Những lời nói khó tin vẫn thành chứng cứ

Những lời khai mà VKS sử dụng làm căn cứ buộc tội bị can Nguyễn Vũ Hoàng Oanh rất khó tin vì khó xảy ra trong thực tế.

[links()]Những lời khai mà VKS sử dụng làm căn cứ buộc tội bị can Nguyễn Vũ Hoàng Oanh rất khó tin vì khó xảy ra trong thực tế.

Báo Pháp luật Việt Nam số ra ngày 31/5/2012 có bài “Nhiều chứng cứ của một vụ án oan” phản ánh vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” có dấu hiệu oan sai do các cơ quan tố tụng quận Hai Bà Trưng thụ lý giải quyết. Trong vụ án này, bị can Nguyễn Vũ Hoàng Oanh bị khởi tố về hai tội danh nhưng tội danh nào, việc buộc tội cũng không đủ chứng cứ và lý lẽ thuyết phục.

Trở lại nội dung vụ án, CQĐT và VKS quận Hai Bà Trưng cho rằng, việc ngày 17/3/2010, ông Trần Văn Thắng mang xe ô tô mượn của ông Trần Văn Tấn đến nhà chị Oanh để cầm cố, vay tiền nhưng chị Oanh không giao tiền mà giữ chiếc xe này lại, đem gửi tại bãi gửi xe nên chị Oanh đã phạm tội “lừa đảo”. Nhưng, theo ý kiến của nhiều luật sư, quy kết việc chị Oanh giữ chiếc xe ô tô là phạm tội rõ ràng không thỏa đáng vì việc chị Oanh giữ chiếc xe này không phải là “chiếm đoạt tài sản”.

Trên thực tế, sau nhiều ngày gửi giữ xe, chị Oanh đã phải gọi điện cho Công ty sở hữu chiếc xe để yêu cầu đến lấy xe về cũng đã phản ánh rất rõ ý thức “không chiếm đoạt” cũng như hành vi giữ xe của chị Oanh không phải là chiếm đoạt tài sản. Nhưng, với chứng cứ pháp lý này khá rõ ràng này, không hiểu tại sao VKSND quận Hai bà Trưng vẫn truy tố chị Oanh về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (?).

Việc buộc tội đối với chị Oanh cũng dựa vào những lời khai khó tin của ông Trần Văn Thắng, người bị khởi tố về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Ông Thắng khai rằng, việc để lại chiếc ô tô đi mượn là để “vay tiền” nhưng thực tế lại không có giấy tờ đặt cọc, cầm cố hay vay tiền mà chỉ có giấy tờ “tự nguyện” để lại xe cho chị Oanh sử dụng.

Giấy tờ này chị Oanh đã cung cấp cho CQĐT để chứng minh việc ông Thắng để ô tô lại xuất phát từ chuyện muốn “thiết lập quan hệ tình cảm”. Song, chứng cứ quan trọng này lại không được tin bằng lời khái thiếu căn cứ của ông Thắng.

Ngoài tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” chị Oanh còn bị quy kết là “Cưỡng đoạt tài sản” của Cty CP thiết kế xây dựng và vận tải Đông Hà Nội vì việc chị Oanh đòi Cty này phải trả một khoản tiền 30 triệu đồng khi nhận lại xe. Đây là số tiền mà chị Oanh và chị Thủy, nhân viên Cty này đã thỏa thuận với nhau và chị Thủy đã giao cho chị Oanh vào ngày 21/8/2010 khi nhận lại chiếc xe.

Trong thực tế, không có một hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực nào đối với đại diện Cty Đông Hà Nội để Cty này phải đưa tiền cho chị Oanh mà hai bên đã thỏa thuận, thậm chí còn viết văn bản tự nguyện trả tiền. Khi nhân viên của Cty này được giới thiệu đến để nhận xe, chị Oanh còn yêu cần xuất trình giấy tờ chứng minh tư cách đại diện nhằm tránh trao nhầm xe cho người không phải là chủ sở hữu. Vì thế, việc Cty đưa tiền cho chị Oanh  là thỏa thuận không trái pháp luật.

Luật sư Đặng Quý Chuyên, VPLS Phạm Hồng Hải và Cộng sự cho rằng, trong vụ án này, các cơ quan tố tụng quận Hai Bà Trưng đã hình sự hóa các giao dịch dân sự, có thể dẫn đến oan sai nghiêm trọng. Vì thế, vụ án cần phải được xem xét lại một cách nghiêm túc.

Bình Minh

Đọc thêm