1. Tự kỷ là loại bệnh không thể chữa
Bác sỹ Orly Attia Dafni, chuyên ngành nhi khoa và Trẻ tự kỷ đến từ Hanoi Family Medical Practice cho biết: “Nếu gọi là bệnh tự kỷ thì đúng là không có thuốc chữa nhưng nếu xem đây là một tình trạng rối loạn về giao tiếp thì nếu xác định được mức độ sẽ đưa ra được các biện pháp can thiệp phù hợp”.
Tự kỷ là một hội chứng phức tạp cả về tâm thần, tâm lý, vận động. Khoa học gọi là rối loạn phổ tự kỷ. Hội chứng tự kỷ thường biểu hiện trước 3 tuổi song thường được phát hiện khá muộn. Tuy nhiên nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng can thiệp sớm và hiệu quả có tác dụng cải thiện chức năng não. Trẻ từ 18-36 tháng tuổi nếu được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời thì khoảng 30% sẽ trở lại bình thường, có thể hòa nhập với cộng đồng. Quá 3 tuổi, việc can thiệp sẽ gặp khó khăn và mất nhiều thời gian.
2. Trẻ tự kỷ ngày càng tăng là do phụ huynh thiếu quan tâm tới con
Theo thông tin từ dự án Phát hiện sớm trẻ tự kỷ, thống kê trên thế giới năm 2014 cứ trong 68 trẻ thì có 1 trẻ bị tự kỷ, trong khi tỷ lệ trẻ tự kỷ năm 2000 là 1/150.
Tuy nhiên chúng ta không thể nhìn từ con số và thực tế để kết luận ngày càng nhiều trẻ mắc tự kỷ vì tỷ lệ này tăng do nhận thức của cộng đồng nâng cao, tiêu chí chẩn đoán thay đổi, số lượng trẻ được đưa đi chẩn đoán nhiều hơn. Trước đây chúng ta không hiểu về rối loạn tự kỷ nên thường quy là trẻ bị bệnh khác.
Đây là quan niệm sai lầm về tự kỷ. Bản chất tự kỷ là tự nhiên chứ không phải do cha mẹ thiếu quan tâm hay tác động của ngoại cảnh, môi trường sống.
Hiện tại chúng ta không biết tất cả những nguyên nhân gây ra tự kỷ. Tuy nhiên khoa học cũng thống kê được nhiều nguyên nhân dẫn tới tự kỷ. Có một vài yếu tố dẫn tới trẻ có xu thế mắc tự kỷ bao gồm môi trường, sinh học và di truyền.
3. Trẻ đang bình thường tự nhiên bị tự kỷ do không được quan tâm
Phần lớn trẻ tự kỷ có vẻ ngoài bụ bẫm, dễ thương, ăn uống và ngủ tốt, phát triển vận động tốt cho tới khi 18-24 tháng. Nhiều bé chỉ đến khi 2 tuổi vẫn không chịu nói gì hoặc không nói nữa dù trước đó đã bập bẹ và có những ứng xử khác thường so với trẻ cùng tuổi.
Đây là một dạng biểu hiện của tự kỷ chứ không phải do môi trường sống tác động khiến trẻ đang bình thường lại bị tự kỷ.
4. Mọi đứa trẻ bị tự kỷ đều có biểu hiện giống nhau
Một trẻ bị mắc rối loạn tự kỷ thường gặp khó khăn trong kỹ năng xã hội, giao tiếp, hành vi và sở thích bất thường. Có thể coi tự kỷ là một dạng khuyết tật về giao tiếp. Tuy nhiên theo Ths. về giáo dục đặc biệt Nguyễn Thị Nha Trang, quản lý dự án Phát hiện sớm trẻ tự kỷ (Đại sứ quán Hoa Kỳ tài trợ) thì toàn bộ trẻ tự kỷ đều gặp ba vấn đề chính trên nhưng các triệu chứng xuất hiện khác nhau với tính chất nghiêm trọng khác nhau ở từng đứa trẻ riêng biệt. Không có hai đứa trẻ tự kỷ nào biểu hiện giống hệt nhau.
5. Muốn phát hiện tự kỷ hãy đưa trẻ đi xét nghiệm máu và kiểm tra vân tay
Ths. Nguyễn Thị Nha Trang khẳng định: “Đây là quan niệm không có cơ sở khoa học. Hiện nay chỉ có thể phát hiện trẻ bị tự kỷ bằng cách đưa con tới các trung tâm, phòng khám, bệnh viện có chuyên khoa, chuyên môn chẩn đoán. Bác sỹ, các nhà chuyên môn sẽ quan sát hành vi và sự phát triển của trẻ để chẩn đoán.
Phụ huynh có thể dựa vào các dấu hiệu sớm để sàng lọc bệnh tự kỷ của trẻ từ 6 tháng tuổi và bảng kiểm M chat. Tuy nhiên chỉ có quá trình chẩn đoán chuyên sâu của nhà chuyên môn mới đánh giá chính xác.