Theo lương y Cường, sốt là triệu chứng dễ nhận thấy nhất của bệnh sởi. Bởi vậy trước tiên phải hạ sốt cho bệnh nhân trong liệu trình điều trị. Có thể làm mát cơ thể bằng cách lau toàn thân người bệnh bằng nước ấm nấu với bạc hà. Sau đó dùng lá cây đinh lăng (đóng vai trò chủ đạo) kết hợp lá tía tô nấu nước uống thay trà hằng ngày.
Muốn điều trị khỏi cần lưu ý những điểm sau: Cho ăn thức ăn ấm, nóng và dễ tiêu. Không nên cho trẻ uống nước đá, sữa để lạnh. Khi trẻ đang sốt không nên cho uống nước cam. Bởi theo kinh nghiệm cho thấy cam có tính hàn sẽ khiến bệnh nặng hơn.
Ngược lại có thể cho trẻ uống nước ổi, bí đỏ, nước chanh. Phụ huynh lưu ý cho trẻ uống sữa vừa phải vì sữa có tính nê trệ khó tiêu.
Trường hợp bệnh nặng, khát nước nhiều nên ứng dụng bài thuốc sau: Củ năng, củ sen tươi, trái lê (mỗi vị 200g). Ngoài ra cần bổ sung vài lát gừng nướng. Đem tất cả dược liệu rửa sạch, thái lát rồi ép lấy nước, lọc qua vải sạch sau đó hòa với 15ml mật ong để uống.
“Các vị này giàu dinh dưỡng, có công dụng trừ đàm, giảm ho, và làm mát cơ thể đồng thời an thần”, lương y Cường nói. Để phòng tránh bệnh sởi không nên để con xa mẹ. Một khi trẻ cảm thấy an toàn, sức đề kháng được nâng lên gấp bội. Môi trường yên tĩnh, nhiều cây xanh rất có lợi cho cơ thể trẻ phát triển toàn diện.
Về chế độ ăn uống, lương y Cường khuyên phụ huynh cho trẻ ăn thức ăn dễ tiêu như cháo gạo, củ sen và các loại đậu. Trước khi chế biến nên sao vàng gạo và đậu. Nhóm thực phẩm gồm cá, thịt gà, thịt bò sẽ có lợi cho trẻ trong việc tăng cường sức đề kháng.
Hằng ngày tiến hành lau toàn thân cho trẻ bằng nước ấm. Kì công hơn, sử dụng bài thuốc vệ sinh cho trẻ gồm: Địa liền, bạc hà, vỏ bưởi xanh, rau hoặc hạt kinh giới. Các dược thảo này chứa tinh dầu giúp thoát nhiệt dễ dàng, nhanh chóng. Từ đó bệnh sởi ắt tự thuyên giảm.
Bệnh sởi thường gặp chủ yếu ở trẻ nhỏ, các triệu chứng theo từng giai đoạn bệnh lý như sau: Đầu tiên cơ thể phát sốt, sốt khan kéo dài. Từ sốt nhẹ sau đó tăng dần. Thậm chí nếu cho uống thuốc hạ sốt, có thể hạ một lúc nhưng sau đó tăng trở lại và sốt nặng hơn. Kèm triệu chứng sốt là nổi ban.
Vết ban nổi rải rác từ trên đầu xuống dần đến bàn chân. Khi nổi ban mà sốt ít hoặc không sốt là triệu chứng đáng lo ngại, bệnh có thể chuyển qua thể phức tạp khác.
Ngoài ra bệnh nhân sởi còn có thêm các triệu chứng như ho khan, rối loạn tiêu hóa. Bệnh sởi dễ gây ra các biến chứng phức tạp khác: Bệnh nhân viêm tai giữa, viêm phổi, viêm phế quản hay bùng phát lao tiềm ẩn.