Gương sáng Pháp luật

Những nhà sư “giữ lửa” trong Văn hóa Khmer tại Bạc Liêu

(PLVN) - Nói đến những nhà sư luôn gìn giữ bản sắc dân tộc Khmer ở Bạc Liêu thì không thể không nhắc đến Hòa thượng Hữu Hinh - vị sư 40 năm “cõng chữ” lên phum sóc; Hòa thượng Tăng Sa Vong,Trụ trì chùa Cái Giá Chót, người đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về tư tưởng của Bác Hồ đối với công tác tôn giáo và dân tộc hay Hòa thượng Dương Quân,Trụ trì chùa Xiêm Cán, người dành nhiều công sức bảo tồn các điệu múa Khmer. 

40 năm “cõng chữ” lên phum sóc

Năm 1989, sư Hữu Hinh lúc này vẫn còn là Đại đức, đến tu tập tại chùa Cù Lao - một ngôi chùa Khmer cổ của Bạc Liêu nằm tại ấp Cù Lao (xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi).

Mặc dù ngôi chùa cách trung tâm thành phố Bạc Liêu chưa được 3km, thế nhưng xa xa mới có nhà, việc đi lại chủ yếu bằng xuồng hoặc đi bộ. Đại đức Hữu Hinh khi ấy một mình đi bộ theo các con đường đất ruộng, quá giang đò qua bên kia kênh xáng Bạc Liêu để dạy chữ, giảng giáo lý ở chùa Kim Cấu, rồi trở về xã Hưng Hội làm công việc phật sự.

Nhận thấy nhu cầu học chữ của con em đồng bào Khmer xã Hưng Hội, sư Hữu Hinh đã xin chính quyền địa phương được mở lớp, rước thầy về giảng dạy ngay trong chùa. “Ngôi chùa - ngôi trường” ấy vẫn còn duy trì đến ngày hôm nay.

Hòa thượng Hữu Hinh chia sẻ với lực lượng Công an Bạc Liêu về quá trình mở trường dạy chữ Khmer tại chùa Cù Lao.

Hòa thượng Hữu Hinh chia sẻ với lực lượng Công an Bạc Liêu về quá trình mở trường dạy chữ Khmer tại chùa Cù Lao.

Từ mái chùa này, đến nay đã có hơn 100 người con xã Hưng Hội bước vào giảng đường đại học và hiện đang công tác tại nhiều cơ quan Nhà nước; hàng trăm người khác được học cả tiếng Việt phổ thông và chữ Khmer, góp phần nâng cao trình độ dân trí, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Tỉnh Bạc Liêu, hiện có hơn 78.000 người dân tộc Khmer, chiếm 7,6% dân số; bà con đồng bào chủ yếu làm nghề nông, sống quần tụ quanh 22 ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer ở các địa phương trong tỉnh.

Đây là một tiền đề quan trọng để bà con đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây nắm bắt tốt hơn chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Nhờ đó, các phong trào, cuộc vận động của địa phương luôn nhận được sự đồng thuận cao từ chính bà con trong phum sóc.

Ông Thạch Phol - Trưởng Ban quản trị chùa Cù Lao (xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi) chia sẻ: “Ngoài việc xóa mù chữ cho bà con đồng bào, tại các buổi học, Hòa thượng Hữu Hinh đều giảng đạo cho phật tử, khuyên mọi người siêng năng lao động, không bỏ đất hoang, chăm lo việc học.

Đặc biệt, Hòa thượng cũng lưu ý phật tử không nghe lời xuyên tạc của kẻ xấu, sống tốt đời đẹp đạo, tránh xảy ra mâu thuẫn nhỏ để không dẫn đến chuyện lớn. Đồng thời, Hòa thượng thường khuyên nhủ toàn thể chư tăng và đồng bào phật tử không nên phân biệt người Kinh, Hoa hay Khmer, bởi có đoàn kết thì mọi người mới cùng nhau phát triển”.

Nghiên cứu, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào giáo lý để truyền đạt cho phật tử

Cùng với đó, tại xã Hưng Hội (huyện Vĩnh Lợi) có một vị sư luôn dày công nghiên cứu, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào giáo lý nhà Phật để truyền đạt cho bà con phật tử trong phum sóc. Đó là Hòa thượng Tăng Sa Vong - Trụ trì chùa Cái Giá Chót (ấp Cái Giá xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi). Là người mộ đạo và rất tôn kính Bác Hồ. Hòa thượng đã lập bàn thờ Bác ở trong chánh điện cùng với bàn thờ Phật Thích Ca và dành nhiều thời gian nghiên cứu về tư tưởng của Bác Hồ đối với công tác tôn giáo và dân tộc.

“Đối với tư tưởng của Bác có đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, đại thành công, thì trong kinh Phật cũng có ý nghĩa tương đồng với nhau. Trong quá trình thực hiện ở bổn chùa, tôi vận dụng tư tưởng của Bác, kết hợp với kinh Phật để dẫn dắt phật tử cùng nhau đoàn kết, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau.

Là người mộ đạo và rất tôn kính Bác Hồ, Hòa thượng Tăng Sa Vong đã lập bàn thờ Bác Hồ và dày công nghiên cứu tài liệu về tư tưởng của Bác, rồi dịch sang tiếng Khmer để tuyên truyền trong đồng bào phật tử.Là người mộ đạo và rất tôn kính Bác Hồ, Hòa thượng Tăng Sa Vong đã lập bàn thờ Bác Hồ và dày công nghiên cứu tài liệu về tư tưởng của Bác, rồi dịch sang tiếng Khmer để tuyên truyền trong đồng bào phật tử.

Vào ngày rằm và mùng 1 hằng tháng, khi bà con phật tử đến chùa cúng viếng, chúng tôi đều răn dạy bà con thực hiện tốt 5 giới luật của đạo Phật. Đồng thời, vận dụng giáo lý, đạo đức nhà Phật với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước để thực hiện trong cuộc sống hằng ngày, có như vậy thì mới giúp cho dòng tộc, cho phum sóc, cho xã hội ngày càng phát triển” - Hòa thượng Tăng Sa Vong chia sẻ.

Đồng thời, Hòa thượng Tăng Sa Vong cũng đã lĩnh hội lời dạy của Bác Hồ “Giữ gìn trật tự, trị an tốt thì dân mới an cư lạc nghiệp. Muốn giữ gìn trật tự, an ninh tốt, phải dựa vào nhân dân để ngăn ngừa bọn làm trái phép”.

Đối với địa phương có hơn 80% là người dân tộc Khmer sinh sống, Hòa thượng Tăng Sa Vong đã dày công nghiên cứu các tài liệu về tư tưởng của Bác, rồi dịch từ tiếng Việt sang tiếng Khmer với nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ. Đặc biệt, những tài liệu này Hòa thượng dùng để tuyên truyền trong đồng bào phật tử và giảng dạy ở các lớp học chữ Khmer tại chùa. Chính vì vậy, việc học tập và làm theo Bác đã nhanh chóng lan tỏa rộng khắp trong đồng bào dân tộc Khmer ở địa phương.

Bảo tồn nét văn hóa đặc sắc dàn nhạc ngũ âm

Bên cạnh đó, còn có nhà sư ra sức bảo tồn những nét văn hóa đặc sắc của người Khmer như: Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay, lễ Sene Dolta, lễ hội Ok Om Bok hay những điệu múa uyển chuyển trong trang phục truyền thống đầy màu sắc và những âm thanh rộn ràng của dàn nhạc ngũ âm.

Đó là Hòa thượng Dương Quân - Trụ trì chùa Xiêm Cán (ấp Biển Đông B, xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu), đã thành lập Đội văn hóa, văn nghệ Khmer tại chùa Xiêm Cán, khuyến khích bà con địa phương, nhất là các bạn trẻ tham gia, góp phần để những điệu múa dân gian, những bản nhạc ngũ âm cổ truyền của dân tộc được truyền lại và phát huy qua nhiều thế hệ.

“Vào các dịp Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay, lễ hội Ok Om Bok hằng năm, Hòa thượng Dương Quân đều tổ chức các hội thi giao lưu văn nghệ, thể thao cho bà con đồng bào phật tử, trở thành những “món ăn tinh thần” không thể thiếu của đồng bào Khmer xã Vĩnh Trạch Đông trong nhiều năm qua. Điều này giúp cho chùa Xiêm Cán trở thành điểm sáng trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa khi gìn giữ được những nét đẹp văn hóa bản địa và góp phần vào việc bảo tồn văn hóa của đồng bào Khmer ở Bạc Liêu nói chung” - ông Thạch Sà Riêng - Bí thư Chi bộ ấp Biển Đông B, xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu) chia sẻ.

Những điệu múa dân gian Khmer luôn thu hút đông đảo du khách thập phương khi đến tham quan tại chùa Xiêm Cán.Những điệu múa dân gian Khmer luôn thu hút đông đảo du khách thập phương khi đến tham quan tại chùa Xiêm Cán.

Cũng chính sự bảo tồn giá trị văn hóa Khmer của Hòa thượng mà chùa Xiêm Cán luôn thu hút đông đảo du khách, phật tử thập phương đến tham quan, cúng bái và trở thành địa điểm tổ chức nhiều chương trình liên hoan nhạc ngũ âm và múa dân gian của người Khmer trong tỉnh và ĐBSCL. Qua đó, giới thiệu, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh phát triển văn hóa, du lịch và các giá trị di sản văn hóa Khmer tỉnh Bạc Liêu trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển; góp phần thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh.

Có thể thấy, nhà sư trong văn hóa Khmer không chỉ là người tu hành mà còn đóng góp vào các khía cạnh của đời sống xã hội từ tôn giáo, giáo dục cho đến văn hóa. Đặc biệt, vai trò của nhà sư là một phần không thể thiếu trong việc duy trì và phát triển các giá trị văn hóa, tôn giáo của đồng bào Khmer, là những người “giữ lửa” truyền cảm hứng và định hướng cho cộng đồng, cùng nhau xây dựng phum sóc Bạc Liêu đoàn kết, phát triển.

Trọng Nghĩa - Trọng Nguyễn

Đọc thêm