Những thực phẩm mà người đau mắt đỏ nên và không nên ăn

(PLVN) - Bệnh đau mắt đỏ có thể gây ảnh hưởng xấu đến thị lực nếu không được điều trị, chăm sóc đúng cách. Bệnh rất dễ lây nhiễm nhưng có thể kiểm soát bằng sự kết hợp chế độ ăn uống, thay đổi lối sống và phương pháp điều trị.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đau mắt đỏ là tình trạng viêm màng trong suốt trên bề mặt nhãn cầu (tròng trắng mắt) và kết mạc mi nên còn gọi là bệnh viêm kết mạc. Bệnh do virus hoặc nhiễm trùng từ vi khuẩn, phản ứng dị ứng gây ra. Thống kê của Bộ y tế cho thấy, dịch bệnh đau mắt đỏ đang diễn biến gia tăng tại nhiều địa phương, như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh... và một số địa phương khác.

Theo ThS.BS. Mai Thị Anh Thư, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, bệnh nhân đau mắt đỏ ngoài việc phải vệ sinh mắt thường xuyên, để cho mắt được nghỉ ngơi thật nhiều, còn cần có chế độ ăn uống hợp lý, nên ăn những loại thực phẩm cung cấp nhiều vitamin, dưỡng chất tốt cho sức khỏe đôi mắt để bệnh nhanh hồi phục.

8 loại thực phẩm tốt cho người đau mắt đỏ

Rau xanh tốt cho người đau mắt đỏ. Các loại rau có lá màu xanh như: Rau cải xanh, súp lơ, cải bó xôi... trong thành phần có chứa nhiều chất chống oxy hóa carotenoid, điển hình là 2 loại lutein và zeaxanthin. Hai hoạt chất này được tìm thấy trong võng mạc, là dưỡng chất cần thiết giúp mắt nhìn sáng rõ, chi tiết và tốt hơn khi nhìn gần.

Đặc biệt, Lutein thường được biết đến là hoạt chất giúp hấp thụ ánh sáng màu xanh rất tốt cho cơ thể giúp cho mắt đỡ khô, mệt mỏi khi phải tiếp xúc nhiều với các thiết bị điện tử, rất có lợi cho những người thường xuyên làm việc với máy tính. Giúp đẩy lùi tình trạng mất ngủ, duy trì chu kỳ ngủ tốt, phản xạ trong công việc, học tập, sinh hoạt hàng ngày tốt hơn.

Các loại quả mọng nước, có thể kể đến như: Việt quất, dâu, cam, quýt, bưởi, nho... thường có vị chua, trong thành phần giàu chất xơ, các loại vitamin tốt cho cơ thể cùng hoạt chất polyphenol chống oxy hóa rất tốt cho đôi mắt. Đặc biệt ở quả việt quất, trong thành phần có chứa hàm lượng anthocyanin cực kỳ cao. Hoạt chất này có tác dụng phòng chống tình trạng viêm, nhiễm trùng ở mắt.

Củ cà rốt chính là một trong những loại thực phẩm được công nhận tốt nhất cho đôi mắt. Trong cà rốt có hàm lượng beta-carotene rất cao, loại chất này khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành vitamin A là chất dinh dưỡng giúp cho đôi mắt, đặc biệt là võng mạc khỏe mạnh hơn.

Ớt chuông cam được các chuyên gia nghiên cứu và công nhận trong thành phần có hàm lượng zeaxanthin cao hơn rất nhiều so với 32 loại rau củ quả khác. Dưỡng chất này giúp duy trì đôi mắt sáng khỏe, đẩy lùi bệnh tật.

Lòng đỏ trứng gà có chứa một lượng lutein và zeaxanthin tuy không cao nhưng đi kèm với một số hợp chất rất tốt cho sức khỏe như: Chất béo, chất đạm lành mạnh được khuyến cáo nên bổ sung nhiều cho cơ thể. Tuy hoạt chất chống oxy hóa không cao nhưng trứng gà có thể giúp người bệnh đau mắt đỏ hấp thu được nhiều chất dinh dưỡng có lợi hơn.

Các loại thịt đỏ như thịt bò trong thành phần có những dưỡng chất rất tốt cho cơ thể như: Chất đạm, chất béo, một số loại vitamin cùng khoáng chất khác... Cùng với đó, trong thịt bò còn có những hợp chất tốt như chất chống oxy hóa astaxanthin giúp chống lại quá trình oxy hóa do vi khuẩn Haematococcus pluvialis sản sinh. Đây là loại chất công nhận có tác dụng mạnh hơn cả lutein và zeaxanthin kết hợp. Vì vậy thịt bò hay các loại thịt đỏ khác như: Thịt lợn, thịt cừu, thịt bê, thịt dê... chính là những thực phẩm cần thiết bổ sung.

Ngoài giúp bệnh đau mắt đỏ nhanh hồi phục, thịt đỏ còn rất tốt cho sức khỏe đôi mắt, chất astaxanthin có khả năng giúp đẩy lùi hay hạn chế sự tiến triển của một số vấn đề liên quan đến mắt khác như: Tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể...

Các loại cá nước lạnh như: Cá hồi, cá thu, cá mòi... trong thành phần rất giàu Omega-3. Hoạt chất này có tác dụng giúp giảm viêm, sưng, đau và nó cũng là thành phần quan trọng giúp cho mắt giữ độ ẩm phù hợp.

Lý chua đen là một loại cây bụi, sinh trưởng ở vùng khí hậu ôn đới hoặc ôn hòa. Quả của loại cây này trong thành phần rất giàu dưỡng chất, vitamin C cùng các chất chống oxy hóa. Đặc biệt, trong thành phần của quả lý chua đen có hàm lượng chất anthocyanin rất cao, dao động từ 190 - 270 mg cho 100g quả này. Loại chất này giúp ức chế sự kích hoạt của các thành phần gây viêm.

Những thực phẩm người bệnh đau mắt đỏ nên kiêng

Khi đang trong giai đoạn bị đau mắt đỏ, cơ thể người bệnh thường rất nhạy cảm và tình trạng dị ứng cũng chính là nguyên nhân khiến cho bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Vì thế, cần nhớ những loại thực phẩm có thể gây dị ứng cho cơ thể:

Những đồ cay nóng: là một trong những thực phẩm mà bệnh nhân đau mắt đỏ nên tránh xa. Nguyên nhân vì những thực phẩm này có thể khiến cho mắt khó chịu hơn, dễ chảy nước mắt, dễ có thói quen dụi mắt. Vì thế, hãy loại bỏ những đồ ăn cay nóng chẳng hạn như ớt, hạt tiêu, hành tây,… trong bữa ăn của bạn khi bị bệnh.

Không nên sử dụng chất kích thích: Các loại đồ uống có chứa chất kích thích như rượu bia, đồ uống có ga,… đều không tốt cho sức khỏe. Vì thế, không chỉ những người bị bệnh đau mắt đỏ mà ngay cả những người khỏe mạnh cũng cần tránh xa những loại đồ uống này để bảo vệ sức khỏe và phòng ngừa nguy cơ bệnh có thể tiến triển nghiêm trọng hơn.

Người bệnh cũng nên bỏ thói quen hút thuốc lá vì trong thuốc lá có chứa chất nicotin, sẽ khiến cho đôi mắt đang không khỏe cần phải điều tiết nhiều hơn.

Không nên ăn nhiều mỡ động vật: Ăn nhiều mỡ động vật không chỉ khiến tăng cân, gây hại cho gan mà còn có tác động tiêu cực đến tình trạng đau mắt đỏ. Cụ thể, nếu ăn nhiều mỡ động vật trong thời điểm này sẽ khiến cho bệnh khó được cải thiện. Chuyên gia khuyên nên thay thế mỡ động vật bằng dầu thực vật để đảm bảo cho sức khỏe.

Không nên lạm dụng kháng sinh: Nếu bị đau mắt đỏ, người bệnh nên đi khám để được bác sĩ tư vấn về chế độ chăm sóc đúng cách. Tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc, lạm dụng thuốc kháng sinh dẫn tới nguy cơ biến chứng vô cùng nguy hiểm.

Đọc thêm