Những người giữ vốn đờn ca tài tử và cải lương miền Nam

(PLVN) -  Từ nhiều năm qua, có những người vẫn âm thầm đem những hoạt động tích cực, hữu ích để gìn giữ vốn quý của đờn ca tài tử và cải lương miền Nam.
Biểu diễn đờn ca tài tử tại khu du lịch Bình Quới.

Chung tay phát triển đờn ca tài tử

Từ năm 2013, nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ đã được thế giới vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Từ nhiều năm nay, các địa phương trên cả nước, đặc biệt là 21 địa phương có đờn ca tài tử đã có những hoạt động tích cực nhằm gìn giữ nghệ thuật cổ truyền này.

Theo thống kê năm 2020, TP HCM có 292 câu lạc bộ, đội nhóm đờn ca tài tử với 3.017 thành viên, trong đó có bốn nghệ nhân ưu tú, hai nghệ nhân nhân dân. Con số này là khá hùng hậu so với các tỉnh, thành Nam Bộ khác. TP HCM cũng là một nơi có nhiều hoạt động sôi nổi và nhiều chương trình, kế hoạch gìn giữ nghệ thuật đờn ca tài tử.

Tại TP HCM, nhiều người biết đến nhóm đờn ca tài tử trẻ Cội Xưa do Thạc sĩ Phạm Thái Bình – Hội viên Hội văn nghệ dân gian Việt Nam xây dựng. Anh Phạm Thái Bình là một người tâm huyết với việc gìn giữ vốn quý đờn ca tài tử. Từ hàng chục năm trước, anh Bình đã đặt sự quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy giá trị của đờn ca tài từ, trong đó hạt nhân là đào tạo đội ngũ kế thùa.

Nhóm Cội Xưa được anh Bình xây dựng từ khi thành viên trong nhóm còn nhỏ tuổi. Đồng thời mỗi năm anh Bình đều mở các lớp đờn ca tài tử, với các độ tuổi khác nhau, trong đó có cả các em thiếu nhi.

Hiện, nhóm Cội Xưa có những hoạt động khá sôi nổi, tham gia không ít các sự kiện văn hóa lớn nhỏ của thành phố, được coi là một trong những nhóm đờn ca tài tử trẻ “hạt nhân” của TP HCM.

Những năm qua, đờn ca tài tử đã xuất hiện nhiều ở các chương trình nghệ thuật quảng bá văn hóa, phục vụ các sự kiện văn hóa, chính trị, xã hội, tham gia liên hoan đờn ca tài tử… Đồng thời, nhiều khu du lịch ở TP HCM đã đưa bộ môn nghệ thuật này vào biểu diễn phục vụ du khách.

Như tại Làng du lịch Bình Quới, vào các ngày cuối tuần sẽ có đờn ca tài tử kết hợp trong chương trình buffet ẩm thực “Khẩn hoang Nam Bộ”. Vào ngày rằm hằng tháng, Bảo tàng Áo dài TP HCM của nghệ sĩ Sỹ Hoàng đã tổ chức chương trình ngắm trăng, giao lưu đờn ca tài tử, kết hợp thưởng thức bánh quê, cháo đậu… Theo ghi nhận từ phía các đơn vị, từ khi đưa vào hoạt động đờn ca tài tử, lượng khách đông hơn và khách cũng bày tỏ sự hứng thú trước hoạt động này.

Hiện nay, nhiều địa phương đã tổ chức được các câu lạc bộ (CLB) nghệ thuật đờn ca tài tử. Một số địa phương cũng đã có những chương trình, kế hoạch hiệu quả để phát triển đờn ca tài tử.

Đơn cử như Bà Rịa - Vũng Tàu, từ năm 2018, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Ban đầu, cả tỉnh chỉ có vài CLB đờn ca tài tử, đến nay đã hình thành và phát triển được 25 CLB sinh hoạt thường xuyên rộng khắp trên địa bàn. Ngoài việc tổ chức sinh hoạt mang tính nội bộ, trình diễn phục vụ nhân dân vào các dịp lễ, hội, một số CLB đã tổ chức được hình thức kết bạn giao lưu và đặc biệt là tổ chức trình diễn định kỳ hàng tháng: Chương trình “Đêm biển gọi” tại thị trấn Long Hải, huyện Long Điền; “Đêm trăng rằm” của phường Phước Nguyên, TP Bà Rịa; “Điểm hẹn Sông Dinh” của CLB đờn ca tài tử Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh...

Hậu Giang cũng là một tỉnh có nhiều hoạt động mạnh mẽ nhằm hướng đến bảo tồn đờn ca tài tử. Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2015 - 2020 đã gặt hái được nhiều thành công. Tiếp sau đó, tỉnh tiếp tục xây dựng đề án cùng tên của giai đoạn 2022 - 2025, với mục tiêu đưa nghệ thuật đờn ca tài tử đi vào chiều sâu, có sức lan tỏa sâu rộng...

Tại tỉnh Bạc Liêu, một trong những “cái nôi” của đờn ca tài tử, nhiều năm qua, tỉnh tổ chức tuyên truyền sâu rộng về sự đóng góp của nghệ thuật cải lương, đờn ca tài tử vào kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc. Trên địa bàn tỉnh có công trình Nhà hát Cao Văn Lầu, nơi diễn ra các hoạt động đờn ca tài tử đặc sắc, các vở diễn thực cảnh đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa cho các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Đây cũng là nơi các Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT), Nghệ sĩ nhân dân (NSND) trên địa bàn tỉnh tham gia truyền dạy nghệ thuật ca cổ, cải lương, truyền dạy cho các thế hệ sau.

Những người “giữ lửa” cải lương

Nhắc đến cải lương, cần phải nhắc đến tên của những nghệ sĩ gạo cội đang tích cực hoạt động nghệ thuật, đưa cải lương đến công chúng, như: NSND Bạch Tuyết, NSND Kim Cương, NSƯT Thanh Điền, NSND Lệ Thủy, NSƯT Diệu Hiền và các thế hệ những nghệ sĩ sau này đang tích cực “phát dương quang đại” cải lương như: Ngọc Huyền, Linh Tâm, Thoại Mỹ, Quế Trân, Kim Tử Long, Bình Tinh, Thanh Ngân, Lê Tứ, Hồ Minh Đương, Võ Minh Lâm…

NSND Bạch Tuyết, một trong những người tích cực gìn giữ, phát triển nghệ thuật cải lương.

Những nghệ sĩ này không chỉ tích cực trong hoạt động nghệ thuật, thường xuyên tham gia các vở diễn, các hội thi nghiệp vụ, mà còn rất nhiệt huyết trong việc tham gia công tác tập huấn, giảng dạy, “truyền lửa” cho thế hệ sau.

Một điểm đặc biệt của nghệ sĩ cải lương TP HCM là rất “bắt kịp” nhịp công nghệ. Cho đến nay, hầu hết các nghệ sĩ cải lương danh tiếng đã đưa cải lương lên mạng nhằm tiếp cận công chúng, dùng mạng xã hội để góp phần lan tỏa tình yêu cải lương.

Như NSND Bạch Tuyết xấp xỉ 80 tuổi, người nghệ sĩ được mệnh danh “Cải lương chi bảo” của người Việt vẫn đầy năng nổ, nhiệt huyết với nghề. Bà tham gia vào các hoạt động tương tác của người trẻ, hợp tác với những dự án “hòa nhịp” giữa nhạc trẻ và cải lương nhằm đưa cải lương “trẻ hóa”. Bà cũng là một trong những nghệ sĩ tiên phong đem cải lương lên mạng. Suốt nhiều năm qua, Bạch Tuyết đã thực hiện rất nhiều dự án để phát triển cải lương, đưa nghệ thuật cải lương gần hơn với công chúng.

Từ 4 - 5 năm trước, NSND Bạch Tuyết đã lập kênh riêng có tên Nghệ sĩ nhân dân Bạch Tuyết trên YouTube để tải lên những clip cải lương tự thu âm, cover các ca khúc nhạc trẻ đang được yêu thích qua hình thức ca vọng cổ. Kênh của Bạch Tuyết thu hút rất nhiều bạn trẻ xem. Có clip đạt vài trăm ngàn lượt xem, lọt vào top thịnh hành của Youtube. Nhiều khán giả trẻ còn có thói quen hễ có ca khúc nhạc trẻ nào mới và vào Youtube “đặt hàng” Bạch Tuyết cover thành cải lương. NSND Bạch Tuyết đã thông qua mạng xã hội để giao lưu trực tiếp với khán giả nhằm chia sẻ về “lửa nghề”, về tình yêu cải lương, về cái hay, cái đẹp của cải lương.

Còn có hàng loạt kênh kênh trên Youtube, Tiktok, Facebook... của hàng loạt nghệ sĩ cải lương gạo cội: NSƯT Thanh Điền lập kênh Youtube Thanh Điền - Thanh Kim Huệ, NSND Lệ Thủy lập Fanpage, NSƯT Diệu Hiền, Ngọc Huyền, Linh Tâm, Thoại Mỹ, Quế Trân, Kim Tử Long, Bình Tinh, Thanh Ngân, Lê Tứ, Hồ Minh Đương, Võ Minh Lâm… Những kênh mạng này đang là công cụ đắc lực để các nghệ sĩ “truyền lửa” nghề đến công chúng, khiến cải lương trở nên gần gũi hơn, nhiều sức sống hơn.

Tiếp bước các nghệ sĩ, nhiều bạn trẻ đã có những hoạt động ý nghĩa nhằm bảo tồn và phát triển cải lương.

Tại TP HCM, người ta biết nhiều đến YUME Art Project, nhóm dự án đã có rất nhiều hoạt động thú vị, hữu ích đưa cải lương tiếp cận người trẻ. Nhóm đã thực hiện dự án “Cùng cộng đồng kể chuyện cải lương”, đồng hành cùng British Council - Hội đồng Anh. Dự án khai thác câu chuyện, góc nhìn của các nghệ sĩ, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực cải lương thông qua một cách tiếp cận mới là podcast. Một hoạt động khác của dự án là chiến dịch “Cộng đồng kể chuyện cải lương”, nhằm khai thác ký ức tập thể về cải lương trong cộng đồng, kêu gọi khán giả đóng góp những câu chuyện, chia sẻ ký ức về cải lương, những bài học và giá trị nhận được từ các tác phẩm đặc sắc. Còn có dự án dự án Tiếp bước trăm năm truyền dạy cải lương miễn phí cho trẻ em và thanh, thiếu niên...

Mới đây, Art Project tiếp tục mang đến cho những người yêu mến cải lương một trải nghiệm hoàn toàn mới với việc xây dựng vở cải lương thể nghiệm Đợi Kiều (kịch bản - đạo diễn: Tiến sĩ Đào Lê Na, chuyển thể cải lương: Tiến sĩ Lê Hồng Phước), kỳ vọng sẽ đem lại một cảm nhận mới về Truyện Kiều và hướng tiếp cận mới cho sân khấu cải lương.

Có thể thấy, nhiều con người, nhiều địa phương đã và đang rất tích cực trong bảo tồn đờn ca tài tử và cải lương, những di sản văn hóa của dân tộc. Tất nhiên, đây đó vẫn còn những điều hạn chế, những thứ chưa thực hiện được. Nhưng tin rằng, với nỗ lực và tâm huyết của nhiều thế hệ, đờn ca tài tử, cải lương sẽ giữ được sức sống mạnh mẽ trong đời sống văn hóa của nhân dân, sẽ phát triển, trường tồn cùng dân tộc.

Đọc thêm