Người Việt đầu tiên tham gia Hiệp hội Sigma Xi
“Tôi biết con đường mình chọn nhiều gian nan, vất vả nhưng tôi vẫn kiên quyết đi vì ước mơ của tôi là nghiên cứu sản xuất ra thuốc có thể cứu được nhiều người cùng một lúc”.
Đó là chia sẻ của TS Trương Thanh Tùng (SN 1989), Trưởng nhóm nghiên cứu thuốc mới, Khoa Dược, Đại học Phenikaa (Hà Nội), Giải thưởng 10 “Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2022” ở lĩnh vực Nghiên cứu khoa học.
|
TS Trương Thanh Tùng, học Dược để cứu được nhiều người. (Ảnh NVCC) |
Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, không trở thành trình dược viên, kinh doanh, phân phối thuốc với nguồn thu nhập hấp dẫn, Trương Thanh Tùng quyết định theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học. Anh tiếp tục học tập, làm việc tại nhiều quốc gia, như: Hàn Quốc, Đan Mạch, Phần Lan, Anh, Mỹ…
Trải qua 8 năm học tập, làm việc tại nhiều quốc gia, cuối năm 2019, anh trở về Việt Nam, bỏ mặc những lời mời làm việc với mức đãi ngộ hấp dẫn ở nhiều quốc gia. Ngày anh quyết định trở về Việt Nam, GS Peter Wipf (ĐH Pittsburgh - Mỹ) đã gặp riêng anh để nói về việc vài năm nữa, anh trở thành PGS, việc có thẻ xanh ở Mỹ là điều dễ dàng…
Đến nay, TS Tùng vẫn giữ mối quan hệ thân thiết với GS Peter Wipf. Mỗi khi anh có bài báo khoa học, thành tựu nào nổi bật, ông đều đăng lên mạng xã hội Twitter đầy tự hào. Anh nói: “Cái tôi ưu tiên lựa chọn hàng đầu là chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân chứ không phải tiền, nên mọi khó khăn, thách thức là điều không tránh khỏi”.
TS Trương Thanh Tùng và nhóm nghiên cứu là những người đầu tiên đi theo con đường tổng hợp thuốc. “Khát vọng lớn nhất của tôi và nhóm nghiên cứu là trong tương lai Việt Nam sẽ làm chủ hoàn toàn quy trình từ nghiên cứu, phát triển, tổng hợp sản xuất được các loại thuốc. Nước ngoài sẽ phải đến đất nước chúng ta để mua bản quyền sản xuất thuốc”, TS Tùng chia sẻ.
Theo TS Tùng, hiện trên thế giới, nhiều công ty dược và nhóm nghiên cứu chủ yếu tập trung vào những căn bệnh mang lại nguồn lợi kinh tế lớn như ung thư, Alzheimer, đái tháo đường,… không đầu tư nhiều cho các bệnh truyền nhiễm. Hậu quả là thế giới không kịp trở tay khi đại dịch bệnh truyền nhiễm như COVID-19, Ebola… bùng phát. Nhóm nghiên cứu của TS Trương Thanh Tùng được xem là nhóm nghiên cứu duy nhất tại Việt Nam đi theo hướng “quorum sensing” để tìm thuốc mới thay thế kháng sinh.
TS Tùng và nhóm đã có 10 công bố khoa học trên các tạp chí uy tín quốc tế nghiên cứu các chất mới thay thế kháng sinh. Các chất mới đã mở ra hướng điều trị mới cho bệnh nhân đa kháng thuốc (kháng kháng sinh) theo hướng ức chế quorum sensing đầu tiên tại Việt Nam; hứa hẹn sớm có các sản phẩm thuốc “Make in Vietnam”. Đáng chú ý, năm 2022, anh và nhóm có công trình mang dấu ấn quốc tế về nghiên cứu thuốc điều trị HIV mới với tiềm năng áp dụng cho lâm sàng, được thế giới đánh giá rất cao.
Trước đó, vào năm 2014, TS Trương Thanh Tùng được Tổ chức sáng chế châu Âu (EPC) cấp bằng sáng chế quốc tế khi tìm ra dẫn chất benzothiazole có khả năng điều trị ung thư trúng đích. Hiện nhóm nghiên cứu của anh đang phát triển dẫn chất benzothiazole thành thuốc điều trị.
Tháng 11/2022, TS Trương Thanh Tùng là nhà khoa học trẻ (ngoài Mỹ) đầu tiên của Việt Nam được hội đồng quốc tế bầu trực tiếp là thành viên chính thức của Hiệp hội khoa học nghiên cứu quốc tế danh giá Sigma Xi. Sigma Xi là một trong những hiệp hội khoa học nghiên cứu lâu đời và uy tín nhất thế giới, được thành lập vào năm 1886, có trụ sở tại Mỹ. Trong suốt 136 năm lịch sử, Hiệp hội đã có hơn 200 thành viên đạt giải thưởng Nobel, bao gồm các nhà khoa học nổi tiếng như: Albert Einstein, James Watson...
Năm 2022, TS Trương Thanh Tùng xuất sắc vượt qua hơn 2.000 hồ sơ, được bầu chọn là 1 trong 28 nhà khoa học trẻ tiêu biểu thế giới. Hiện anh là thành viên hội đồng biên tập của 6 tạp chí quốc tế ISI, tham gia phản biện cho 20 tạp chí top đầu của hệ thống các nhà xuất bản trên thế giới… Anh đang sở hữu hơn 40 công bố khoa học quốc tế.
Trong suốt quá trình hoạt động nghiên cứu và giảng dạy của mình, TS Tùng đạt được nhiều thành tích nổi bật như: Phát minh thuốc điều trị HIV mới. Phát minh này đã được thế giới đánh giá cao với tiềm năng trở thành thuốc điều trị HIV trong tương lai; Có 40 công bố quốc tế, bao gồm: 32 bài báo đã đăng trên tạp chí khoa học ISI, 4 công bố trên hội nghị quốc tế và 4 công trình trong nước…
Nghiên cứu phải có sứ mệnh phục vụ cộng đồng
TS Lê Thị Phương - Viện Khoa học vật liệu ứng dụng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam theo đuổi nghiên cứu khoa học từ khi là sinh viên ngành Kỹ thuật Hóa học Trường Đại học Bách khoa TP HCM, cách đây 15 năm. Ngay từ hồi đó, những thuật ngữ mới như công nghệ nano, công nghệ tái tạo mô hay tế bào gốc, chuyển đổi gene... đã cuốn hút, thôi thúc chị vào làm việc tại Viện Khoa học vật liệu ứng dụng. Chị đã bén duyên với vật liệu y sinh và có cơ hội sang Hàn Quốc làm nghiên cứu sinh.
|
TS Lê Thị Phương. (Ảnh YBook) |
Đến nay TS Lê Thị Phương, Quả cầu vàng năm 2022, Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng năm 2022 đã có hơn 10 bài báo khoa học xuất bản trên các tạp chí khoa học uy tín thế giới, có 2 bằng sáng chế quốc tế tại Mỹ và 3 bằng sáng chế quốc gia. Nhưng với chị, những kết quả này mới chỉ là bắt đầu.
Học tập ở Hàn Quốc gần 10 năm, mỗi lần gặp áp lực hay rào cản, chị chỉ biết tự động viên mình vượt qua để theo đuổi đam mê nghiên cứu khoa học và kiên định con đường đã lựa chọn. Cứ sau mỗi nghiên cứu, chị lại có thêm góc nhìn rộng hơn về lĩnh vực đang theo đuổi. Khi sự nghiệp nghiên cứu ở Hàn Quốc đang phát triển, bất ngờ TS Lê Thị Phương quyết định về nước để vừa nghiên cứu và vừa giảng dạy, truyền đạt đam mê khoa học cho sinh viên.
Trên hành trình nghiên cứu vật liệu y sinh, TS Lê Thị Phương đã kiên trì tìm ra hướng đi mới. Chị đã nghiên cứu ra hydrogel tiêm tại chỗ mới hiệu quả hơn trong việc cầm máu, chữa lành vết thương, tái tạo mô, giúp nâng cao sức khỏe của bệnh nhân. Đặc biệt, chị đã cải tiến thêm nhiều thành phần giúp vật liệu tạo thành hydrogel tiêm tại chỗ mới có tính tương hợp sinh học cao, khả năng kháng khuẩn, kháng viêm, giảm sự hình thành sẹo.
TS Phương còn thành công trong việc phát triển phương pháp mới sửa đổi tính bề mặt các thiết bị hỗ trợ bệnh tim mạch (như stent, ống ghép mạch máu, ống thông) có chức năng kép bằng cách kết hợp tác dụng trị của haparin và nitric oxide. Phương pháp này không chỉ làm giảm nguy cơ gây nghẽn tắc mạch máu, tăng tỉ lệ thành công của ca cấy ghép, mà còn thêm ưu điểm phản ứng nhanh, đơn giản.
Theo TS Phương, nguồn dược liệu Việt Nam có tác dụng chữa lành vết thương rất phong phú, nhưng vẫn chỉ thường được sử dụng theo những bài thuốc cổ phương, gia truyền. Do đó, hướng nghiên cứu của TS Phương có tiềm năng rất lớn ở Việt Nam, giúp tận dụng các nguồn dược liệu sẵn có, kết hợp với các đặc điểm ưu việt của hệ hydrogel, để tạo ra được sản phẩm thương mại giúp chữa lành vết thương nhanh, hiệu quả.
TS Phương cho rằng, nghiên cứu chỉ dừng lại trên lý thuyết hay những bằng sáng chế mà không phục vụ con người, cộng đồng thì chưa hoàn thành sứ mệnh.
Thực tế, số lượng nhân lực trẻ, thanh, thiếu niên đã qua đào tạo ở các bậc cơ bản như đại học, cao đẳng ở Việt Nam đã tăng cao, nhưng trình độ thực tế vẫn còn hạn chế. Một phần vì công tác đào tạo còn trọng lý thuyết, chưa tập trung nhiều vào thực hành, khiến năng lực làm việc, sáng tạo và tiếp xúc thực tế bị hạn chế khá nhiều. Nhiều bạn trẻ được đào tạo chọn con đường làm việc và sinh sống tại các nước phát triển cũng khiến nguồn nhân lực trẻ trong nước hao hụt… Thế nên, những người trở về hay những người miệt mài ngày đêm với nghiên cứu khoa học ứng dụng dường như luôn đi ngược lại với số đông
TS Chu Đức Hà (sinh năm 1988) là giảng viên Khoa Công nghệ Nông nghiệp, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, với đặc thù công việc của mình, những nghiên cứu của anh hoàn toàn ở trong nước. Anh là tác giả của 5 giống lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu được công nhận cấp quốc gia và là tác giả của một sở hữu trí tuệ. Trong năm 2022, anh Hà gặt hái được nhiều giải thưởng như: Giải thưởng khoa học công nghệ Quả cầu vàng, giải thưởng Nhà giáo trẻ tiêu biểu cấp Trung ương, Huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo và gần đây nhất là Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng năm 2022…
|
TS Chu Đức Hà. (Ảnh T.Ư Đoàn) |
Ứng dụng công nghệ sinh học nhằm góp phần tạo ra giống lúa mới ứng phó với biến đổi khí hậu của TS. Chu Đức Hà được ví như “tín hiệu mở đường” trên hành trình “giải mã” các gen, giống quý để nâng tầm giá trị nông sản Việt.
Khác với lộ trình làm khoa học của nhiều tiến sĩ khác, TS Hà chọn học tập và gắn bó với nghiên cứu trong nước. Anh tâm niệm rằng, nếu được đào tạo một cách bài bản ở trong nước dưới sự sát sao và quyết liệt của người hướng dẫn thì chất lượng đầu ra của các tiến sĩ “quốc nội” hoàn toàn có thể “sòng phẳng” với các tiến sĩ được đào tạo ở nước ngoài.
“Có thời điểm, tiến hành thí nghiệm xong, kết quả nghiên cứu đã được nhóm khác trên thế giới công bố trước, tôi tự động viên mình làm lại để tạo đà cho những phát hiện mới sau này. Tôi cho rằng nhà khoa học ngoài việc nỗ lực trau dồi tri thức cũng cần “dai dẳng, quyết liệt” trong nhiệm vụ “đứng trên vai người khổng lồ”. Đó là kế thừa nghiên cứu đi trước nhưng phải gắn với nhiệm vụ “tìm ra cái mới” để đáp ứng kỳ vọng của xã hội”, anh nói.
Hiện tại, bên cạnh sứ mệnh “giải mã” các gen, giống quý phục vụ nông nghiệp, anh còn giữ vai trò “truyền lửa” cho các thế hệ sinh viên của Khoa Công nghệ Nông nghiệp, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Anh luôn hy vọng có thể nối dài hành trình nghiên cứu khoa học đến các bạn sinh viên Gen Z.
“Lực lượng nghiên cứu khoa học nông nghiệp hiện vẫn khiêm tốn so với những ngành khác. Tôi tin và kỳ vọng, các bạn trẻ sẽ là những thế hệ “công dân số” tiên phong trong việc tiếp cận khoa học kỹ thuật để phát huy vai trò, vị thế của ngành nông nghiệp Việt Nam”, TS Chu Đức Hà bày tỏ.