Những người phụ nữ “đặc biệt” ghi dấu ấn lịch sử trên không gian

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Mới đây, tỉ phú Richard Branson, đồng sáng lập Công ty vũ trụ Virgin Galactic có chuyến du hành đầu tiên lên không gian cùng các cộng sự, trong đó đặc biệt có sự xuất hiện của 2 người phụ nữ là Colin Bennett và Sirisha Bandla.
Phi hành đoàn trên chuyến bay lịch sử tới rìa không gian.
Phi hành đoàn trên chuyến bay lịch sử tới rìa không gian.

Kỳ vọng phát triển du lịch không gian vũ trụ

Tàu vũ trụ VSS Unity của Công ty Virgin Galactic (Anh - Mỹ) đã cất cánh từ sân bay vũ trụ Spaceport America ở Las Cruces, tiểu bang New Mexico, Mỹ, trong ngày 11/7. Tàu chở theo tỉ phú Anh Richard Branson, cùng 2 phi công Dave Mackay, Michael Masucci và 3 nhân viên của Galactic - gồm Beth Moses, Colin Bennett và Sirisha Bandla - đã sượt qua rìa không gian trước khi quay trở lại trái đất chỉ một giờ sau cất cánh.

Doanh nhân người Anh này đã thử làm rất nhiều điều trong cuộc đời, từ vượt Đại Tây Dương bằng xuồng máy trong thời gian kỷ lục tới chu du thế giới bằng khinh khí cầu. Tuy nhiên, chuyến du hành vũ trụ của ông ngày 11/7 là điều tuyệt vời nhất. Chuyến bay là bước ngoặt mới với Virgin Galactic và sẽ giúp nhân loại tiến gần hơn tới kỷ nguyên du lịch vũ trụ thương mại.

Du lịch vũ trụ từ lâu đã là tham vọng của ông Branson. Dự án vũ trụ của ông thông qua Tập đoàn Virgin Group đã thực hiện nhiều hoạt động. Ông đã thành lập Công ty Virgin Galactic năm 2004, khi ngành vũ trụ tư nhân đang bắt đầu trở nên cạnh tranh. Đến nay, Công ty đã bán khoảng 600 vé cho khách hàng đặt trước, giá khoảng 250.000 USD/vé. Vẫn còn 3 chuyến bay thử nghiệm (bao gồm chuyến bay của Branson) trước khi dịch vụ du lịch của Virgin Galactic thực sự sẵn sàng.

Doanh nhân tỉ phú Anh Branson Richard gọi chuyến đi là “trải nghiệm của một đời người”, ông thành người đầu tiên trong số những người tiên phong của lĩnh vực du lịch vũ trụ mới thử nghiệm phương tiện riêng của mình, đánh bại Jeff Bezos của Amazon và Elon Musk của SpaceX.

Những người phụ nữ làm nên điều kỳ diệu

Tuy nhiên, điều đặc biệt của chuyến bay này chính là 2 người phụ nữ. Trong đó, Colin Bennett là kỹ sư vận hành chính của Công ty, giúp đánh giá trải nghiệm tổng thể và đảm bảo thiết bị cabin ở trạng thái tốt.

Còn cô Sirisha Bandla là Phó Chủ tịch phụ trách các vấn đề chính phủ và nghiên cứu của Virgin Galactic. Virgin Galactic thường xuyên bay thử nghiệm để tận dụng môi trường vi trọng lực và trong chuyến bay này, cô Bandla tham gia thực hiện một dự án nghiên cứu của Đại học Florida liên quan đến việc xử lý “ống cố định cầm tay” đối với chuyến đi này.

Được biết, cô Sirisha Bandla là người phụ nữ thứ hai sinh ra ở Ấn Độ lên vũ trụ. Người đầu tiên là Kalpana Chawla, đã tử nạn trong sự cố tàu con thoi Columbia khi quay trở lại trái đất vào năm 2003.

Sirisha Bandla vốn là người yêu thích không gian, là Phó Chủ tịch phụ trách các vấn đề chính phủ của Virgin Galactic. Ông nội của Bandla nói với Reuters rằng “ngay từ nhỏ, cô đã bị thu hút bởi bầu trời, nhìn ngắm bầu trời, không gian, cách đi vào không gian và những gì thuộc về nơi đó”. Đầu tháng 6, Bandla chia sẻ trên Twitter rằng cô sẽ là một phần của phi hành đoàn năm thành viên có mặt trên tàu vũ trụ.

Sự hiện diện của cô trong chuyến đi lịch sử đã khuấy động không khí hào hứng, phấn khích ở Ấn Độ, đặc biệt là tại bang Andhra Pradesh ở miền Nam, nơi cô sinh ra. Ngay sau khi tàu vũ trụ trở về, người Ấn Độ đang ăn mừng chuyến bay của Sirisha Bandla tới rìa không gian cùng tỉ phú Richard Branson.

Phó Tổng thống Venkaiah Naidu nói rằng: “Thành tích của Bandla sẽ thúc đẩy nhiều hơn các cô gái trẻ ở Ấn Độ và nước ngoài theo đuổi sự nghiệp đầy thử thách”.

Nhà công nghiệp hàng đầu Ấn Độ Anand Mahindra viết trên Twitter: “Phụ nữ Ấn Độ không chỉ phá vỡ các rào cản vô hình mà họ thực sự đang tháo dỡ tất cả rào cản trên hành tinh này và phóng vào không gian”. Trong khi đó, nghị sĩ Priyanka Chaturvedi chúc mừng Bandla, nói rằng cô làm nên một sự chấn động và rất ấn tượng.

Người khuyết tật cũng có thể bay vào vũ trụ

Mới đây, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) bắt đầu đợt tuyển dụng mới sau 11 năm, đặc biệt nhấn mạnh vào việc khuyến khích phụ nữ và người khuyết tật tham gia các sứ mệnh lên vũ trụ trong tương lai. Tổng Giám đốc ESA Josef Aschbacher tuyên bố tìm kiếm các phi hành gia nữ và người khuyết tật để lần đầu đưa phụ nữ lên mặt trăng và sao hỏa.

Một số lượng lớn hồ sơ ứng tuyển được gửi về Hội đồng tuyển dụng từ ngày 31/3/2021 và kéo dài trong 18 tháng. Dự kiến kết quả sẽ được công bố vào tháng 10/2022 với 26 người được lựa chọn để trở thành phi hành gia.

Theo phi hành gia người Italia Samantha Cristoforetti, việc ứng dụng công nghệ tiên tiến trên các con tàu vũ trụ sẽ tạo điều kiện cũng như cơ hội cho người khuyết tật được tham gia lĩnh vực mà trước đây hầu như họ không thể đặt chân vào.

Tiến sĩ David Parker, Giám đốc chương trình người máy và tàu bay vũ trụ của ESA cho biết, những người bị khuyết tật chi dưới hoặc những người bị hạn chế tăng trưởng được khuyến khích đăng ký tham gia. Yêu cầu tối thiểu để trở thành một phi hành gia làm việc cho ESA là có bằng thạc sĩ trở lên thuộc các lĩnh vực như: khoa học tự nhiên, khoa học máy tính, kỹ sư, toán học... cùng với 3 năm kinh nghiệm làm việc sau khi tốt nghiệp chương trình sau đại học. Châu Âu mong đợi chính sách tuyển dụng mới của họ sẽ thu hút thêm nhiều phụ nữ và người khuyết tật trở thành phi hành gia cho sứ mệnh chinh phục không gian.

Đến nay, mới có 2 nữ phi hành gia của ESA thực hiện được giấc mơ vào không gian là Claudie Haigneré và Samantha Cristoforetti. Bà Claudie Haigneré (sinh năm 1957), nữ phi hành gia đầu tiên của Pháp, từng làm việc tại ESA giai đoạn 1999-2002.

Đọc thêm