Những sự kiện tiêu biểu của ngành Thuế năm 2017

(PLO) - Năm 2017 khép lại với một loạt sự kiện ấn tượng của ngành Thuế mà nổi bật nhất là chỉ số nộp thuế tăng 81 bậc trong Báo cáo Môi trường kinh doanh (MTKD) 2018 của Ngân hàng Thế giới (WB). Chuyên mục “Chính sách thuế với cuộc sống” xin điểm lại những sự kiện tiêu biểu của ngành Thuế trong năm 2017.
Ảnh minh họa.

Chỉ số nộp thuế tăng 81 bậc

Theo Báo cáo MTKD- Doing business 2018 (DB2018) toàn cầu  của WB, mức độ thuận lợi về MTKD của Việt Nam xếp thứ 68/190 quốc gia và vùng lãnh thổ (tăng 14 bậc so với DB2017); trong đó chỉ số Nộp thuế xếp thứ  86/190 (tăng 81 bậc so với DB2017), và đây là năm thứ 4 liên tiếp các cải cách về thuế được ghi nhận trong Báo cáo MTKD.

Điểm DTF chung của Chỉ số nộp thuế 2018 của Việt Nam là 72,77 điểm, tăng 23.38 điểm so với năm 2017 (năm 2017 là 49.39 điểm); làm kết quả xếp hạng của Việt Nam là 86/190 quốc gia và vùng lãnh thổ (tăng 81 bậc so với DB 2017). Với xếp hạng thứ 86 về Chỉ số nộp thuế, Việt Nam chỉ đứng sau 3 nước là Singapore (xếp thứ 7), Thailand (xếp thứ 67), Malaysia (xếp thứ 73),  và trong ASEAN -4, Việt Nam đứng trước Philipines (xếp thứ 105).    

Thu nội địa lần đầu tiên vượt mốc 1 triệu tỷ đồng

Năm 2017,  thu ngân sách do ngành Thuế quản lý ước đạt 1.001.600 tỷ đồng, bằng 103,4% dự toán, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2016. Đây là năm đầu tiên ngành Thuế vượt mốc 1 triệu tỷ đồng. Trong đó, thu nội địa ước đạt 951.600 tỷ đồng, bằng 102,3% dự toán, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2016. Thu từ dầu thô ước đạt 50.000 tỷ đồng, bằng 130,5% dự toán, bằng 124,4% so với cùng kỳ năm 2016. 

Theo Quyết định 2610/QĐ-BTC về việc công bố công khai dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2018 của Bộ Tài chính, tổng thu NSNN năm 2018 là 1.319.200 tỷ đồng, trong đó: thu nội địa là 1.099.300 tỷ đồng, thu từ dầu thô là 35.900 đồng, thu cân đối từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu là 179.000 tỷ đồng, thu viện trợ 5.000 tỷ đồng…Trước đó, Nghị quyết về dự toán NSNN năm 2018 được Quốc hội thông qua, thu nội địa là 1.070.200 tỷ đồng.

Hoàn thuế điện tử triển khai trên cả nước:

Ngay từ đầu năm 2017, Bộ Tài chính đã triển khai dịch vụ hoàn thuế điện tử thí điểm tại Cục Thuế TP Hà Nội và Cục Thuế TP HCM. Đến tháng 5/2017, tất cả 63 tỉnh, thành trong cả nước áp dụng đồng bộ việc hoàn thuế điện tử. Tổng cục Thuế cho biết sẽ phấn đấu đến 31/12/2017, 100% DN thuộc đối tượng hoàn thuế GTGT trường hợp xuất khẩu, đầu tư đăng ký sử dụng dịch vụ hoàn thuế điện tử. Đến cuối quý IV/2007, tối thiểu 90% hồ sơ hoàn thuế được giải quyết bằng phương thức điện tử, chiếm tỷ trọng từ 90% số tiền hoàn thuế trở lên thuộc trường hợp xuất khẩu, đầu tư so với tổng số hồ sơ và tổng số tiền hoàn thuế GTGT được thực hiện theo phương thức điện tử.

Truy thu thuế hàng tỷ đồng của người bán hàng trên Facebook

Giữa năm 2017, Cục Thuế TP HCM và Cục Thuế Hà Nội Hà Nội lần đầu mời những người kinh doanh trên Facebook lên làm việc. Đã có hàng vạn người được cơ quan chức năng thông báo. Chưa có tổng kết của cơ quan chức năng về kết quả của đợt rà soát này nhưng một số cá nhân bị truy thu hàng tỷ đồng tiền thuế.

Cụ thể, Cục Thuế TP HCM mới đây truy thu 9,1 tỷ đồng từ một cá nhân bán hàng mỹ phẩm qua mạng Facebook. Trước đó, sau khi nhận được đơn tố cáo về hoạt động kinh doanh của cá nhân này, Cục Thuế TP HCM tiến hành thu thập thông tin từ ngân hàng, đối chiếu với số liệu mà cá nhân này kê khai với cơ quan thuế. Kết quả cho thấy chênh lệch doanh thu theo kê khai và doanh thu thực tế (thể hiện qua số tiền được chuyển vào tài khoản cá nhân) lên đến 400 tỷ đồng. Trước đó, một cá nhân kinh doanh trên mạng cũng bị truy thu 8 tỷ đồng tiền thuế do có doanh thu 500 tỷ đồng nhưng không kê khai thuế.

“Nóng” chuyện truy thu thuế Grab, Uber

Năm 2017, Cục Thuế TP HCM đã thanh tra việc chấp hành thuế của  Grab trong 3 năm, từ 2014-2016. Qua đó, Grab đã bị xử lý 2,961 tỷ đồng, trong đó tiền thuế bị truy thu là 2,286 tỷ đồng và đến nay Grab đã nộp đủ.

Với Uber, quyết định truy thu gần 67 tỷ đồng được đưa ra sau khi Cục Thuế TP HCM tiến hành thanh tra Công ty TNHH Uber B.V (Hà Lan). Thời kỳ thanh tra được xác định kể từ lúc Uber B.V bắt đầu hoạt động tại thị trường Việt Nam đến tháng 6/2017. Sau thanh tra, Cục Thuế TP HCM đã ra quyết định hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả với Uber B.V, cụ thể phạt tiền về hành vi kê khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp gần 10,3 tỷ đồng, đồng thời truy thu thuế với số tiền gần 51,48 tỷ đồng. Trong số thuế bị truy thu, có hơn 26,3 tỷ đồng là thuế GTGT khấu trừ nộp thay, hơn 14,6 tỷ đồng thuế TNCN khấu trừ nộp thay và gần 10,5 tỷ thuế TNDN với nhà thầu nước ngoài.

Tuy nhiên, Quyết định của Cục Thuế TP HCM đã vấp phải phản ứng của Uber và DN này cho biết sẽ tiếp tục khiếu nại và cân nhắc khởi kiện ra tòa.

Dự tính tăng thuế GTGT

Trong Báo cáo định hướng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật Thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN và thuế tài nguyên được Bộ Tài chính đưa ra hồi giữa tháng 8, Bộ Tài chính đã đề nghị nâng mức thuế suất thuế GTGT theo 2 phương án: Tăng từ 10% lên 12% kể từ ngày 1/1/2019; Tăng theo lộ trình lên 12% từ ngày 1/1/2019 và 14% từ ngày 1/1/2021. Trong đó, Bộ Tài chính đề nghị cân nhắc phương án 1.

Lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định việc tăng thuế GTGT ít tác động tới người nghèo. Tuy nhiên, nhiều ý kiến từ giới chuyên gia và người dân lại có nhiều điểm không đồng thuận.

Tại Tờ trình mới nhất, Bộ Tài chính đề xuất 1 phương án: Từ ngày 01/01/2019 thuế suất thuế GTGT tăng từ 10% lên 11%; từ ngày 01/01/2020 tăng từ mức 11% lên mức 12%. 

Đọc thêm