Tại Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá cho phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo, đài tại khu vực phía Bắc do Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) tổ chức vừa qua, Ths. Nguyễn Hạnh Nguyên – Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam cho biết, có nhiều quan niệm sai lầm về thuốc lá mới như: thuốc lá điện tử an toàn hơn thuốc lá điếu truyền thống; thuốc lá điện tử là giải pháp giúp cai nghiện thuốc lá truyền thống; thuốc lá điện tử là sản phẩm dành cho người trưởng thành đang hút nhằm mục tiêu bỏ thuốc và không nhắm tới giới trẻ... Đó là những quan niệm hoàn toàn không đúng.
“Sự thật là mọi sản phẩm thuốc lá đều có hại, không có bằng chứng cho thấy thuốc lá điện tử ít hại hơn thuốc lá thông thường”,Ths. Nguyễn Hạnh Nguyên nhấn mạnh.
Ths Hạnh Nguyên dẫn kết luận của Tổ chức y tế thế giới cho biết: “Tất cả các loại thuốc lá đều độc hại bao gồm cả thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng” và “không có bằng chứng nào chứng minh rằng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng ít gây hại hơn các sản phẩm thuốc lá thông thường” (Tổ chức Y tế thế giới, 2019).
Cũng theo bà Nguyễn Hạnh Nguyên, thực tế cho thấy thuốc lá điện tử/thuốc lá nung nóng gây nghiện và có ảnh hưởng đến phát triển não bộ, đóng vai trò gây bắt đầu và tăng nguy cơ sử dụng thuốc lá thông thường do nicotine.
Cụ thể, thuốc lá điện tử gây bệnh cấp và mãn tính nguy hiểm với các hội chứng tổn thương hô hấp cấp (EVALI), tử vong, phơi nhiễm các chất độc gây ung thư, tim mạch, hô hấp. Bên cạnh đó, thuốc lá điện từ còn có nguy cơ ngộ độc, bao gồm cả sử dụng chất ma túy do không kiểm soát được hàm lượng nicotine và hương liệu.
Ths Hạnh Nguyên cho rằng, quan điểm “thuốc lá điện tử giảm hại và an toàn hơn 95% so với thuốc lá thông thường” là thiếu cơ sở khoa học. Tạp chí y khoa uy tín The Lancet dẫn đánh giá từ một nghiên cứu: “Ý kiến của một nhóm nhỏ các cá nhân không có chuyên môn về kiểm soát thuốc lá hầu như thiếu hoàn toàn bằng chứng về tác hại”. Nghiên cứu này được tài trợ bởi Cơ quan Y tế châu Âu-Thụy Sĩ (Euroswiss Health) – đơn vị có liên kết với ngành công nghiệp thuốc lá; Hai thành viên trong nhóm chuyên gia làm tư vấn cho nhà phân phối và sản xuất thuốc lá điện tử.
Ths. Nguyễn Hạnh Nguyên cũng chỉ ra một quan điểm sai lầm về thuốc lá điện tử, đó là tuyên bố FDA Mỹ phê duyệt sản phẩm thuốc lá nung nóng (IQOS của PMI) là sản phẩm giảm thiểu rủi ro là không đúng sự thật.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, hiện không có bằng chứng khoa học chứng minh thuốc lá điện tử có thể giúp cai nghiện thuốc lá điếu truyền thống. (Hội nghị FCTC/COP 7). Ngược lại, bằng chứng cho thấy sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng làm tăng nguy cơ sử dụng cùng lúc các loại thuốc lá.
Tại Mỹ, hầu hết người sử dụng thuốc lá điện tử để cai thuốc lá đều không bỏ được thuốc lá, thay vào đó họ tiếp tục sử dụng đồng thời cả thuốc lá điện tử và thuốc lá điếu truyền thống. (CDC Hoa kỳ) .
Tại Nhật Bản, 2/3 người dùng thuốc lá điện tử sử dụng đồng thời thuốc lá điện tử và thuốc lá điếu. (Báo cáo WHO, 2020).
Các sản phẩm thuốc lá mới làm tăng nguy cơ bắt đầu hút thuốc lá điếu (hiệu ứng gate way) ở giới trẻ. Một nghiên cứu phân tích dữ liệu tổng hợp tại Hoa Kỳ cho thấy người trẻ tuổi thử sử dụng thuốc lá điện tử có nguy cơ bắt đầu sử dụng thuốc lá truyền thống cao hơn 3,5 lần so với nhóm không dùng thuốc lá điện tử. (Samir Soneji et al, 2017).
Ở Mỹ, sự gia tăng gần đây trong sử dụng thuốc lá điện tử ở thanh thiếu niên đã dẫn đến việc tăng 59% sử dụng bất kỳ sản phẩm thuốc lá nào ở học sinh trung học (từ 19,6% năm 2017 lên 31,2% năm 2019).
Theo Ths. Nguyễn Hạnh Nguyên, sự thật là mọi sản phẩm thuốc lá đều có hại. |
Bà Hạnh Nguyên cho rằng, từ những căn cứ trên có thể khẳng định, các sản phẩm thuốc lá điện tử có chứa các chất độc hại, gây bệnh tật, tử vong, ảnh hưởng đến sức khỏe của cả người hút và người xung quanh, gây ra các tác hại về xã hội, kinh tế, môi trường... Bên cạnh đó, hiện nay những sản phẩm thuốc lá mới này đều có cách thức quảng cáo, tiếp thị sản phẩm nhắm vào giới trẻ, sử dụng các kênh thông tin phổ biến của giới trẻ (facebook, tiktok), sử dụng thanh thiếu niên để quảng cáo.
Thực tế cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong thanh thiếu ở Việt Nam đã gia tăng trong những năm gần đây.
Vì vậy, Ths. Nguyễn Hạnh Nguyên đề nghị Việt Nam cần thực hiện các biện pháp kiểm soát thị trường, đẩy mạnh thực thi và tăng cường các quy định về chống buôn lậu, quảng cáo, và bán các sản phẩm thuốc lá điện tử để ngăn chặn sự gia tăng sử dụng trong thanh thiếu niên.
“Cần ban hành chính sách cấm lưu hành thuốc lá điện tử và các sản phẩm thuốc lá nung nóng tại Việt Nam theo khuyến cáo của Bộ Y tế”, bà Nguyễn Hạnh Nguyên nhấn mạnh.