Những“nhân chứng”nói gì về “sai phạm” tại trường Việt - Anh ?

Sở GD&ĐT Nghệ An đã không thể báo cáo gì với Bộ bởi thực tế, trường Trung cấp Việt - Anh đã làm rất tốt các hoạt động đi lâm sàng. Điều này không phải trường Việt - Anh tự quảng cáo mà được xác thực bởi chính các sinh viên đã và đang đi thực tập và các bệnh viện tiếp nhận sinh viên thực tập của trường Việt - Anh.

[links()]Trong lá đơn nặc danh phản ảnh những sai phạm của trường Việt - Anh có một nội dung quan trọng, được Bộ GD&ĐT “chỉ đạo” kiểm tra, làm rõ, đó là: “trong hoạt động đi lâm sàng, trường Trung cấp Việt - Anh không hề liên hệ cho sinh viên, và cũng không quản lý mà do học sinh tự liên hệ, sau đó, trường lại thu học phí của học sinh”.

Tuy nhiên, sự thật là trường Trung cấp Việt Anh đã làm rất tốt các hoạt động đi lâm sàng. Điều này không phải trường Việt - Anh tự quảng cáo mà được xác thực bởi chính các sinh viên đã và đang đi thực tập và các bệnh viện tiếp nhận sinh viên thực tập của trường Việt - Anh.

Để làm rõ vấn đề, nhóm phóng viên đã có cuộc tiếp xúc khách quan với những “nhân chứng” trong sự việc này.

Trường trung cấp Việt- Anh được đánh giá cao do có cơ sở vật chất khang trang, hiện đại, đồng bộ
Trường trung cấp Việt - Anh được đánh giá cao do có cơ sở vật chất khang trang, hiện đại, đồng bộ, ảnh Tiến Luyến

Khi được hỏi về những phản ảnh hoạt động đi lâm sàng của sinh viên theo đơn thư nặc danh, bác sỹ chuyên khoa 1  Trần Thị Loan, trưởng khoa Y trường trung cấp Việt - Anh không khỏi bức xúc. Cô Loan cho biết cô tốt nghiệp ĐH Y khoa Hà Nội năm 1973 và từ năm 1974 về dạy trường trung cấp Hà Tĩnh. Có thâm niên 29 năm đứng trên bục giảng và về công tác tại trường Việt Anh từ năm 2011, dạy môn bệnh học, kết hợp với đưa học sinh đi thực tập ở bệnh viện cô khẳng định: học sinh đi thực tập luôn được nhà trường theo sát, cử giáo viên có kinh nghiệm đi cùng để kết hợp thực hành với lý thuyết. Nhà trường còn cử đoàn thường xuyên đi kiểm tra hoạt động lâm sàng của sinh viên và có biên bản kiểm tra lưu hồ sơ sinh viên. “Các bệnh viện đều rất nhiệt tình, ủng hộ và vui vẻ tiếp nhận học sinh tới thực tập”, cô Loan khẳng định.

Cô Nguyễn Thị Thu Hà, trưởng khoa Dược cũng cho biết nhà trường có chương trình liên kết với các bệnh viện, các công ty dược phẩm, các hiệu thuốc lớn để đào tạo thực tế cho sinh viên. “Học dược khi ra trường dễ phát huy, dễ kiếm việc làm nhưng học thì khổ, vất vả. Chúng tôi luôn xác định cho sinh viên phải chịu khó thì ra trường mới làm việc được vì vậy giai đoạn thực tập với các em là hết sức quan trọng. Chúng tôi xác định mình đào tạo dược sỹ cung cấp cho địa phương, tuyến huyện nên ngoài các chuyên môn về dược, chúng tôi còn dạy cả y học cơ sở cho các em. Điều này xuất phát từ thực tiễn là hiện nay ở địa phương, dược sỹ gần như bác sỹ, phải tư vấn thuốc cho người mua, vì vậy các em phải được trang bị kiến thức đơn giản, các bệnh học đơn giản”, cô Hà nói rồi nhấn mạnh thêm: “Tôi đã dạy mấy trường thì thấy trường Việt - Anh là quy củ nhất đấy, vào đây chúng tôi còn phải dạy thử, đạt mới được dạy chứ trường khác họ gọi tới là dạy thôi”.

Học sinh trường Việt - Anh trong giờ học tại phòng thí nghiệm
Học sinh trường Việt - Anh trong giờ học tại phòng thí nghiệm

Điểm đặc biệt ở trường Việt Anh là ngoài các môn học chính, ngay khi nhập trường, sinh viên đã được học ngay các môn như kỹ năng giao tiếp, văn hóa ứng xử, kỹ năng mềm. “Chúng tôi xác định sinh viên của mình đều ở quê ra học nếu không dạy cho các em văn hóa giao tiếp, các kỹ năng mềm. Thực hành thì phải đào tạo trên mô hình thực tế, cầm tay chỉ việc cho các em”, thầy Lê Văn Đức, hiệu phó trường Việt - Anh cho biết.

Chính bởi được đào tạo kỹ năng mềm cộng với lý thuyết chắc, thực hành sinh động nên sinh viên trường Việt - Anh khi đi thực tập đều được các bệnh viện đánh giá cao về tinh thần trách nhiệm, tận tụy với nghề và chịu khó học hỏi chuyên môn. “Chúng tôi không đào tạo ồ ạt, sống chết mặc bay, tiền thày bỏ túi bởi chúng tôi xác định rõ lĩnh vực gì đào tạo ẩu thì hệ quả có thể khắc phục được chứ ngành y đào tạo ẩu hệ quả là tính mạng con người, không thể đào tạo ẩu”, ông Đức nói.

Nhóm phóng viên đã tới một số bệnh viện tuyến huyện và bệnh viện tư nhân trên địa bàn TP Vinh để kiểm chứng những thông tin ông Đức cung cấp. Tại bệnh viện Thành An - Sài Gòn, một trong những bệnh viện lớn nhất tỉnh Nghệ An, ông Lê Văn Thậu - Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp thẳng thắn nhận xét:  Chất lượng thực tập của sinh viên trường Việt - Anh rất tốt.

Ô
Ông Lê Văn Thậu

“ Bệnh viện chúng tôi có đội ngũ y bác sỹ giỏi, tay nghề cao, 200 giường bệnh và khoa phòng hiện đại, khang trang, thiết bị thăm khám đầy đủ nên các trường đào tạo về y dược như trường ĐH Vinh, trường Việt Anh thường xuyên gửi sinh viên vào thực tập. Chúng tôi và nhà trường ký hợp đồng giảng dạy với nhau một cách bài bản, quy củ. Sinh viên của trường Việt Anh thực tập 10 tuần liền (dài hơn thực tập của các trường khác 3 tuần), thậm chí có những đợt trường cho sinh viên thực tập hơn 3 tháng liền. Giáo viên trường Việt - Anh rất có trách nhiệm, bệnh viện cho học sinh thực tập theo nội dung nhà trường đề cập, nhà trường cử giáo viên phụ trách, theo sát sinh viên thực tập để giảng bổ sung lý thuyết để các em thực hành không bị bỡ ngỡ”. Ông Thậu nói và cho biết thêm bệnh viện rất nghiêm khắc với sinh viên thực tập, nếu sinh viên thực tập vi phạm nội quy, không nghiêm túc trong quá trình đi thực tập sẽ bị dừng thực tập ngay. “ Thực tế từ năm 2009 tới nay sinh viên trường Việt - Anh chưa có trường hợp nào bị dừng thực tập còn trường khác bệnh viện tôi đã dừng tới 6 trường hợp”, ông Thậu khẳng định.

Chính bởi làm tốt công tác cho sinh viên đi lâm sàng nên các khóa sinh viên y, dược của trường Việt Anh ra trường đều có việc làm, nhiều em tìm được việc làm ở các TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Thậm chí có trường hợp được tiếp nhận vào công ty dược và nhanh chóng được bổ nhiệm vị trí phó giám đốc công ty sau một thời gian ngắn làm việc suất sắc, hiệu quả.

“Tiếng lành đồn xa”, giờ đây ở tỉnh Nghệ An và các tỉnh lân cận, việc đi học Đại học không còn là con đường duy nhất, rất nhiều em đã biết “lựa cơm gắp mắm” chọn lựa học trung cấp, cao đẳng ở địa phương để nhanh chóng ra trường tìm việc làm phụ giúp gia đình. Trần Thị Thùy (SN 1990 ở Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) là một trong những trường hợp như vậy. Hiện đang theo học khoa Dược ở trường trung cấp Việt - Anh, ước mơ của Thùy là sau này sẽ tự mở một cửa hàng thuốc tây gần nhà, phục vụ cho người dân địa phương mình.

“Nhiều bạn bè của em cho rằng cứ phải học một trường Y ở Hà Nội hay thành phố lớn nhưng em thất không nhất thiết phải như vậy. Trường Việt - Anh có môi trường đào tạo tốt, giáo viên có tay nghề, nhiệt tình giảng dạy cho sinh viên chúng em vừa giỏi lý thuyết vừa vững thực hành thì ra trường sẽ dễ tìm được việc làm. Em đi mua thuốc ở thành phố Vinh hay huyện khác đều gặp các anh chị khóa trước đã ra trường và làm việc tại đây nên em thấy rất yên tâm khi học tại Việt - Anh”, Thùy chia sẻ.

Hai em Giáp và Thùy
Hai em Giáp và Thùy chia sẻ với phóng viên về ngôi trường các em đang học

Cùng yêu thích ngành Y như Thùy lại là “con nhà nòi” có bố mẹ làm trong công ty dược, em Chu Đức Giáp (SN 1994, cựu học sinh trường THPT Gia Phố, Hà Tĩnh) cũng không chọn một trường ĐH ở xa mà chọn học trung cấp ở trường Việt - Anh để theo học ngành dược. “Giáo viên trường Việt Anh rất nhiệt tình với học sinh, cơ sở vật chất rất tốt. Bố mẹ em đều làm trong công ty dược, khi nhìn giáo trình học và cách giảng dạy của trường Việt - Anh thì đều khen là rất tốt, học rất thực tế, cụ thể chứ không lý thuyết xuông vì học trung cấp có 2 năm nếu không nặng thực hành chắc chắn ra trường không làm được việc”, Giáp khẳng định.

Như vậy là đã rõ, những “sai phạm” của trường Việt - Anh về chất lượng đào tạo và hoạt động lâm sàng của sinh viên được tung lên dư luận thực chất chỉ là những thông tin không chính xác. Do đó, không có chuyện Bộ GD&ĐT hay Sở GD&ĐT Nghệ An dừng tuyển sinh trường Việt - Anh.

Bộ GD&ĐT cũng như Sở GD&ĐT Nghệ An kết luận trường trung cấp Việt - Anh chỉ có hai việc phải khắc phục đó là : xử lý trách nhiệm của trường trong việc liên kết với trường ASEAN ( thực tế Sở GD&ĐT Nghệ An đã xử lý và xử phạt trường Việt - Anh 5 triệu đồng và nhà trường đã khắc phục triệt để sai sót này). Việc thứ hai, trường Việt - Anh phải hoàn thiện công tác quản lý, trong đó có việc xem xét bằng cấp của ông Phan Huy Hoàng có đủ điều kiện để đảm nhiệm vị trí hiệu phó nhà trường hay không. Theo ông Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) trong trường hợp ông Hoàng thực sự không đủ điều kiện để đảm nhiệm vị trí hiệu phó (không có bằng Đại học) nhưng là nhà đầu tư thì ông Hoàng có thể là thành viên của HĐQT nhà trường, không phụ trách về chuyên môn.

Nhóm PVĐT

Đọc thêm