, hành vi khác nhau của các chủ thể khác nhau trước Tòa án.

VHPĐ còn liên quan đến văn hóa pháp luật, văn hóa xã hội, văn hóa tư pháp. Ông Nhưỡng cho rằng, VHPĐ xuất phát từ cả hai phía: Thứ nhất là văn hóa pháp luật, liên quan đến thể chế, chính sách, quy định, quy chế, nội quy, toàn bộ hoạt động đào tạo cán bộ, nhân viên tư pháp. Thứ hai, cũng là mấu chốt quan trọng nhất, chính là đạo đức xã hội.

Lấy ví dụ về VHPĐ tại Australia, ông Nhưỡng chia sẻ, khi ông bước vào Tòa án của Australia thì thấy mọi người lập tức cúi gập xuống chào ảnh Nữ hoàng Victoria, bức ảnh được treo trên đầu thẩm phán. Hay khi đi ra gần đến cửa, mọi người sẽ đi lùi 3 bước, chứ không quay lưng lại và cúi gập người xuống chào. Hay khi tất cả mọi người đang ngồi trong Tòa án, một nhân viên Tòa án hô Thẩm phán vào là lập tức mọi người đứng dậy, nghiêm trang chào Thẩm phán. Đây là văn hóa đạo đức nhưng được nâng tầm, đưa lên thành VHPĐ.

Ông Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Ông Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Rộng hơn nữa là liên quan đến văn hóa tranh tụng. Ông Nhưỡng nhấn mạnh, một thẩm phán Australia sẽ điều hành cả phiên tòa, không có chuyện lộn xộn người này nói, người kia nói mà ai nói phải do thẩm phán chỉ định nhưng việc chỉ định rất khách quan, họ sử dụng quyền năng của người thẩm phán để người khác cảm thấy họ đang làm việc một cách có văn hóa, sử dụng quyền lực có văn hóa.

Ngoài ra, VHPĐ còn thể hiện ở khía cạnh văn hóa của toàn bộ các chủ thể tham gia quá trình tranh tụng như luật sư, kiểm sát viên, người dân… VHPĐ còn liên quan đến vấn đề ăn mặc của thẩm phán, luật sư, người dân. Tất cả tạo thành bức tranh VHPĐ, bức tranh đó có thể có nhiều màu sắc, các màu sắc có thể tương phản nhưng không được lộn xộn khiến người ta cảm thấy môi trường tòa án thiếu văn hóa.

Đồng tình với quan điểm trên, Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa cho rằng, VHPĐ là một khái niệm, một vấn đề rất quan trọng trong tố tụng, một nội dung cốt lõi trong thời gian qua được báo chí quan tâm phản ánh.

Thực tế vừa qua cho thấy, nhiều nơi đã diễn ra không ít các hành vi không văn minh như người tham gia phiên tòa có lời lẽ thô lỗ, mạt sát, thiếu tôn trọng đối với người khác trong quá trình tố tụng… nhưng tiếc rằng biện pháp chế tài xử lý chưa đủ mạnh để răn đe.

Cần những biện pháp, chế tài mạnh mẽ

Trước những hành vi xâm phạm, ảnh hưởng đến VHPĐ, ông Lưu Bình Nhưỡng chia sẻ, điều quan trọng hàng đầu vẫn là quy định pháp luật, các hành vi của những người có liên quan phải trên cơ sở pháp luật, dựa trên các quy tắc, kể cả những quy định bất thành văn. Mọi người đến Tòa đều phải học tập, rèn luyện, phải nhìn, để ý, xem xét xung quanh, chứ không được có bất kỳ hành động phá phách nào.

Ai ở vị trí nào thì phải ý thức được về vấn đề từ vị trí đó. Đồng thời Nhà nước phải có quy định, biện pháp giữ gìn VHPĐ nhằm giữ gìn kỷ cương, trật tự, giữ gìn cho mọi hoạt động tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.

Tại Tòa, người dân tuy được làm những gì mà pháp luật không cấm, nhưng cần hiểu rõ và chấp hành những quy định cấm tại chốn pháp đình để đảm bảo VHPĐ.

Cũng theo ông Lưu Bình Nhưỡng, không những thế, chúng ta phải có thể chế, thiết chế, bộ máy giữ gìn trật tự. Trong trường hợp người nào vi phạm, kể cả cán bộ Nhà nước vi phạm thì đều phải xử lý một cách công bằng.

“Chúng ta phải có giải pháp đạt đến sự công bằng đầy đủ, toàn diện, khách quan, không thiên lệch để bảo đảm VHPĐ và có lẽ đến một lúc nào đó mặc dù VHPĐ là phạm trù đạo đức nhưng được nâng lên thành luật thì lúc đó chúng ta có cơ sở để xem xét trách nhiệm của tất cả các chủ thể có liên quan, áp dụng được các biện pháp chặt chẽ hơn, tác động mạnh mẽ hơn, làm gương cho người khác. Chúng ta cần pháp luật hóa, văn bản hóa, thể chế hóa đối với quy phạm đạo đức thì sẽ tạo ra những điều kiện tốt hơn, tăng cường thêm nữa các thiết chế đảm bảo trật tự, công bằng, nghĩa là nâng cao VHPĐ” - ông Lưu Bình Nhưỡng nêu đề xuất.

Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng. Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa nêu quan điểm rất hoan nghênh việc này, bởi đây là biện pháp hết sức cần thiết.

Trước đây, mặc dù cảnh sát hỗ trợ tư pháp đã làm tốt chức năng của mình, nhưng vì thiếu quy định cụ thể nên chỉ có thể xử lý hành vi gây rối, quấy rối trật tự công cộng, còn trong ứng xử pháp đình chưa được xử lý kịp thời. Với Pháp lệnh này, thẩm phán/cơ quan tố tụng được giao thẩm quyền trục xuất đối tượng có hành vi không văn minh ra khỏi nơi xét xử, nên ông Phạm Văn Hòa hy vọng tình hình tới đây tại chốn pháp đình sẽ trở nên nghiêm minh, lịch sự hơn.

Ông Phạm Văn Hòa -Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Đồng Tháp .

Ông Phạm Văn Hòa -Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Đồng Tháp .

Ông Hòa đánh giá, Pháp lệnh đã quy định thống nhất và chi tiết, tạo cơ sở pháp lý để xử lý nghiêm minh những hành vi cản trở hoạt động tố tụng; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong tố tụng và ý thức chấp hành pháp luật, phòng ngừa những vi phạm có thể xảy ra; nâng cao uy tín của cơ quan nhà nước, bảo đảm sự tôn nghiêm của Tòa án, bảo đảm sự tôn trọng của cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với cơ quan tiến hành tố tụng; tạo điều kiện giải quyết các vụ việc nhanh chóng, hiệu quả, đúng pháp luật.

Tuy nhiên, theo ông Hòa, trong thực tiễn, cũng không nên áp dụng Pháp lệnh một cách cứng nhắc, cực đoan mà phải xem xét cụ thể từng khía cạnh, công tâm, vô tư, nhất là trong trường hợp thẩm phán không giữ được cương vị “cầm cân nảy mực”, gây bức xúc cho những người tham gia phiên tòa. Cũng cần biết rằng, nếu đương sự không hài lòng với Hội đồng xét xử, với thẩm phán có quyền được làm đơn khiếu nại, thay đổi Hội đồng xét xử/thẩm phán nhưng quyền này phải được thực hiện phù hợp, phải có lý do chính đáng để thay đổi, không phải vì lý do cá nhân.

“Căn cứ vào Pháp lệnh, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao phối hợp với các cơ quan tố tụng khác sớm ban hành nội quy trong thực hiện tố tụng, đảm bảo VHPĐ được thực hiện khách quan, công tâm, vô tư. Tất cả chúng ta thận trọng, khách quan trong ứng xử, trong hoạt động của mình khi tham gia tố tụng thì hoạt động xét xử, VHPĐ sẽ thành công tốt đẹp”, theo ông Phạm Văn Hòa.

"Cấu trúc không gian văn hóa pháp đình, vì thế không chỉ bó hẹp trong quan hệ giữa người “cầm cân nảy mực” với từng số phận được mặc định trong cái vòng cung hạn hẹp của chiếc vành móng ngựa. Sự hiện diện của rất nhiều chủ thể khác nhau, với những lợi ích và mục tiêu hành xử khác nhau, tạo ra không gian đa chiều trong các hành vi ứng xử, mà các hành vi ấy tùy thuộc vào tri thức, nhận thức, trình độ văn hóa, kinh nghiệm sống của mỗi người. Nói tới không gian văn hóa pháp đình không chỉ là bản “nội quy” cứng nhắc treo trước cánh cửa phòng xử hay thư ký phiên tòa phổ biến trước giờ xử án; và không thể buộc số bị cáo (những người bị nghi là có hành vi phạm tội có thể do thiếu hiểu biết hoặc trình độ văn hóa thấp) phải có hành vi ứng xử văn hóa. Vì thế, nhận thức và ứng xử trong văn hóa pháp đình trước hết và chủ yếu là yêu cầu rất cao đối với những người tiến hành tố tụng và lực lượng người bào chữa, trong đó có luật sư (nhân vật trung tâm của cải cách tư pháp)"

- Trích bài viết "Xây dựng văn hóa pháp đình - tiền đề bảo vệ quyền con người" của đại biểu Quốc hội khóa XIII Lê Văn Lai.

"Sự bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau giữa những người làm công tác pháp luật vốn là một truyền thống xuất phát từ quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của mỗi chủ thể. Thái độ tôn trọng lẫn nhau giúp cho mỗi người ý thức trách nhiệm hơn trước công việc và nâng cao lòng tự trọng. Sự tôn trọng lẫn nhau giữa những người hoạt động pháp luật làm cho tính tôn nghiêm ở chốn pháp đình càng được đề cao, tạo nên vẻ đẹp cho “văn hóa pháp đình”, làm mẫu mực cho công chúng noi theo, làm tấm gương trong việc tuyên truyền pháp luật"

- Trích ý kiến của Luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh thông luật).

Đọc thêm