Những người phụ nữ tháng 10

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tháng 10 hàng năm luôn có một ngày đặc biệt, đó là Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 và cũng là ngày kỉ niệm thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam cách đây 93 năm. Tháng 10 còn đặc biệt hơn nữa khi có nhiều tấm gương phụ nữ giỏi được tôn vinh, mang đến nhận thức cho giới nữ nói riêng và cộng đồng nói chung về vị thế quan trọng của người phụ nữ Việt Nam trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Ủy viên dự khuyết TƯ Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh trao Bằng khen của Đoàn Chủ tịch TƯ Hội LHPN Việt Nam cho nữ xạ thủ Trịnh Thu Vinh. (Nguồn: Báo CAND)
Ủy viên dự khuyết TƯ Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh trao Bằng khen của Đoàn Chủ tịch TƯ Hội LHPN Việt Nam cho nữ xạ thủ Trịnh Thu Vinh. (Nguồn: Báo CAND)

Đời nở hoa từ bàn tay phụ nữ

“Đoạn đường/tuyến phố nở hoa” do các cấp Hội Phụ nữ tự quản là phong trào thi đua đã được 3 năm của Hội LHPN thành phố Hà Nội và đã đóng góp rất nhiều vào sự văn minh, sạch đẹp của thành phố. Một trong những “Đoạn đường/tuyến phố nở hoa” được nhắc đến nhiều ở Hà Nội là khu vực thuộc Hội LHPN phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng quản lý.

Được biết, Hội LHPN phường Vĩnh Tuy đã quyết tâm xây dựng mô hình “Màu xanh phụ nữ” với mục tiêu giải quyết tất cả các chân rác còn tồn đọng trên địa bàn phường. Bước đầu Hội đã phát động phong trào mỗi hội viên góp 1.000 đồng/năm để phục vụ việc mua chậu cây, chậu hoa đặt vào các điểm chân rác sau giải tỏa. Hội đã vận động trực tiếp cán bộ, hội viên tại các chi hội phụ nữ nơi có các điểm chân rác, bước đầu dọn rác và trông giữ nhắc nhở các hộ dân không vứt rác, đồng thời chăm cây, tưới hoa.

Những ngày đầu triển khai mô hình thực sự khó khăn, rác cứ dọn, người vẫn cứ vứt, những chậu hoa, chậu cây “không cánh mà bay”. Hội đã phải cử cán bộ thay nhau trông giữ, nhắc nhở. Những ca trực liên tiếp từ 6h sáng tới 10h đêm không mệt mỏi và bằng sự quyết tâm, những cố gắng của cán bộ, hội viên, công việc đã thành công.

Chị Dương Hồng Vân, Chủ tịch Hội LHPN phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Chị Dương Hồng Vân, Chủ tịch Hội LHPN phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Đến nay, Hội LHPN phường đã giải phóng được 11 chân rác tồn đọng lâu năm thành những điểm trồng hoa, cây xanh. Đặc biệt năm 2023, Hội LHPN phường đã giải tỏa 1 điểm rác lớn tại phố Dương Văn Bé, tồn đọng trên 20 năm, xây dựng thành tuyến phố bích họa nở hoa với tổng kinh phí 120 triệu đồng, trong đó vận động từ cán bộ, hội viên là 58 triệu đồng và trên 60 triệu từ các nguồn xã hội hóa khác. Có thể nói, tuyến đường bích họa nở hoa Dương Văn Bé là một trong những điểm nhấn quan trọng của mô hình “màu xanh phụ nữ”, không chỉ giải quyết được một thực trạng ô nhiễm của điểm rác thải tồn lại lâu năm, gây bức xúc trong nhân dân, đồng thời còn mang lại cảnh quan, vẻ đẹp cho tuyến phố.

Ngày 17/8/2023, nữ xạ thủ Trịnh Thu Vinh (SN 2000) đã xuất sắc trở thành vận động viên thứ hai của Thể thao Việt Nam vừa giành quyền tham dự Đại hội Thể thao thế giới (Olympic) Paris 2024 sau khi đạt thành tích cao tại vòng loại Giải Vô địch bắn súng Thế giới 2023 tổ chức tại Baku, Azerbaijan. Đây là thành tích truyền cảm hứng, động lực cho thế hệ trẻ, đặc biệt là các nữ vận động viên và nền thể thao Việt Nam. Đoàn Chủ tịch TƯ Hội LHPN Việt Nam đã quyết định tặng Bằng khen cho Thu Vinh nhằm khích lệ thành tích cũng như sự cố gắng thi đấu của nữ xạ thủ. Bày tỏ xúc động khi nhận được sự quan tâm, ghi nhận của Hội LHPN Việt Nam tại cuộc họp báo ngày 6/10/2023, nữ xạ thủ Trịnh Thu Vinh cho biết: “Giành được quyền tham dự Olympic Paris 2024 vừa là niềm vui, vừa là thử thách đối với bản thân em. Em sẽ cố gắng hết sức để có thể khẳng định màu cờ, sắc áo của Việt Nam trên đấu trường quốc tế”.

Nhắc đến Hội LHPN phường Vĩnh Tuy là nhắc đến chị Dương Hồng Vân, Chủ tịch Hội LHPN phường - một trong 293 đại biểu là Chủ tịch Hội Phụ nữ cơ sở giỏi được lựa chọn từ 63 tỉnh, thành và 2 đơn vị lực lượng vũ trang trong toàn quốc sẽ được vinh danh trong tháng 10 này. Ngày 6/10/2023, tại cuộc họp báo của Trung ương Hội LHPN Việt Nam về các sự kiện tháng 10, chị Dương Hồng Vân là một trong hai Chủ tịch Hội Phụ nữ cơ sở giỏi có mặt. Chị cho biết, địa bàn chị công tác là nơi tập trung nhiều chung cư cao tầng. Phụ nữ ở chung cư nhiều người thành đạt, bận rộn và không cần sự hỗ trợ về vật chất, họ chỉ tham gia Hội khi nhìn thấy ở đó những hoạt động phù hợp và có ích. Đặc biệt, nơi đây cũng tập trung nhiều hộ gia đình ở thuê/ở trọ nên nhân khẩu thường xuyên thay đổi. Đây là những điểm khiến cho việc tập hợp hội viên trên địa bàn gặp nhiều khó khăn. Song với phương châm “Nơi nào có phụ nữ, nơi đó có hoạt động Hội”, những năm qua, Hội LHPN phường đã liên tục đổi mới, sáng tạo trong việc thu hút hội viện, lựa chọn những hoạt động phù hợp dành cho phụ nữ chung cư để thu hút họ tham gia tổ chức Hội.

Phát huy tài nguyên bản địa

Năm 2023 là năm thứ 5 Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp với chủ đề “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa”. Đây là một trong những hoạt động trọng tâm của Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 939/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 (Đề án 939). Chuỗi hoạt động chung kết toàn quốc Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” năm 2023, dự kiến được tổ chức từ ngày 12 - 14/10/2023 tại Hà Nội.

Theo Hội LHPN Việt Nam, các lĩnh vực tham gia cuộc thi năm nay gồm: nông, lâm, ngư nghiệp chiếm tỷ lệ cao nhất 51,6%; lĩnh vực công nghiệp, chế tạo sản phẩm chiếm tỷ lệ 12,1%; lĩnh vực giáo dục, du lịch, dịch vụ, tài chính 6,6%; lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe, công nghệ làm đẹp: 4,4%; lĩnh vực kinh doanh tạo tác động xã hội chiếm 9,2%, các lĩnh vực khác chiếm 16,1%. Chủ thể tham gia dự thi có 17,9% là doanh nghiệp; 39,9% là hộ kinh doanh/cơ sở kinh doanh; hợp tác xã và tổ hợp tác/tổ liên kết chiếm tỷ lệ cao nhất với 42,1% tổng số các dự án khởi nghiệp đủ điều kiện dự thi vòng sơ loại cấp vùng.

Đặc biệt, năm nay số lượng thí sinh tham gia là phụ nữ dân tộc thiểu số rất đông, trong đó có nhiều chị mang đến cuộc thi những sản phẩm độc đáo mang đậm bản sắc dân tộc mình. Chị Cầm Thị Mòn, người dân tộc Thái đến từ tỉnh Sơn La là một trong những nhân tố điển hình cho việc dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với thử thách, mạnh dạn áp dụng các mô hình phát triển kinh tế từ tài nguyên bản địa của địa phương.

Chị Cầm Thị Mòn đã làm cuộc “cách mạng” cho cây cà phê arabica ở xã Chiềng Chung và Mường Chanh, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. (Ảnh: Giang Phạm)

Chị Cầm Thị Mòn đã làm cuộc “cách mạng” cho cây cà phê arabica ở xã Chiềng Chung và Mường Chanh, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. (Ảnh: Giang Phạm)

Câu chuyện khởi nghiệp của chị Cầm Thị Mòn người Thái Đen ở bản Lọng Nghịu, xã Chiềng Chung huyện Mai Sơn, Sơn La bắt đầu từ khi chị tham gia dự án Nâng quyền kinh tế của phụ nữ dân tộc thiểu số thông qua cải tiến sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ nông sản do Bộ Ngoại giao và thương mại Australia tài trợ. Trước đó, người Thái quê chị chỉ hái cà phê xô để bán tươi (hái lẫn quả chín, xanh, non, bị sâu...) hoặc phơi khô bán với giá 25.000 đồng/kg nhân xanh, dù cà phê đã xuất hiện ở đây rất lâu từ trước năm 1945, khi người Pháp mang cây cà phê arabica lên trồng ở đất này. Hiện nay gần một nửa sản lượng cà phê arabica của Việt Nam được trồng ở tỉnh Sơn La, tập trung ở xã Chiềng Chung và Mường Chanh của huyện Mai Sơn, nhưng thương hiệu cà phê arabica Sơn La thì không được nhiều người biết đến do thói quen hái cà phê xô để bán tươi.

Khi tham gia dự án, chị Cầm Thị Mòn được đi tham quan học tập ở thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk và thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Chị nhận thấy mình đang lãng phí tài nguyên bản địa mà không hề hay biết. Trở về nhà, chị bắt đầu thực hành những điều học được ngay trên chính diện tích đất trồng cà phê nhà mình. Với sự giúp đỡ của chuyên gia, niên vụ đầu tiên 2019 - 2020, giá bán cà phê nhà chị Mòn đã khác xa so với các hộ làm cà phê còn lại trong xã. Từ kết quả này, chị Mòn đã đến từng nhà, nói chuyện với từng người phụ nữ về cách hái chọn quả chín, cách vận chuyển, đóng gói, rửa hạt... Niên vụ 2020 - 2021, đã có thêm nhiều hộ gia đình tham gia làm cà phê hái chọn, sản xuất cà phê đặc sản và tháng 4/2021, tổ hợp tác Ara-Tay Coffee ra mắt.

Trải qua nhiều nỗ lực của chị Cầm Thị Mòn và những thành viên tổ hợp tác Ara-Tay Coffee, tại Cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2020 (Vietnam Amazing Cup 2020) do Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột tổ chức với sự tham gia đua tài của 56 nhà sản xuất cà phê trên cả nước, hai mẫu sản phẩm dự thi của tổ hợp tác đều đạt chứng nhận cà phê đặc sản. Trong đó, mẫu cà phê arabica được chế biến theo công thức natural đã đứng thứ 7/23 với số điểm 82,71/100. Mẫu cà phê arabica được chế biến theo công thức honey đứng thứ 15/23, đạt điểm 81,83/100...

Chương trình với chủ đề “Những bông hoa tháng 10” biểu dương, ghi nhận đội ngũ Chủ tịch Hội cơ sở các xã, phường, thị trấn có thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào phụ nữ; tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ dự kiến tổ chức từ ngày 17 - 19/10/2023 tại Hà Nội. Chương trình có sự tham dự của 293 đại biểu là Chủ tịch Hội Phụ nữ cơ sở giỏi được lựa chọn từ 63 tỉnh, thành và 2 đơn vị lực lượng vũ trang trong toàn quốc. Trong đó, độ tuổi trung bình của đại biểu: 41 tuổi; đại biểu lớn tuổi nhất: 55 tuổi (11 đại biểu); đại biểu trẻ tuổi nhất: 31 tuổi (03 đại biểu). Về thành phần dân tộc, đại biểu là người dân tộc Kinh (chiếm 79,18%); 61 đại biểu là người dân tộc thiểu số đại diện cho 25 dân tộc (chiếm 20,82%); 14 đại biểu là tín đồ tôn giáo (chiếm 4,78%).

Đọc thêm