(PLO) -Dịch vụ Uber đã có mặt tại khá nhiều nước hiện nay. Tại Việt Nam, Uber đã gây một “cơn bão” trong các doanh nghiệp taxi. Những ngày qua, cơ quan chức năng tại đây đã phải tiến hành kiểm tra, xử phạt một loạt tài xế hoạt động taxi Uber.
Song, rất khó để xử lý tận gốc vì taxi Uber không có logo, rất khó nhận dạng nếu hành khách không hợp tác.
Rào cản pháp lý
Liên quan đến khía cạnh pháp lý về Uber, theo quan điểm của luật sư Nguyễn Đức Long (Trưởng văn phòng luật sư Đức Tín) thì: “Muốn đưa hoạt động kinh doanh dịch vụ taxi Uber vào Việt Nam thì cần phải xây dựng một hành lang pháp lý cho hoạt động này”.
Cụ thể là phải ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể về loại hình kinh doanh dịch vụ taxi Uber, trong đó quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ hỗ trợ vận tải bằng ứng dụng phần mềm Uber; điều kiện kinh doanh dịch vụ cho thuê xe ô tô có người lái; quyền và nghĩa vụ của tổ chức cung cấp dịch vụ, người lái xe, người sử dụng dịch vụ…
Ngoài ra, việc đưa loại hình dịch vụ taxi Uber vào hoạt động hợp pháp ở Việt Nam thì sẽ tạo ra sự cạnh tranh giữa loại hình dịch vụ này và loại hình dịch vụ taxi truyền thống. Sự cạnh tranh giữa taxi Uber và taxi truyền thống sẽ mang lại chất lượng dịch vụ tốt hơn cho người sử dụng.
Tuy nhiên, sẽ là sức ép rất lớn để các doanh nghiệp taxi truyền thống phải đổi mới, cạnh tranh và chuyên nghiệp hơn.
Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về ngành nghề kinh doanh dịch vụ taxi Uber mà các lái xe taxi loại này vẫn hoạt động là vi phạm pháp luật.
Khai tử hay ủng hộ?
Dịch vụ taxi Uber là một loại hình dịch vụ kiểu mới tại Việt Nam, nó mang tính chất đột phá trong lĩnh vực kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô thông qua ứng dụng trên điện thoại di động kết nối giữa các chủ phương tiện, tài xế với người cần đi xe.
Đây là dịch vụ đem lại nhiều tiện ích cho người sử dụng, tiết kiệm được nguồn nhân lực cho xã hội và tận dụng được những xe nhàn dỗi, dư thừa.
|
Luật sư Nguyễn Đức long: "Dịch vụ Uber hay dịch vụ cung cấp công nghệ ứng dụng tương tự cũng là một dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ nhưng chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định." |
Thế nhưng, nếu đưa loại hình kinh doanh dịch vụ taxi Uber vào hoạt động ở nước ta thì các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ này cần phải thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã và có đăng ký ngành nghề kinh doanh lĩnh vực này và phải tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ về thuế.
Theo quan điểm của luật sư Long, dịch vụ taxi Uber đem lại lợi ích cho xã hội và cộng đồng. Bởi vì, dịch vụ đem lại nhiều tiện ích cho người sử dụng, tiết kiệm được nguồn nhân lực cho xã hội và tận dụng được những xe nhàn dỗi, tài sản dư thừa.
Hiện tại tuy mới chỉ có mặt tại hai thành phố lớn nhất của Việt Nam nhưng “taxi” Uber đã thu hút được rất nhiều sự chú ý. Độ tiện dụng của phần mềm Uber là không phải bàn cãi, cùng với tâm lý chuộng xe sang ở nước ta rất có thể sẽ biến Uber thành một “ông lớn” trong lĩnh vực vận chuyển.
Tuy vậy, các rào cản về mặt pháp lý chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng ít nhiều lên dịch vụ này./.
Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về ngành nghề kinh doanh dịch vụ taxi uber mà các lái xe taxi loại này vẫn hoạt động là vi phạm pháp luật. Bởi vì:
Thứ 1: Loại hình kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định tại Điều 67 Luật Giao thông đường bộ:
“Điều 67. Điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô
1. Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Đăng ký kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định của pháp luật;
b) Bảo đảm số lượng, chất lượng và niên hạn sử dụng của phương tiện phù hợp với hình thức kinh doanh; phương tiện kinh doanh vận tải phải gắn thiết bị giám sát hành trình của xe theo quy định của Chính phủ;
c) Bảo đảm số lượng lái xe, nhân viên phục vụ trên xe phù hợp với phương án kinh doanh và phải có hợp đồng lao động bằng văn bản; nhân viên phục vụ trên xe phải được tập huấn nghiệp vụ kinh doanh vận tải, an toàn giao thông; không được sử dụng người lái xe đang trong thời kỳ bị cấm hành nghề theo quy định của pháp luật;
d) Người trực tiếp điều hành hoạt động vận tải của doanh nghiệp, hợp tác xã phải có trình độ chuyên môn về vận tải;
đ) Có nơi đỗ xe phù hợp với quy mô của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, bảo đảm yêu cầu về trật tự, an toàn, phòng, chống cháy nổ và vệ sinh môi trường.
2. Chỉ các doanh nghiệp, hợp tác xã mới được kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt, bằng xe taxi và phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Có bộ phận quản lý các điều kiện về an toàn giao thông;
c) Đăng ký tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ vận tải hành khách với cơ quan có thẩm quyền và phải niêm yết công khai.
3. Chỉ các doanh nghiệp, hợp tác xã mới được kinh doanh vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ và phải có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1, điểm b khoản 2 Điều này.
4. Chính phủ quy định cụ thể điều kiện và việc cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô”.