Những “khu rừng xanh” kỳ vỹ giữa đại dương

(PLVN) - Mọi ánh mắt, mọi cảm xúc, mọi hành động của các thành viên trong đoàn chúng tôi đều hướng về những mảnh xanh trên mỗi đảo mà đoàn dừng chân trên hải trình đến với Trường Sa.
Những công trình xanh kỳ vĩ trên quần đảo Trường Sa là niềm tự hào của nhân dân Việt Nam, là niềm tin của ngư dân nơi ngư trường giàu có.

Tháng 5/2024, Đoàn công tác số 23 rời cảng Quốc tế Cam Ranh, trải qua hành trình gần 1.000 hải lý để tới thăm, tặng quà, động viên cán bộ chiến sĩ và nhân dân tại 6 điểm đảo (Song Tử Tây, Sinh Tồn Đông, Len Đao, Đá Đông A, Đá Tây B, Trường Sa) thuộc quần đảo Trường Sa và nhà giàn DKI/12 - Tư Chính.

Hơn 30 giờ xuất phát từ cảng quốc tế Cam Ranh, rẽ sóng vượt đại dương, tàu KN-390 đã cập đảo Song Tử Tây. Đoàn công tác chúng tôi hướng mắt nhìn về phía đảo, từng mảng xanh của cây phong ba, cây bàng vuông… như kéo chúng tôi gần lại hơn.

Khi đoàn chính thức đặt chân lên đảo, chúng tôi được cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đón tiếp nhiệt tình, ân cần và chu đáo. Một “món quà” đặc biệt được đặt ngay lối lên/xuống, 2 chậu nước nhỏ cùng 2 chiếc khăn mặt đặt ngay ngắn, dành tặng các đại biểu. Bởi ở đảo, nước ngọt được ví “quý hơn vàng”.

Giữa cái nắng vàng tháng 5, biển lặng, xanh rì…đoàn chúng tôi khi đặt chân lên đảo, ai ai cũng áo dài tay, mũ che nắng, ô lớn ô nhỏ cầm tay. Nhưng điều khiến chúng tôi ngỡ ngàng nhất là những mảng xanh trên đảo.

Những mảng xanh quý báu của đại dương. Ảnh Quang Vũ.

Những bóng cây lớn toả mát, cây bàng vuông, phong ba, cây tra… một biểu tượng của vùng đất đầy nắng gió này, như biểu tượng của ý chí chiến đấu của nhân dân, chiến sĩ nơi đây. Chúng tôi hiểu rằng, trồng cây và nuôi dưỡng ở đất liền không phải là chuyện dễ dàng, ấy vậy mà ở trên đảo cây nào cũng lớn cũng xanh tươi, đủ thấy các chiến sĩ và nhân dân trên đảo đã nỗ lực biết nhường nào.

Được biết, với khí hậu khắc nghiệt ở Trường Sa, số ngày nắng nhiều hơn số ngày mưa, đất bề mặt chủ yếu được mang từ đất liền ra đảo, trong khi phía dưới chủ yếu là cát và san hô nên khả năng giữ nước là không tốt.

Chưa kể khi gió bão cũng “hạ gục” cây lớn, khiến các cây xanh trên đảo cũng vì thế mà chậm lớn hơn.

Những hàng cây toả bóng xanh mát là thành quả của lớp lớp cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo Song Tử Tây đã dày công chăm sóc, bảo vệ.

Trung tá Đào Xuân Nam, Chỉ huy trưởng đảo Song Tử Tây thông tin, hệ thống cây xanh mà đoàn đã thăm quan trên đảo là thành quả bền lâu của lớp lớp thế hệ cán bộ, chiến sĩ đã công tác trên đảo. Cây xanh rợp bóng giúp đảo có cảnh quan xanh mát, góp phần giúp khí hậu mát mẻ, chiến sỹ cũng vơi bớt nỗi nhớ nhà. Đây như những công trình xanh kỳ vỹ trên biển đó các anh/chị.

“Nước ngọt quý hơn vàng” là câu cửa miệng của nhiều chiến sĩ trên đảo, ấy vậy mà dạo quanh một vòng các vườn rau của chiến sĩ, chúng tôi đều phải ngỡ ngàng vì vườn nào cũng tốt tươi, xanh mát.

Nhiều luống rau mùng tơi xanh tốt, có chiếc lá to hơn bàn tay người lớn, ngọn rau muống cũng vươn mình cao hơn 20cm… Phía trên cao là những trái bí xanh, mướp đang phủ trái.

Những vườn rau xanh tốt là thành quả, nỗ lực của nhiều chiến sĩ trên đảo. Cùng với đó bảo đảm chủ động nguồn thực phẩm rau xanh của các chiến sĩ.

Di chuyển tới đảo Sinh Tồn Đông, đoàn chúng tôi đều

phải công nhận nơi đây như một “công viên xanh mát” giữa đại dương bao la.

Trung tá Đỗ Văn Diễn, Chỉ huy trưởng đảo Sinh Tồn Đông thông tin, trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng, nhiều công trình trên đảo đã được đầu tư khang trang, vững chắc. Cùng với đó, việc trồng cây xanh trên đảo cũng được quan tâm đặc biệt, góp phần chống biến đổi khí hậu, che chắn khi sóng to gió lớn, cải tạo môi trường sống cũng như tạo cảnh quan trên đảo.

Chương trình “Xanh hóa Trường Sa” có tác dụng, ý nghĩa rất lớn, đó là thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ, che chắn đảo trước điều kiện khắc nghiệt của thời tiết đặc trưng tại Trường Sa.

Chiến sĩ Châu Gia Kiệt đóng quân trên đảo Sinh Tồn Đông chia sẻ: Ngoài nhiệm vụ canh giữ biển đảo thiêng liêng, hàng ngày chúng em đều tham gia dọn dẹp vệ sinh trên đảo, thu gom rác thải nhựa, rác thải rắn để phân loại và đưa đến điểm tập kết xử lý theo quy định. Chúng em còn tăng gia trồng rau xanh, chăn nuôi gà, vịt, lợn và cắt tỉa cây xanh trên đảo, luôn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được thủ trưởng giao.

Với tầm quan trọng của việc trồng, phát triển cây xanh trên quần đảo Trường Sa, Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân đã triển khai chương trình “Xanh hóa Trường Sa”. Theo đó, chương trình “Xanh hóa Trường Sa” có tác dụng, ý nghĩa rất lớn, đó là thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ, che chắn đảo trước điều kiện khắc nghiệt của thời tiết đặc trưng tại Trường Sa.

Không chỉ vậy, hệ thống cây xanh góp phần bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân và cán bộ chiến sĩ trong quá trình phục vụ công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu.

Ông Trần Quý Kiên - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Môi trường trên đảo rất sạch – đẹp, một số đảo không khác khu rừng xanh thu nhỏ, như: Song Tử Tây, Sinh Tồn Đông và Trường Sa lớn. Ngoài ra, các chiến sĩ còn trồng được rau xanh trong nhà lưới, đặc biệt trên nhà giàn cũng trồng được rau xanh, quả thật đó là bất ngờ đối với tôi.

Ngoài ra, quân và dân trên các điểm đảo còn nuôi gà, vịt, lợn… tất cả tái hiện lại cuộc sống sinh hoạt không khác mấy so với trong đất liền”, ông Trần Quý Kiên - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tâm sự.

Năm 2023, thực hiện Chương trình “Xanh hóa Trường Sa,” Bộ tư lệnh vùng 4 Hải quân đã nhận được trên 204.200 cây ươm, chiết cây xanh và 120,5 tấn phân bón từ sự hỗ trợ, đóng góp của nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân cả nước.

Chia tay đảo Sinh Tồn Đông, mảnh xanh kỳ vỹ trên biển, tàu KN-390 tiếp tục rẽ sóng tới đảo đá Đông A. Từ trên xuồng tiến về phía đảo, đoàn chúng tôi thấy lá cờ đỏ sao vàng đang tung bay khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên biển, rồi những mảng xanh của vườn rau, mầu xanh của những tấm pin năng lượng mặt trời cứ thế kéo chúng tôi lại gần hơn nữa.

Khi lên tới đảo, ngoài khu nhà làm việc, sinh hoạt của cán bộ chiến sĩ điều làm tôi khá ấn tượng đó là khu vực phân loại rác thải cũng được các chiến sĩ thực hiện nghiêm túc.

Nơi đây, có ô rác thải hữu cơ, rác thải vô cơ, vỏ lon, chai nhựa được phân khu cụ thể. Một hành động nhỏ nhưng rất thiết thực để bảo vệ môi trường biển.

Việc phân loại rác thải được các chiến sĩ trên các đảo, điểm đảo tại Trường Sa thực hiện nghiêm túc.

Qua trò chuyện, các chiến sĩ nơi đây cho biết, phần rác hữu cơ sẽ được xử lý ngay tại đảo bằng cách chế biến cho chăn nuôi hoặc ủ phân để bón cây.

Trong khi đó, còn rác vô cơ được đóng gói để gửi vào bờ xử lý sau. Chính những hành động quyết liệt này đã góp phần không nhỏ vào việc giữ gìn Trường Sa xanh, sạch, đẹp. Hay như cách làm của Hội phụ nữ Thị trấn Trường Sa cũng là một cách làm hay.

Trò chuyện với chúng tôi, chị Phạm Thị Bảy, Hội trưởng Hội phụ nữ Thị trấn Trường Sa, cho biết: Ngoài việc nhà, chúng tôi còn tham gia thu dọn rác thải nhựa trôi dạt vào đảo, chăm lo vệ sinh môi trường trên đảo như quét dọn, tạo cảnh quan cây xanh. Mỗi đợt biển động hoặc sau mỗi cơn bão, rác thải từ đâu dạt vào đảo rất nhiều, chủ yếu là rác thải nhựa, mảnh gỗ, phao xốp… quân và dân trên đảo lại ra quân thu dọn và tập hợp đưa về khu quy hoạch rác thải để phân loại, chủ yếu rác thải nhựa và lon nước các loại sẽ được đưa vào máy ép thủy lực thành khối và đợi có tàu ra đảo sẽ đưa vào đất liền tái chế.

Ông Vũ Minh Lý - Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường.

Bàn luận về vấn đề xanh hoá trên đảo, ông Vũ Minh Lý - Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho hay: "Tôi lần thứ 2 ra đảo Trường Sa, lần này ra tôi rất ấn tượng với cảnh quan của các đảo, cây xanh cũng phát triển tươi tốt hơn, nhiều hơn…

Hiện nay, nhu cầu về cây xanh của các đảo là rất lớn, đây là hành động thiết thực hưởng ứng chương trình trồng mới 1 tỷ cây xanh mà Thủ tướng Chính phủ đã phát động, tôi nghĩ rằng Trường Sa sẽ càng xanh - sạch - đẹp hơn nữa thông qua việc chúng ta tiếp tục trồng cây cải tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường, tổ chức tốt việc thu gom và phân loại rác, đặc biệt là rác thải nhựa trên các điểm đảo hiện nay".

Chuyện xử lý rác thải tại các đảo luôn là chủ đề nóng, được thảo luận sôi nổi khi các thành viên trong đoàn chúng tôi rảo bước trong suốt hành trình. Nhưng điều khâm phục nhất, tự hào nhất mà ai ai cũng công nhận đó là những mảng xanh trên đảo luôn được các cán bộ, chiến sĩ và nhân dân chăm sóc, bảo vệ, khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam trên biển.

Khi tham quan các đảo, nhà giàn tôi và các đồng nghiệp tại các báo thường là những nhóm đầu tiên được các chỉ huy “ưu tiên” lên đảo sớm để tác nghiệp, cũng như có thêm nhiều tư liệu thực hiện viết bài. Nhờ đó mà cánh phóng viên chúng tôi luôn có điều kiện “khám phá” mọi ngóc ngách trên đảo (khu vực được phép).

Sau khi tham quan nơi ăn, chốn ở, thể dục… của các cán bộ, chiến sĩ, nơi mà chúng tôi luôn muốn chinh phục đó là các điểm đặt trụ điện gió, đặt các tấm pin năng lượng mặt trời. Đây là khu vực tạo ra năng lượng, “mạch sống” đảm bảo duy trì các thiết bị sử dụng điện phục vụ hoạt động cho các cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo.

Hệ thống năng lượng điện gió, điện mặt trời trên đảo Trường Sa được phủ khắp các công trình.

Giữa tiết trời nắng nóng tháng 5, một chiến sĩ mời chúng tôi ly nước mát lấy từ tủ lạnh ra và kể. “Những lúc rảnh rỗi, chúng em được các chú, bác kể ngày xưa đảo còn khó khăn chưa có hệ thống điện năng lượng mặt trời, cuộc sống quân và dân còn nhiều vất vả, gian nan, nhưng mỗi người đều nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt, xuất sắc nhiệm vụ.

Ngày nay, ở đảo, những ngày nắng điện luôn đầy đủ, những ngày mưa thì phải sử dụng có kế hoạch và tiết kiệm anh ạ. Nhưng được như vậy cũng vui và hạnh phúc lắm rồi”, chiến sĩ Trần Đức Cảnh làm nhiệm vụ trên đảo Đá Đông A chia sẻ.

Phút thảnh thơi của chiến sĩ là cập nhật tin tức qua các trang báo Pháp luật Việt Nam.

Tham quan nơi giải trí của các cán bộ, chiến sĩ trên đảo Len Đao, chúng tôi thấy nhiều trang thiết bị được đầu tư hiện đại như: máy chạy bộ, máy đạp xe, hay hệ thống karaoke… Vào giờ giải lao, các thiết bị này được hoạt động một cách trơn tru bằng dòng năng lượng “xanh - sạch” từ hệ thống tích trữ điện.

Chưa kể, việc chủ động về nguồn điện sẽ hỗ trợ được ngư dân đánh bắt xa bờ thiết bị dụng cụ đánh bắt cá, xăng dầu, lương thực, thực phẩm, y tế…

Các trụ tuabin gió được trang bị phủ khắp các đảo, điểm đảo tại Trường Sa.

Qua đó, đủ thấy rằng việc khai thác và sử dụng nguồn năng lượng mặt trời, năng lượng gió không chỉ đáp ứng tốt nhu cầu sản lượng điện mà còn giảm thiểu ô nhiễm môi trường góp phần vào sự phát triển bền vững vùng biển, đảo, nhà giàn tại Trường Sa.

Những công trình xanh này có ý nghĩa rất lớn trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ giữ gìn vùng biển xanh đất nước Việt Nam.

Ông Hồ Thái Yên Kha, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Ninh Thuận kiêm Giám đốc Điện lực Trường Sa thông tin: Năm 2024 chúng tôi tiếp tục đầu tư cải tạo, sửa chữa 6 công trình trạm năng lượng sạch cho quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 với tổng mức đầu tư 88,7 tỷ đồng. Trong đó, tập trung cải tạo đổi mới công nghệ hoàn toàn cho hệ thống năng lượng sạch tại 11 điểm đảo và bốn nhà giàn DK1; đồng thời, thay mới những bình ắc quy không còn lưu trữ điện và thay sạc FM80, Inverter hỏng tại tất cả các điểm đảo và nhà giàn DK1.

Chúng tôi sẽ nỗ lực triển khai nhanh và quyết tâm hoàn thành trong quý 4 năm 2024 và khi hoàn thành sẽ đảm bảo cấp điện liên tục tối thiểu 24 giờ trong điều kiện không nắng, không gió cho tất cả các điểm đảo và nhà giàn DK1”, ông Hồ Thái Yên Kha cho biết thêm.

"Cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì cả nước" là những khẩu hiệu được quân dân trên đảo Trường Sa và đoàn công tác số 23 hô vang khi chia tay đảo, thật nghẹn ngào và tràn đầy cảm xúc.

Được biết, năm 2025 cơ quan chức năng sẽ tiếp tục đầu tư hơn 180 tỷ đồng để đổi mới công nghệ và năm 2026 sẽ tiếp tục đầu tư hệ pin lưu trữ để đạt mục tiêu cấp điện liên tục 36 giờ trong mọi điều kiện thời tiết.

Trước những đổi thay và sự phát triển không ngừng của các điểm đảo, nhà giàn trên quần đảo Trường Sa, trò chuyện với nhóm PV chúng tôi, Chuẩn đô đốc Nguyễn Đăng Tiến - Chính ủy Vùng 3 Hải quân nhấn mạnh tầm quan trọng của điện năng lượng xanh và khẳng định đây là sự phát triển bền vững trên quần đảo Trường Sa.

Chia tay Trường Sa và nhà giàn DKI, đoàn chúng tôi sau mỗi bước chân trên đảo, được ngắm nhìn Tổ quốc từ phía biển, được nắm chặt phần đất làm nên những công trình xanh kỳ vĩ, được uống ngụm nước ngọt trên đảo, được ôm những chiến sĩ, đồng bào… chúng tôi tin tưởng và thấm đẫm câu nói "Trường Sa vì cả nước - Cả nước vì Trường Sa" thân yêu.

Đọc thêm