Buổi tọa đàm lần này có sự tham gia của GS.TS Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp; PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế và “siêu nhân không áo choàng” – anh Nguyễn Ngọc Mạnh, tài xế được vinh danh tại Bảo tàng Hồ Chí Minh vì đã dũng cảm đỡ cháu bé rơi từ tầng 12B căn chung cư.
Tôn vinh sự hiện diện của pháp luật trong đời sống
Rất bất ngờ khi được mời đến tham dự tọa đàm, anh Mạnh tâm sự cuộc sống của anh và gia đình từ khi anh cứu cháu bé đã thay đổi rất nhiều, thậm chí trong thời gian đầu anh còn bị áp lực và vô cùng căng thẳng bởi nhận được quá nhiều sự quan tâm của mọi người. Với hành động dũng cảm của mình, anh Mạnh được Bảo tàng Hồ Chí Minh vinh danh và cán bộ Bảo tàng đề nghị anh tặng hiện vật để trưng bày. “Đổi” lại, anh chỉ xin cán bộ Bảo tàng một tấm ảnh Bác Hồ.
Trả lời câu hỏi phải chăng cuộc sống với anh không quan trọng vật chất, anh Mạnh cho hay anh chỉ nghĩ đơn giản rằng Bác Hồ là Người cho anh tự do nên anh muốn có ảnh Bác trong nhà. Hơn nữa, từ nhỏ, dù gia đình không quá giàu có nhưng bố mẹ vẫn cho anh cuộc sống ấm áp về vật chất. Ngoài ra, với anh bây giờ những điều mang đến giá trị về mặt tinh thần quan trọng hơn là vật chất, bởi thời bé anh rất nghịch ngợm, hay phá nên lớn lên rất sợ không được mọi người quý mến.
Đồng tình với quan điểm “pháp luật là cuộc sống, pháp luật hiện diện ở những con người cụ thể để làm sao pháp luật thôi thúc mỗi người hành động có ý thức, có trách nhiệm – không chỉ thực hiện những điều bắt buộc phải làm mà việc tuân thủ pháp luật sẽ dần hướng đến điều tốt, điều thiện”, GS.TS Hoàng Thế Liên phân tích kỹ hơn về hành động đẹp của anh Mạnh. Theo ông, pháp luật phản ánh cuộc sống, pháp luật điều khiển cuộc sống, đưa cuộc sống vào một trật tự chung vì lợi ích chung và vì lợi ích của mỗi người. Như vậy có thể thấy pháp luật có vai trò rất quan trọng.
Tuy nhiên dù nhà làm luật có giỏi đến đâu, đưa ra quy định rất hay, rất phù hợp, dễ thực thi, có tính dự báo cao mà quy định pháp luật ấy không trở thành nhận thức chung của con người, cao hơn nữa là nhận thức về văn hóa công cộng để từ nhận thức trở thành hành vi xử sự phù hợp với quy định pháp luật của mỗi người, vì cuộc sống của người thực hiện và cộng đồng thì không thể biến quy định pháp luật thành sức mạnh vật chất được.
Chúng ta coi trọng đánh giá chất lượng của quy định pháp luật song nếu dừng ở đây thì chưa đủ bởi pháp luật không có mục đích tự thân mà pháp luật thông qua hành động của con người, của tổ chức để trở thành sức mạnh, qua đó tác động vào xã hội theo hướng phát triển, nhất là bản thân pháp luật có tính hướng thiện, chống lại ác. Bởi vậy, trong cuộc sống, khi thực hiện một hành vi xử sự nào đó thì có thể thuộc nhiều loại khác nhau như có người do “sợ” pháp luật mà làm, có người buộc phải làm – đều là đáng quý nhưng giá trị cao hơn cả sẽ là ở chỗ hành vi tuân thủ pháp luật ấy được làm tự giác, trở thành nét văn hóa của cuộc sống.
Do đó, những hành vi như anh Mạnh đã làm, dù anh cho rằng trong trường hợp này ai cũng sẽ làm giống anh, song tại sao chỉ có một người đứng lên làm thì hành vi ấy là vì cuộc sống chung của mọi người và gắn liền với bản lĩnh, đạo đức của con người, đặc biệt là văn hóa của con người. Theo ông, hành vi của anh Mạnh không chỉ thuần túy là tuân thủ pháp luật mà cao hơn là giá trị đạo đức, văn hóa trong con người và nếu chúng ta đánh giá được như vậy thì chắc chắn chúng ta sẽ thấy cần thiết phải nhân rộng điển hình này để mọi người thấy được hành vi đẹp, dũng cảm trở thành tự nhiên, thành nét văn hóa.
Pháp luật phải thông qua hành vi của con người để trở thành sức mạnh
Bên cạnh hành động đẹp của anh Mạnh thì hình ảnh những bác sỹ tuyến đầu chống dịch thời gian qua cũng gây ấn tượng, sự xúc động mạnh cho mỗi người. Chia sẻ về điều này, PGS.TS Trần Đắc Phu còn cho biết thêm những công việc của đội ngũ y tế dự phòng thường rất thầm lặng và trong công cuộc phòng, chống dịch COVID-19 thì công việc của đội ngũ đã được biết đến nhiều hơn.
Đặc biệt qua đợt bùng phát dịch lần thứ 4, nhất là ở TP HCM và một số tỉnh thành phía Nam, chúng ta đã thấm thía được rằng nếu làm dự phòng không tốt thì hệ thống y tế sẽ bị quá tải, số lượng tử vong sẽ nhiều lên. Thực tế đã xuất hiện nhiều tấm gương các chiến sỹ y tế dự phòng cống hiến thầm lặng trong thời gian chống dịch vừa qua. Ông Phu mong muốn sớm có Luật Y tế dự phòng để xây dựng hệ thống phát triển, giúp đội ngũ được làm việc, được cống hiến, yên tâm ổn định cuộc sống, góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Ủng hộ mong muốn của ông Phu, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên nhấn mạnh, trên đời này thiếu bệnh viện, thiếu tòa án là rất nguy hiểm nhưng mọi người không nên đến bệnh viện, đến tòa là tốt nhất. Nghĩa là con người sống dự phòng, nền nếp sẽ bảo đảm con người khỏe mạnh, văn minh hơn việc sống dự phòng không tốt, bệnh tật nhiều hay ở nhiều nước, Tòa án hiện nay đang trở thành biểu tượng văn hóa như Tòa án Tối cao Mỹ chủ yếu đón khách du lịch, mỗi năm chỉ xét xử tầm 90 – 100 vụ. Dự phòng là vấn đề chiến lược mà Nhà nước cần giải quyết, cần phải có quy định pháp luật, chứ không thể kêu gọi lòng tốt và ý thức tự giác trước khi có pháp luật.
Không bàn về những gương sáng cụ thể nào, GS.TS Hoàng Thế Liên hoan nghênh sáng kiến của Báo Pháp luật Việt Nam trong việc tôn vinh các tấm gương trong thực thi pháp luật. Nhắc lại câu nói của Bác Hồ “vấn đề Tư pháp trong lúc này suy cho cùng là ở đời và làm người”, ông cho rằng pháp luật phải thông qua hành vi của con người để trở thành sức mạnh và đó là “đời”.
Hiện nay, pháp luật rất nhiều, rất tốt nhưng thực thi trong cuộc sống còn nhiều điểm chưa tốt. Vì vậy, thực thi pháp luật giữ vai trò quan trọng, dưới nhiều góc nhìn, tác động khác nhau hay những tấm gương như ông Phu, anh Mạnh và nhiều người đã tuân thủ pháp luật tốt song vượt lên để trở thành hành vi được xã hội ngưỡng mộ thì là vấn đề lớn, khi ấy họ trở về với bản ngã nhân văn của chính mình. Từ đó, ông mong rằng chúng ta sẽ phát hiện, phản ánh được nhiều tấm gương trong cuộc sống để tác động đến mọi người, để những ai chưa tốt sẽ nhìn vào họ mà làm theo, giúp pháp luật phát huy giá trị vật chất, thúc đẩy xã hội phát triển và sự văn minh của xã hội.