Những mặt trái đầy gai góc trong “Làng Việt thời hội nhập"

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Các truyện ngắn dự thi "Làng Việt thời hội nhập" đã góp phần khái quát nên bức tranh chân thực, sống động, đa sắc... về làng quê Việt trong thời hội nhập.
Những mặt trái đầy gai góc trong “Làng Việt thời hội nhập"

Ngày 11/11/2021, Hội Nhà văn Việt Nam, Ban Văn học nghệ thuật VOV6 - Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Nông thôn ngày nay phối hợp tổ chức lễ trao giải cuộc thi viết truyện ngắn "Làng Việt thời hội nhập".

Ban tổ chức bắt đầu nhận tác phẩm dự thi từ tháng 2-2019 đến tháng 2-2021 với 1.256 truyện ngắn của rất nhiều tác giả thuộc nhiều thành phần, độ tuổi, nghề nghiệp...

Nhiều tác phẩm đã có những góc nhìn, góc khai thác đầy nhân văn, nhân bản về những vùng đất, con người, câu chuyện, sự việc... rất thân quen nhưng cũng đầy mới mẻ. Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều tác phẩm đi sâu vào phản ánh những mặt trái đầy gai góc và trần trụi về sự thay đổi của làng quê Việt Nam và cả thân phận của người nông dân phía sau lũy tre làng.

Giải Nhì cho đại diện 2 tác giả Nguyễn Thị Minh Thúy và Lê Ngọc Hạnh.

Giải Nhì cho đại diện 2 tác giả Nguyễn Thị Minh Thúy và Lê Ngọc Hạnh.

Sau quá trình chấm chọn, Ban tổ chức đã lựa chọn được 16 truyện ngắn xuất sắc để trao các hạng mục giải thưởng. Giải Nhất thuộc về truyện ngắn "Con chú con bác" của tác giả Trần Chiến; giải Nhì được trao cho "Xóm cồn" của tác giả Nguyễn Thị Minh Thúy và "Cô Sáu Cam" của tác giả Lê Ngọc Hạnh. Bên cạnh đó còn có 3 giải Ba và 10 giải Tư.

Trưởng ban giám khảo Hội đồng chung khảo, nhà văn Nguyễn Bình Phương nhận định: “Truyện “Con chú con bác” của tác giả Trần Chiến có lối kể chuyện theo kiểu cổ điển. Nghệ thuật kể chuyện không có sự cống hiến mới. Nhưng truyện đã đề cập, mổ xẻ và tìm ra một phần quan trọng nguyên nhân sự rạn nứt của nông thôn. Truyện chứa đựng tư tưởng sâu, thấy được sự xáo trộn là từ bên ngoài, với sự xâm nhập của các hệ tư tưởng, các quan điểm sống vênh lệch khiến cho nó rạn nứt, biến chuyển ghê gớm. Truyện đạt độ hoàn hảo, đáp ứng được sát các tiêu chí của cuộc thi".

Ban tổ chức tập hợp các tác phẩm đạt giải cuộc thi in thành cuốn sách mang tên "Thổn thức gió đồng".

Ban tổ chức tập hợp các tác phẩm đạt giải cuộc thi in thành cuốn sách mang tên "Thổn thức gió đồng".

Ông Lưu Quang Định, Tổng biên tập Báo Nông thôn Ngày nay, Báo điện tử Dân Việt chia sẻ: "Có người nói rằng: “Trong thời buổi hội nhập sâu rộng trên nhiều lĩnh vực của đời sống, làng quê Việt đang thay đổi chóng mặt từng ngày thì cuộc thi “Làng Việt thời hội nhập” đã góp phần giúp người thành thị hiểu hơn về làng quê, giúp người quê hiểu và sống đầy đủ hơn với chính mình”.

Tuy nhiên, chúng tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng, ai trong mỗi chúng ta cũng lớn lên với một làng quê. Dẫu sinh ra và lớn lên ở phố thị thì nguồn gốc của chúng ta vẫn là nông dân, vẫn là người quê. Vì lẽ đó, dẫu mọi thứ đổi thay tới đâu thì tình yêu dành cho làng quê trong những góc sâu thẳm nhất của tâm hồn vẫn luôn tồn tại như một mạch ngầm xuyên suốt không gian và thời gian.

Và chúng ta không được phép để văn chương về nông thôn, về làng quê Việt “trôi dạt” theo lãng quên của đời sống hiện đại. Trong những đổi thay của thời cuộc, người nông dân và làng quê Việt phải càng được quan tâm nhiều hơn và phải có một chỗ đứng xứng đáng trong dòng chảy văn chương nước nhà".

Nhân dịp này, Ban tổ chức tập hợp các tác phẩm đạt giải cuộc thi in thành cuốn sách mang tên "Thổn thức gió đồng". Cuốn sách như một bức tranh phong phú với nhiều gam màu phong phú về làng quê Việt.