Những lưu ý trước kỳ thi tốt nghiệp 2013

Chỉ còn vài ngày nữa, hơn 946.000 học sinh lớp 12 và giáo dục thường xuyên (GDTX) cả nước sẽ bước vào kỳ tốt nghiệp năm 2013 (kỳ thi diễn ra trong 3 ngày 2,3,4/6). Thí sinh cần lưu ý gì để tránh những sai lầm đáng tiếc?

Chỉ còn vài ngày nữa, hơn 946.000 học sinh lớp 12 và giáo dục thường xuyên (GDTX) cả nước sẽ bước vào kỳ tốt nghiệp năm 2013 (kỳ thi diễn ra trong 3 ngày 2,3,4/6). Thí sinh cần lưu ý gì để tránh những sai lầm đáng tiếc?

Sẽ thanh tra đột xuất những điểm “ nóng”

Ông Ngô Kim Khôi, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết: Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho kỳ thi về cơ bản đã sẵn sàng. Về coi thi, chúng tôi đã hướng dẫn lực lượng thanh tra của các sở GD-ĐT bố trí cứ 7-10 phòng thi có 1 thanh tra cắm chốt.

Đồng thời, Bộ tổ chức 10 đoàn thanh tra lưu động không báo trước, sẽ thanh tra đột xuất tập trung vào những địa bàn “nóng” có nhiều vấn đề cần thanh tra, giám sát.

Ảnh: Đề thi bám sát chương trình lớp 12
Ảnh: Đề thi bám sát chương trình lớp 12

Quá trình chấm thi cũng được giám sát chặt chẽ, nếu trong quá trình thanh tra, phát hiện có dấu hiệu làm bài tập thể, thì cán bộ coi thi và thanh tra tại chỗ chắc chắn sẽ bị xử lý nghiêm.

Về chấm thi, Bộ sẽ chấm kiểm tra 5% bài thi tự luận/tổng số bài thi tự luận, để tham mưu cho hội đồng thi có phương án chấm chính xác, khách quan và công bằng. Ngoài ra, Bộ còn thành lập hội đồng chấm thẩm định, giám sát việc chấm hai vòng độc lập của các hội đồng thi.

Thí sinh chỉ được mang vào phòng thi bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính, máy tính bỏ túi không có thẻ nhớ cắm thêm vào và không soạn thảo được văn bản, Atlat Địa lí Việt Nam đối với môn thi Địa lí do NXB Giáo dục Việt Nam ấn hành, không được đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung gì.

Bộ trưởng “ bật mí” đề thi

Giải đáp quan tâm của các sĩ tử và phụ huynh, tại chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã “bật mí” về định hướng ra đề thi tốt nghiệp PTTH và tuyển sinh ĐH năm nay. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, cả 2 kỳ thi đều ra đề thi nằm trong chương trình THPT, nằm nhiều ở chương trình lớp 12.

Đề thi sẽ được ra một cách căn bản, không đánh đố học sinh. Với những môn khoa học xã hội - nhân văn sẽ ra đề theo hướng mở và không yêu cầu học sinh phải học thuộc lòng một cách máy móc.

Đề thi về cơ bản thuộc chương trình THPT, trọng tâm lớp 12, đề sẽ kiểm tra kiến thức cơ bản và không quá dài, không đánh đố. Trừ các môn Ngoại ngữ, đề thi của các môn vẫn tiếp tục có hai phần: Phần bắt buộc (phần chung) là nội dung kiến thức giao thoa giữa chương trình chuẩn và nâng cao; Phần tự chọn (phần riêng) ra theo nội dung kiến thức của chương trình chuẩn hoặc nâng cao.

Đối với đề thi có phần tự chọn, thí sinh chỉ được làm bài một trong hai phần tự chọn; nếu thí sinh làm bài cả hai phần tự chọn thì không được chấm điểm cả hai phần tự chọn. Đặc biệt là đề thi năm nay sẽ không ra vào phần kiến thức mà Bộ GD-ĐT đã “giảm tải”.

Đề thi sẽ có khoảng 50% điểm số dành cho các câu hỏi thông hiểu, vận dụng kiến thức. Theo đó, thí sinh đủ điều kiện dự thi nếu cố gắng, chăm chỉ, học tập và ôn luyện thì có thể làm bài thi đạt điểm trung bình để đỗ tốt nghiệp.

Về thông tin có hay không lệ phí “chống trượt” trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2013, ông Vũ Đình Chuẩn- Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD- ĐT khẳng định ngoài lệ phí thi tốt nghiệp THPT mà Bộ GD- ĐT ban hành, TS không phải nộp các khoản phí nào khác. Địa phương, nhà trường nào làm trái sẽ bị Bộ GD- ĐT xử lý theo quy định.

 “Nóng” quy định mang thiết bị ghi hình vào phòng thi

Từ thực tế xảy ra ở Hội đồng thi Trường THPT Đồi Ngô, Bắc Giang năm trước, Bộ GD-ĐT bổ sung quy định cho thí sinh các loại máy ghi âm và ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin mà không truyền được thông tin và không nhận được tín hiệu âm thanh và hình ảnh trực tiếp nhằm tăng thêm một kênh giám sát tiêu cực trong phòng thi.

Bộ GD-ĐT cho biết, quy định mới cho phép thí sinh được mang vào phòng thi “các loại máy ghi âm và ghi hình chỉ có chức năng thông tin mà không truyền được thông tin và không nhận được tín hiệu âm thanh và hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác”.

Để thống nhất việc thực hiện quy định mới này Bộ GD-ĐT đã có công văn hướng dẫn kiểm tra các loại máy ghi âm và ghi hình mang vào phòng thi. Cụ thể, các loại thiết bị nêu trên phải: Không có loa và tai nghe; Không có màn hình hiển thị hình ảnh; Không có bộ phận chức năng truyền thông tin (Bluetooth, wifi…”.

Cũng theo Bộ GD-ĐT, trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có điều gì chưa rõ, giám thị báo cáo lãnh đạo để Hội đồng thi xem xét, xác minh.

Trước đó, trong buổi gặp gỡ báo chí, ông Phạm Ngọc Trúc - Phó Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT chia sẻ: “Việc khi mang thiết bị ghi âm gi hình, thí sinh phải thông báo trước để kiểm tra không có gì là sai với chủ trương của ngành. Bởi cách làm này nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình làm việc”.

Tuy nhiên, cách làm này sẽ dẫn đến việc khuyến khích việc tố cáo tiêu cực trong thi cử nhưng người mang thiết bị vào phòng thi lại phải công khai danh tính (thể hiện việc đăng ký mang thiết bị vào phòng thi - PV). Sau khi nhận thấy bất cập này, Bộ GD-ĐT đã có công văn khẳng định: Các Hội đồng coi thi không yêu cầu thí sinh phải đăng ký khi mang các thiết bị nói trên vào phòng thi.

Uyên Na

Đọc thêm