Minh họa từ internet. |
Mới chờ ly hôn đã đuổi vợ ra khỏi nhà
Khi quyết định ly hôn với người chồng có tính trăng hoa, chị Hà Thị Sơn Hà (SN 1969, ngụ tổ dân phố Nhật Tảo, phường Đông Ngạc, đường An Dương Vương, Hà Nội) nghĩ rằng những tháng ngày đau buồn của cuộc hôn nhân không hạnh phúc đã sắp chấm dứt. Nhưng chị Hà đã nhầm, bởi trong thời gian chờ đợi giải quyết thủ tục ly hôn, đợi toà án đang tiến hành đo đạc ngôi nhà chung của vợ chồng, chồng chị đã cắt dây điện, chặt hết đường ống dẫn nước sạch vào nhà, đập vỡ hết cửa ra vào và các cửa sổ, đổ chất thải vào các phòng nhằm đuổi vợ con ra khỏi nhà…
Điều đáng nói, đây không phải là hành động bột phát nhất thời mà nó đã được tái diễn nhiều lần, dù người chồng đã từng bị Công an phường Đông Ngạc tiến hành lập biên bản.
Luật sư Phạm Việt, người thụ lý hồ sơ bảo vệ chị Hà cho biết: “Mâu thuẫn vợ chồng không thể sống chung được thì ly hôn là chuyện bình thường. Vấn đề là anh chồng đâm đơn ly hôn, trong quá trình chờ phán quyết của toà, anh ta không thể làm những việc đã làm như đuổi vợ ra khỏi nhà, đập phá đồ đạc tài sản chung, gây khó dễ khiến chị Hà phải rời khỏi ngôi nhà chung”.
Dù rằng theo quy định của pháp luật, người phụ nữ khi ly hôn luôn được tôn trọng về quyền tài sản cá nhân cũng như công sức đóng góp vào khối tài sản chung của gia đình, nhưng sau nhiều vụ ly hôn, không ít phụ nữ phải ra đường với hai bàn tay trắng hoặc nuôi con trong nghèo khổ. Vì thế, nhiều người phụ nữ thà cam chịu cảnh chung sống bạo hành còn hơn ly hôn.
Chữ “nghĩa” trong hôn nhân đã được lưu tâm?
Đây là điểm mới nổi bật trong Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, sẽ có hiệu lực từ 1/1/2015. Theo đó, khi ly hôn, việc chia tài sản chung có tính đến yếu tố “lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng”.
Điều này có nghĩa là nếu vợ/chồng có hành vi ngoại tình, rượu chè, nghiện hút, bạo hành… hoặc hành vi khác làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hạnh phúc gia đình thì khi ly hôn được chia tài sản chung ít hơn người kia.
Thế nhưng, xoay quanh quy định này cũng có không ít phản biện, nhiều quan điểm cho rằng việc để một cuộc hôn nhân phải đi đến bờ vực ly hôn thì cả hai đều có lỗi chứ không riêng gì vợ hay chồng…
Xét ở góc độ pháp luật, yếu tố lỗi trong hôn nhân đã được đề cập xuyên suốt trong các Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam vào những năm 1959,1986, 2000. Nhưng cũng mới chỉ dừng lại ở đó để làm căn cứ ly hôn chứ không đóng vai trò gì trong quá trình phân chia tài sản, hay quyền nuôi con cái.
Với quy định khi ly hôn, việc chia tài sản chung có tính đến yếu tố lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng theo Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 mọi việc chắc sẽ khác.