1. Ông Phạm Nhật Vượng
Được mệnh danh là "ông vua" bất động sản tại Việt Nam. Gần 20 năm qua, các công trình bất động sản của Vingroup từ chung cư cho đến trung tâm thương mại "mọc lên như nấm" tại Việt Nam. Tốc độ phát triển thần tốc trong mảng bất động sản đã đặt Vingroup ngang hàng với những công ty, tập đoàn hàng đầu thuộc lĩnh vực này trong khu vực.
Ông sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, trong một gia đình có 3 anh em. Năm 1987, ông tốt nghiệp đại học Mỏ địa chất, sau đó được chọn sang Liên bang Nga du học. Năm 1992, ông tốt nghiệp đại học và cùng vợ khởi nghiệp tại Kharkov (Ukraine).
Chỉ một thời gian ngắn sau, vị doanh nhân gốc Hà Tĩnh có một quyết định vô cùng táo bạo khi bán toàn bộ “sản nghiệp” tại Ukraina để tập trung đầu tư tại Việt Nam. Không ngại thử thách và khó khăn, ông cùng các đồng sự đã triển khai thành công hàng loạt các dự án tầm cỡ ở các lĩnh vực như: BĐS, đào tạo, bệnh viện, khu nghỉ dưỡng…gắn liền với chữ “Vin” như Vinhomes, Vinmec, Vinschool…
Mới đây nhất, Vingroup đã chính thức gia nhập lĩnh vực xe hơi khi xây dựng Tổ hợp nhà máy sản xuất ô tô Vinfast tại Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, Hải Phòng vào tháng 9/2017. Dự kiến, Vinfast sẽ ra mắt hai dòng xe mới vào quý III/2019.
Với những số liệu cùng các con số kể trên, không quá khó hiểu cho sự thăng tiến của ông Phạm Nhật Vượng trên BXH Forbes năm nay.
Đây đã là năm thứ 6 liên tiếp ông Phạm Nhật Vượng có tên trong BXH của Forbes. Năm nay tạp chí danh tiếng này ghi nhận số tài sản của ông lên tới 4,3 tỷ USD, tương đương xếp thứ 499, tăng hơn hẳn so với khối tài sản 2,4 tỷ USD và thứ hạng 867 được ghi nhận vào năm 2017.
2. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo
Được biết đến là người Việt Nam thứ 2 được Forbes ghi nhận là tỷ phú USD, bà Thảo cũng khá ít xuất hiện trên các tờ báo trong nước, đa phần những thông tin về bà lấy lại từ những trang báo nước ngoài – nơi bà Thảo thường “tình cờ” xuất hiện trước những thương vụ quan trọng của VietJet hay HDBank.
Cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, bà Thảo cùng chồng đã khởi nghiệp với các mặt hàng tiêu dùng, nhu yếu phẩm, điện tử, may mặc, cao su… Năm 2004, vợ chồng nữ tỷ phú gốc Hà Nội hồi hương và đầu tư tại Việt Nam bằng việc thành lập CTCP Sovico và phát triển hệ sinh thái doanh nghiệp cho riêng mình.
Hệ sinh thái của bà Thảo sau này vận hành theo mô hình kinh điển được giới tài phiệt thế giới ưa thích, dựa trên 3 trụ chính, gồm: Tài chính Ngân hàng – Bất động sản – Điện, năng lượng và hàng không.
Các doanh nghiệp này đã và đang hình thành một cộng đồng nội khối, tận dụng thế mạnh của từng công ty, từng lĩnh vực để đảm bảo sự phát triển bền vững cho toàn hệ thống.
Nói đến thành công của VietJet Air không thể không nhắc đến bàn tay “chèo lái” của CEO Nguyễn Thị Phương Thảo. Bằng sự tự tin, kiên định, khả năng hoạch định chiến lược, khả quản trị, nữ doanh nhân gốc Hà Nội đã biến điều không thể thành có thể.
Kể từ khi thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên vào cuối năm 2011, đến nay Vietjet Air đã trở thành hãng hàng không đứng đầu thị trường với đội bay lên tới 52 chiếc.
Khối tài sản cùng thứ hạng của bà Thảo trong BXH của Forbes năm nay là minh chứng rõ ràng nhất cho sự thành công của Vietjet Air. Không quá để nói rằng, khối tài sản của bà Thảo tỷ lệ thuận cùng tần suất cất cánh của những chiếc tàu bay của Viejet Air trong năm vừa qua. Nó tăng một cách chóng mặt.
3. Ông Trần Bá Dương
THACO, hay còn được biết đến với cái tên Ô tô Trường Hải, do ông Dương sáng lập năm 1997, đang mở rộng hoạt động kinh doanh ô tô từ sản xuất, lắp ráp, phân phối và bán lẻ các loại xe, trong lúc Việt Nam ngày càng hội nhập ở khu vực và cuộc cạnh tranh trên thị trường ô tô ngày càng gay gắt.
Ngoài ô tô, từ vài năm nay, ông chủ Thaco còn lấn sân sang lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng và bất động sản thông qua công ty Đại Quang Minh. Một loạt dự án đang được tiến hành ở Thủ Thiêm như dự án khu đô thị Sala, bốn tuyến đường chính, cầu Thủ Thiêm 2, quảng trường trung tâm, công viên bờ sông... THACO cũng phát triển ngành kinh doanh mới là sản xuất máy nông nghiệp.
Theo báo cáo tài chính, tổng tài sản của Trường Hải đạt hơn 55.500 tỷ đồng. Trên thị trường không chính thức (OTC), những lệnh chào mua cổ phiếu Thaco được đặt trong khoảng từ 65.000 đến 69.000 đồng. Mức giá này đồng nghĩa với việc nếu Trường Hải lên sàn chứng khoán, công ty này có giá trị khoảng 5 tỷ USD.
Đây là đầu tiên ông Trần Bá Dương có tên trong BXH của Forbes với giá trị tài sản 1,8 tỷ USD, xếp thứ 1.339.
4. Ông Trần Đình Long
Tốt nghiệp chuyên ngành Toán Kinh tế tại Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, năm 1992, ông cùng cộng sự lập công ty đầu tiên có tên là Công ty TNHH Thiêt bị phụ tùng Hòa Phát (Hòa Phát – với nghĩa hợp hợp và phát triển). Sau đó, ông sáng lập và giữ vị trí chủ chốt tại nhiều công ty thuộc “họ” Hòa Phát.
Chỉ sau gần 20 năm, ông Long và cộng sự đã đưa Hòa Phát vươn mình thành một trong những Tập đoàn lớn nhất Việt Nam, hoạt động trong nhiều lĩnh vực như: sản xuất thép, khai khoáng, nội thất, BĐS, sản xuất máy móc thiết bị, nông nghiệp công nghệ cao… tại nhiều tỉnh thành. Năm 2018, doanh thu của Hòa Phát đã cán mốc 46.800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 8.000 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Cũng trong năm này, Hòa Phát xác lập kỷ lục kinh doanh cao nhất từ trước đến nay với 3 triệu tấn thép thành phẩm các loại. Với việc triển khai siêu dự án Dung Quất, Chủ tịch HĐQT Hòa Phát tự tin với mục tiêu doanh thu 100.000 tỷ đồng (gấp 3 lần doanh thu 2016) của Tập đoàn này vào năm 2020.
Quy mô của Hòa Phát lớn đến mức, doanh thu của công ty này trong năm 2017 bằng xấp xỉ 2 doanh nghiệp lớn ngành thép trên sàn chứng khoán là Hoa Sen và Nam Kim cộng lại.
Cũng giống như ông Trần Bá Dương (Trường Hải), đây là lần đầu tiên ông Trần Đình Long có mặt trong BXH của Forbes với khối tài sản 1,3 tỷ USD, xếp thứ 1.756.