Những ngư dân nặng lòng với biển

(PLO) - Bão tố, cường độ lao động cao rồi sự cố tàu cá khiến nhiều lao động nghề biển chùn bước, bỏ nghề song vẫn có nhiều ngư dân nặng lòng với biển. Cha truyền, con nối, từ những kinh nghiệm đánh bắt được cha dạy, thế hệ những người con tiếp tục ra khơi đánh cá, giữ chủ quyền biển đảo. Khi đánh cá, với ngư dân, mẻ lưới vài chục tấn cá thực sự trở thành một kỳ quan hấp dẫn trên biển cả.
Cha con ông Trung đều hào hứng theo nghề biển

Vẫn cha truyền, con nối làm ngư dân 

Khi các làng chài trong cả nước lao đao vì thiếu ngư dân thì riêng gia đình ông Cao Trung (ở xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) có tới 4 người lao động, chiếm nửa quân số ngư dân trên tàu cá QNg 90292 TS. Ông Trung là ngư dân kỳ cựu, 14 tuổi đi biển, 18 tuổi đã thành thuyền trưởng và được nhiều chủ tàu các tỉnh phía Nam thuê làm tài công.

Giờ ở tuổi 56, khi ánh mắt không còn tinh nhanh vì những đêm thức trắng soi mặt biển tìm luồng cá, ông Trung quyết định truyền nghề lại cho 3 con trai. Tàu cá ông Trung trước hành nghề câu cá mập, giờ chuyển sang nghề câu cá ngừ đại dương. Khắp con tàu, từ trên mái ca bin đến gầm máy đều dắt lủng lẳng những chiếc lưỡi câu to như ngón tay. 2 phiên biển gần đây, bạn chài trên tàu ông được chia phần 35 triệu đồng/người, nên mọi người phấn khởi.

Cả cuộc đời làm biển, ông Trung đã làm việc trên 7 con tàu cho đến khi dành dụm được tiền mua tàu cá QNg 90292 TS. Là người có nhiều kinh nghiệm nên khi vươn khơi ông Trung thường đánh bắt được những mẻ cá lớn. Cách đây vài năm, tàu ông đã đánh trúng bầy cá lớn, phải kéo 2 ngày mới hết. Tổng cộng tiền bán cá mẻ lưới đó là 2,4 tỷ đồng. Mỗi ngư dân đi bạn được chia phần vài chục triệu đồng.

Dù giới trẻ hiện nay không mặn mà với nghề lao động trên biển nhưng ông Trung lại hướng cho cả 3 cậu con trai theo nghề biển. Các con ông, cứ 17-18 tuổi đã được cha đưa lên tàu học nghề. Hiện con trai cả của ông được ông phong chức thuyền phó dù tàu cá không có chức danh này để nối nghiệp cha. Cậu con trai thứ hai là một ngư dân lành nghề, còn cậu út mới lên tàu được vài tháng. 

Ông Trung cho biết: “Để trở thành một thuyền trưởng giỏi thực thụ, ngoài việc hiểu biết về ngư trường và phương pháp đánh bắt thì việc chăm sóc con tàu rất quan trọng. Định kỳ một năm, tàu phải dỡ máy ra làm lại giàn hơi, điều chỉnh sú-pắp, thay bạc pít - tông... Mỗi năm dù có thua lỗ, mỗi tàu cũng phải bỏ ra khoảng 20 triệu đồng để tu bổ giàn hơi. Định kỳ 6 tháng một lần, phải kéo tàu lên đà để làm nước. Như vậy, bình quân trong một năm, nếu chủ tàu dành ra 50 triệu đồng tu bổ con tàu thì lúc ra khơi đánh bắt sẽ không còn lo trục trặc kỹ thuật”.

Nói về 3 đứa con của mình bà Trịnh - vợ thuyền trưởng Cao Trung vui vẻ cho biết: “Bạn trên tàu khen thằng lớn làm vững lắm, thay thuyền trưởng cầm lái chạy ngon lành. Thằng giữa làm biển ngon rồi. Còn thằng út vừa mới đi thôi nhưng cũng học rất nhanh. Nó rất sáng dạ nên cỡ chừng năm nữa là thông thạo nghề đánh bắt trên biển”.

Ngư dân ướp đá mẻ cá ngừ đại dương mới đánh được

Hăm hở quăng lưới giữa biển khơi

Thời tiết tháng Giêng khá “đỏng đảnh” khiến biển động, các loại cá nổi lên mặt biển nhiều. Tàu nào may mắn trúng luồng cá lớn. Nếu trời có gió cấp 4, cấp 5, biển gợn sóng thì ngư dân đánh càng được nhiều cá. Trong lúc sóng to, gió mạnh, mặt biển nhấp nhô, tàu cá QNa 91327TS của Thuyền trưởng Nguyễn Văn Tiến (ở Quảng Ngãi) vây được một đàn cá.

Giữa đêm tối, con tàu tắt điện, bung lưới chạy một cung tròn rất to phía trước mũi tàu, vãi hàng phao xốp trắng loáng nổi bồng bềnh trên mặt biển, vây chặt đàn cá đang chụm về vùng ánh sáng chói lóa từ chiếc đèn đặt trên một chiếc thúng để nghi binh. 

Khi đánh lưới, thuyền trưởng phải canh nước, canh gió để lưới không chui qua bụng tàu, vướng vào chân vịt. Khi quây cá, ngư dân luôn giữ cho lưới căng ra như một chiếc hồ nổi giữa biển vì nếu lưới xếp vào thì cá chen chúc nhau sẽ nhanh chết. Thuyền trưởng canh chừng cho lườn tàu luôn di chuyển nhẹ để lưới căng rộng và dài. Các ngư dân với cánh tay trần, cơ bắp nổi cuồn cuộn vỗ tay hò reo mỗi lần túi cá từ dưới biển nhô lên mặt nước với tiếng cá giãy ào ào. Cá sống nhảy tanh tách được xúc lên và đổ ngay xuống hầm tàu rồi trút đá ướp lạnh.

Ông Trương Văn Chín (ở xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) là chủ tàu cá vỏ thép QNg 94749TS. Phiên biển đầu tiên của năm, tàu đang hành nghề ở quần đảo Trường Sa thì nhận được tin nhắn của tàu đi câu về luồng cá nổi (ngư dân hay gọi là cá cây) ở tận khu vực đường hàng hải quốc tế cách Trường Sa trên gần 300 hải lý, liền lập tức đi ngay.

Đến “trận địa” đánh bắt, tàu ông Chín buông lưới. Mẻ lưới vài chục tấn cá thực sự trở thành một kỳ quan hấp dẫn trên biển cả. Do cá quá nhiều, tàu bị trục trặc máy kéo nên cá dính lưới chết chìm xuống đãy lưới. Chiến thuật vây lưới và nuôi cá nổi giữa biển của các ngư dân không thành công.

Vậy là ông Chín giao tay lái tàu cho người khác rồi lao xuống để sử dụng phao kích. Bọc lưới nặng vài chục tấn kéo nghiêng con tàu về một bên. Các ngư dân phải ôm can nhựa lặn xuống dưới lưới, sau đó kéo dây hơi xuống để thổi nước ra, đóng nắp can. Rất nhiều can nhựa được thúc dưới túm cá khổng lồ đã giúp nâng bịch cá để ngư dân xúc từng mẻ vào hầm tàu chở vào đất liền.

“Tàu vỏ thép gần như có thể đi vòng tròn quanh Biển Đông, di chuyển hàng trăm hải lý để đuổi theo từng luồng cá. Khi gặp sóng to, gió mạnh thì tàu đè sóng, vượt sóng dễ dàng” - ông Chín tự hào khoe.

Đọc thêm