Điểm a khoản 1 Điều 245 (Trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung) quy định: “1. Viện kiểm sát ra quyết định trả hồ sơ vụ án, yêu cầu Cơ quan điều tra điều tra bổ sung khi thuộc một trong các trường hợp: a) Còn thiếu chứng cứ để chứng minh một trong những vấn đề quy định tại Điều 85 của Bộ luật này mà Viện kiểm sát không thể tự mình bổ sung được;...”.
Điểm a khoản 1 Điều 280 (Trả hồ sơ để điều tra bổ sung) quy định: “1. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa ra quyết định trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung khi thuộc một trong các trường hợp: a) Khi thiếu chứng cứ dùng để chứng minh một trong những vấn đề quy định tại Điều 85 của Bộ luật này mà không thể bổ sung tại phiên tòa được;...”.
Phối hợp thực hiện trả hồ sơ để điều tra bổ sung trong các trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 245 và điểm a khoản 1 Điều 280 của Bộ luật Tố tụng Hình sự nói trên được Thông tư liên tịch số 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP hướng dẫn cụ thể, theo đó, chứng cứ để chứng minh những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự quy định tại điểm a khoản 1 Điều 245, điểm a khoản 1 Điều 280 của Bộ luật Tố tụng hình sự là chứng cứ quy định tại Điều 86, Điều 87 Bộ luật Tố tụng Hình sự dùng để chứng minh một hoặc nhiều vấn đề quy định tại Điều 85, Điều 441 của Bộ luật Tố tụng Hình sự mà nếu thiếu chứng cứ này thì không giải quyết vụ án được khách quan, toàn diện, đúng pháp luật.
Cụ thể, Viện kiểm sát, Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung khi thiếu chứng cứ thuộc một trong 13 trường hợp. Thứ nhất, chứng cứ để chứng minh “có hành vi phạm tội xảy ra hay không” là chứng cứ để xác định hành vi đã xảy ra có đủ yếu tố cấu thành tội phạm cụ thể được quy định trong Bộ luật Hình sự hay thuộc các trường hợp không phải là hành vi phạm tội (quan hệ dân sự, kinh tế, vi phạm hành chính và các trường hợp khác theo quy định của luật).
Hai là, chứng cứ để chứng minh “thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội” là chứng cứ xác định nếu có hành vi phạm tội xảy ra thì xảy ra vào thời gian nào, ở đâu; phương pháp, thủ đoạn, công cụ, phương tiện thực hiện tội phạm như thế nào.
Ba là, chứng cứ để chứng minh “ai là người thực hiện hành vi phạm tội” là chứng cứ xác định một chủ thể cụ thể đã thực hiện hành vi phạm tội đó. Bốn là, chứng cứ để chứng minh “có lỗi hay không có lỗi” là chứng cứ xác định chủ thể có lỗi hoặc không có lỗi khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội; nếu có lỗi thì là lỗi cố ý trực tiếp hay lỗi cố ý gián tiếp hoặc lỗi vô ý do quá tự tin hay lỗi vô ý do cẩu thả theo quy định tại Điều 10 và Điều 11 của Bộ luật Hình sự.
Năm là, chứng cứ để chứng minh “có năng lực trách nhiệm hình sự không” là chứng cứ xác định khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự chưa; có mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình hay không; nếu có thì mắc bệnh đó vào thời gian nào, trong giai đoạn tố tụng nào.
Sáu là, chứng cứ để chứng minh “mục đích, động cơ phạm tội” là chứng cứ xác định chủ thể thực hiện hành vi phạm tội với mục đích, động cơ gì; mục đích, động cơ phạm tội là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự hay là tình tiết định tội, tình tiết định khung hình phạt.
Bảy là, chứng cứ để chứng minh “tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo” là chứng cứ xác định bị can, bị cáo được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nào quy định tại Điều 51, Điều 84 của Bộ luật Hình sự hoặc áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự nào quy định tại Điều 52, Điều 85 của Bộ luật Hình sự.
Tám là, chứng cứ để chứng minh “đặc điểm về nhân thân của bị can, bị cáo” là chứng cứ xác định lý lịch của bị can, bị cáo; nếu bị can, bị cáo là pháp nhân thương mại thì phải chứng minh tên, địa chỉ và những vấn đề khác có liên quan đến địa vị pháp lý và hoạt động của pháp nhân thương mại.
Chín là, chứng cứ để chứng minh “tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra” là chứng cứ để đánh giá tính chất, mức độ thiệt hại, hậu quả về vật chất, phi vật chất do hành vi phạm tội gây ra. Mười là, chứng cứ để chứng minh “nguyên nhân và điều kiện phạm tội” là chứng cứ xác định nguyên nhân chủ quan, khách quan, điều kiện cụ thể dẫn đến việc chủ thể thực hiện hành vi phạm tội.
Ngoài ra, chứng cứ để chứng minh “những tình tiết khác liên quan đến việc loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt” là chứng cứ chứng minh những vấn đề được quy định tại các Điều 20, 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28, 29, 59, 88 và các điều luật khác của Bộ luật Hình sự. Bên cạnh đó, chứng cứ khác để chứng minh một hoặc nhiều vấn đề quy định tại Điều 85 của Bộ luật Tố tụng Hình sự mà thiếu chứng cứ đó thì không có đủ căn cứ để giải quyết vụ án, như: chứng cứ để xác định tuổi của người bị buộc tội, người bị hại là người dưới 18 tuổi; chứng cứ để chứng minh vị trí, vai trò của từng bị can, bị cáo trong trường hợp đồng phạm hoặc phạm tội có tổ chức; chứng cứ để xác định trách nhiệm dân sự của bị can, bị cáo và những vấn đề khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.
Cuối cùng, trường hợp pháp nhân thương mại phạm tội thì ngoài việc xác định chứng cứ trong các trường hợp được quy định tại nói trên, còn phải xác định chứng cứ để chứng minh điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại theo quy định tại Điều 75 của Bộ luật Hình sự.
Viện kiểm sát ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung khi thiếu chứng cứ để chứng minh thuộc một trong các trường hợp nói trên mà Viện kiểm sát không thể tự mình bổ sung được.
Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa (trong giai đoạn chuẩn bị xét xử), Hội đồng xét xử (tại phiên tòa) ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung khi thiếu chứng cứ để chứng minh thuộc một trong các trường hợp nói trên nếu xét thấy không thể bổ sung được trong giai đoạn chuẩn bị xét xử hoặc tại phiên tòa.
Tuy nhiên, Thông tư liên tịch này cũng quy định, không trả hồ sơ để điều tra bổ sung khi thiếu chứng cứ để chứng minh thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này nhưng vẫn truy tố, xét xử được hoặc không thể thu thập được chứng cứ đó. Ví dụ 1, có 03 người làm chứng nhưng chỉ xác định được 02 người, hoặc hiện trường đã bị thay đổi không thể xem xét lại được hay vật chứng đã mất không thể tìm được.