Những lưu ý quan trọng khi cúng cỗ tất niên

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tất niên không chỉ là dịp để gia đình quây quần, tổng kết năm cũ mà còn là thời điểm quan trọng để bày tỏ lòng biết ơn với tổ tiên. Tuy nhiên, việc chuẩn bị cỗ cúng tất niên cần được thực hiện cẩn thận để vừa đảm bảo sự trang nghiêm, vừa tránh những sai sót không đáng có. Từ việc chọn ngày giờ, sắp xếp lễ vật, đến những kiêng kỵ trong khi cúng, mỗi chi tiết đều mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc.
Ảnh: Nguyễn Hồng Thúy
Ảnh: Nguyễn Hồng Thúy

Theo GS.TS Từ Thị Loan - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, việc cúng tất niên thể hiện tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, là dịp để con cháu bày tỏ sự biết ơn đối với thế hệ đi trước đã duy trì nòi giống, dòng họ.

Ngoài ra, dân gian cũng quan niệm mâm cúng tất niên là để đón ông Công ông Táo, tổ tiên về nhà ăn Tết cùng con cháu, là dịp để cả gia đình sum họp ấm cúng, tổng kết cuối năm và cùng nhau đón giao thừa, bước sang năm mới.

Ngày giờ tốt để cúng tất niên 2025

Cúng Tất niên có thể cúng vào 30 tháng Chạp nếu là năm đủ và 29 tháng Chạp nếu là năm thiếu. Lễ cúng thường được diễn ra vào buổi trưa hoặc chiều tối. Nhưng những năm gần đây nhiều gia đình có xu hướng làm tất niên sớm hơn, có nghĩa là không nhất thiết là vào ngày 30 hay 29 Tết mà có thể là sớm hơn.

Năm nay không có ngày 30 tháng Chạp, Tất niên vào ngày 29 tháng Chạp (tức thứ 3 ngày 28 tháng 1 Dương lịch). Do đó, các gia đình có thể cúng Tất niên 2025 vào ngày 29 tháng Chạp. Tuy nhiên, tùy từng hoàn cảnh, mỗi người có thể chọn ngày giờ cúng Tất niên 2025 vào các ngày trước đó.

Theo các chuyên gia phong thủy, ngày tốt, giờ đẹp cúng Tất niên 2025 có thể vào ngày:

Ngày 26 tháng Chạp (tức 25/1/2025 dương lịch), tức ngày Giáp Ngọ, tháng Đinh Sửu, năm Giáp Thìn. Giờ đẹp ngày 26 tháng Chạp: Tý (23-1), Sửu (1-3), Mẹo (5-7), Ngọ (11-13), Thân (15-17), Dậu (17-19).

Ngày 29 tháng Chạp (tức 28/1/2025 dương lịch), tức ngày Đinh Dậu, tháng Đinh Sửu, năm Giáp Thìn. Giờ đẹp ngày 29 tháng Chạp: Tý (23-1), Dần (3-5), Mẹo (5-7), Ngọ (11-13), Mùi (13-15), Dậu (17-19).

Về cơ bản, cúng tất niên dù vào thời gian nào thì cũng chỉ có ý nghĩa là đón ông Táo, tổ tiên về nhà ăn Tết cùng con cháu, thể hiện sự sum họp, đoàn kết, ấm cúng của gia đình. Nhưng tốt nhất bạn nên cúng vào ngày cuối cùng trong năm để đúng với phong tục từ xưa nay cha ông truyền lại.

Những vật phẩm không thể thiếu trong lễ cúng tất niên

Trên bàn thờ gia tiên cần có những vật phẩm sau: Hương và đèn tượng trưng cho sự kết nối giữa âm và dương. Hương tượng trưng cho các vì sao, còn đèn đại diện cho Mặt trời và Mặt trăng. Trên bàn thờ, bạn cần chuẩn bị đủ 2 cây đèn để tạo sự cân đối và trang nghiêm cho nghi lễ. Các vật phẩm này giúp gia chủ tạo ra không gian linh thiêng.

Mâm ngũ quả gồm 5 loại quả khác nhau, mỗi loại mang một ý nghĩa tượng trưng cho các ước nguyện của gia chủ, từ cầu tài lộc đến cầu bình an. Các quả trong mâm phải là loại ăn được, đẹp mắt, không bị dập hay sâu.

Những món ăn trong mâm cỗ cúng tất niên

Các món trong mâm cỗ thay đổi tùy theo vùng miền, về cơ bản có những món sau:

Gà luộc: Gà là món ăn đặc trưng trong mâm cỗ cúng Tết, tượng trưng cho sự no đủ, may mắn và hạnh phúc.

Bánh chưng hoặc bánh tét: Đây là món ăn gắn liền với truyền thống và mang ý nghĩa của sự bền vững, đoàn viên.

Xôi gấc: Màu đỏ tươi của xôi gấc tượng trưng cho tài lộc, thịnh vượng trong năm mới.

Thịt kho tàu hoặc thịt đông: Thịt kho tàu thường có trong mâm cỗ miền Nam, còn thịt đông là món phổ biến ở miền Bắc, mang ý nghĩa của sự sum vầy, ấm áp.

Ở miền Bắc, mâm cỗ cúng tất niên rất chu đáo và tỉ mỉ, với những món ăn truyền thống mang đậm nét văn hóa cổ truyền. Ngoài những món ở trên, giò lụa, canh măng và dưa muối cũng là những món ăn quen thuộc.

Mâm cỗ cúng tất niên của người miền Trung lại có phần đơn giản hơn, các món đặc trưng gồm giò lụa, thịt gà, thịt heo và bánh tét. Đặc biệt, hành muối cũng là món ăn không thể thiếu.

Khác biệt với miền Bắc và miền Trung, mâm cỗ cúng tất niên của người miền Nam thường mang những món ăn đậm hương vị miền nhiệt đới. Với khí hậu ấm áp, mâm cỗ cúng miền Nam có sự phong phú và đa dạng hơn với những món như canh khổ qua - món ăn vừa đậm đà vừa có tác dụng thanh nhiệt, chả giò, thịt kho trứng, gỏi tôm thịt, và bánh tét ăn kèm với củ kiệu.

Ngoài mâm cỗ mặn, một số gia đình còn chuẩn bị mâm cỗ chay để cúng tổ tiên, bao gồm các món như miến xào chay, canh rau củ nấu chay, đậu phụ chiên xào nấm, và giò chay.

Thông thường, mâm cỗ mặn sẽ được bày ở một chiếc bàn con, đặt dưới bàn thờ chính để tạo sự tôn nghiêm, trang trọng. Các vật phẩm khác như mâm ngũ quả, hoa tươi và vàng mã nên được đặt ở trên bàn thờ, tạo sự cân đối và thể hiện lòng thành kính của gia đình.

Lưu ý khi cúng Tất niên 2025

Cũng như các lễ cúng khác trong năm, cúng tất niên dù không cần phải quá trang trọng nhưng gia chủ cần phải lưu ý một số điều. Dù tất niên không cần phải quá cầu kỳ, trang trọng nhưng cũng không vì thế mà chuẩn bị sơ sài. Tùy vào điều kiện gia đình mà gia chủ có thể chuẩn bị mâm cúng ít hay nhiều nhưng ít nhất cũng phải có những món ăn truyền thống ngày Tết và được chuẩn bị, bày biện một cách chu đáo, sạch sẽ.

Để lễ cúng tất niên thành kính trang nghiêm, trước khi làm lễ cúng này, các gia đình cần dọn dẹp bàn thờ, nhà cửa cho thật sạch sẽ.

Tất niên là bữa cơm sum vầy của gia đình vì vậy cần phải có đầy đủ các thành viên trong nhà để thể hiện sự sum họp, ấm cúng.

Tất niên chính là thời điểm các gia đình sum vầy, đoàn tụ sau một năm làm việc vất vả, nhất là những gia đình có con cái đi làm ăn xa nhà. Vì vậy, không nên cãi nhau, chửi mắng mà thay vào đó nên nói những chuyện vui và những điều tốt lành.

Cúng Tất niên 2025 ngoài trời hay trong nhà?

Theo các chuyên gia văn hóa, thông thường lễ cúng tất niên sẽ được diễn ra ở bàn thờ gia tiên, Thần linh trong mỗi gia đình. Trước ngày cúng tất niên, các gia đình thường sẽ dọn dẹp, bày biện lại bàn thờ cho sạch sẽ, tươm tất.

Đến ngày cúng tất niên, mọi thành viên trong gia đình sẽ cùng quây quần, nấu bữa cơm ngày cuối năm để dâng lên Thần linh, gia tiên. Và nếu gia đình nào khá giả thì có thể thêm một lễ cúng tất niên ở ngoài sân, ngoài trời, tuy nhiên điều này là không bắt buộc.

Khi mâm cỗ đã được chuẩn bị xong, người lớn tuổi trong gia đình hoặc chủ nhà sẽ thắp hương và đọc văn khấn. Những người còn lại sẽ làm lễ theo. Lễ cúng này là tấm lòng thành của con cháu, gửi gắm lời mời ăn Tết tới các thần linh, tổ tiên, cầu mong một năm mới an lành, thịnh vượng.

* Thông tin trong bài chỉ mang tính tham khảo