Luật sư Lê Hiếu (Giám đốc công ty Luật TNHH Hiếu Hùng) cho biết: Mua nhà đất bằng giấy viết tay là việc hợp đồng chuyển nhượng không được công chứng hoặc chứng thực theo quy định pháp luật. Mua đất là cách thường gọi của người dân dùng để chỉ việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và chuyển quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2014).
Tại khoản 2 Điều 117 BLDS 2015 nêu rõ: “Hình thức của giao dịch là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định”.Trường hợp hợp đồng không được công chứng, chứng thực thì hợp đồng sẽ trở nên vô hiệu theo Điều 129 BLDS 2015. Cùng với đó, tại khoản 3 Điều 188 Luật Đất đai 2013 quy định việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính.
Như vậy, giao dịch chuyển quyền sử dụng đất,chuyển quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (nhà) mà gia đình độc giả thực hiện năm 2021 không công chứng, chứng thực có nguy cơ cao là giao dịch dân sự vô hiệu. Rủi ro bên nhận chuyển nhượng là nhà, đất vẫn thuộc về bên chuyển nhượng. Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu là các bên giao trả cho nhau những gì các bên đã giao, đã nhận theo Điều 131 Bộ luật Dân sự 2015.
Tuy nhiên, trường hợp Giao dịch chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất vẫn có hiệu lực pháp luật: khi một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong hợp đồng thì hợp đồng đó có thể có hiệu lực khi có thêm điều kiện khác và phải được được Tòa án nhân dân có thẩm quyền công nhận thông qua con đường tố tụng theo Điều 129 Bộ luật dân sự năm 2015./.