Những niềm vui bình dị đó chính là động lực để bà Kim Thị Thu Hà gánh trách nhiệm Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) được suốt 12 năm qua.
Từ năm 2005, bà Kim Thị Thu Hà được bà con Khmer ở ấp Bến Trị, xã Tập Sơn, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh tin tưởng bầu chọn là Tổ trưởng Tổ TK&VV của ấp. Tổ do Hội Phụ nữ quản lý, nằm trên địa bàn 1km dọc quốc lộ 54, có diện tích 335,65ha, chủ yếu trồng lúa và hoa màu khác.
Ấp có 371 hộ, 1.546 nhân khẩu, trong đó 300 hộ dân tộc Khmer với 1.261 nhân khẩu. Đời sống người dân nơi đây hầu hết còn khó khăn về nhiều mặt, thiếu vốn về kiến thức để phát triển sản xuất, nhất là nông dân nghèo và các đối tượng chính sách.
Đến nay, Tổ TK&VV mà bà Hà làm Tổ trưởng có 50 thành viên, trong đó có một số hộ thuộc đối tượng được vay từ 2 đến 3 chương trình, với tổng số vốn vay Phòng giao dịch NHCSXH huyện Trà Cú là 796,75 triệu đồng.
Tổ nhiều năm được Phòng giao dịch NHCSXH huyện Trà Cú, UBND xã Tập Sơn đánh giá là tổ hoạt động đạt hiệu quả tốt, tổ chức họp bình xét cho vay vốn kịp thời, vận động tiết kiệm và thu lãi tốt hàng tháng. Từ nợ quá hạn lúc đầu là 4,3%/tổng dư nợ, đến nay Tổ không có nợ quá hạn.
Đồng vốn tín dụng ưu đãi được người vay sử dụng đúng mục đích, đạt kết quả cao. Đã có 28 hộ nghèo vay vốn qua các năm làm ăn có hiệu quả vươn lên thoát nghèo. Nhiều hộ nghèo thiếu vốn sản xuất kinh doanh, nhờ đồng vốn của NHCSXH nay đã phát triển kinh tế gia đình đi vào ổn định, có tiền sửa sang nhà cửa, cho con ăn học...”, bà Kim Thị Thu Hà phấn khởi cho biết.
Trong đó, hộ bà Thạch Thị Thang vay vốn 12 triệu đồng để nuôi 02 con bò, hộ Kim Thị Sam vay vốn 18 triệu đồng để nuôi 03 con bò, hộ Kim Thị Ny vay vốn 17 triệu đồng nuôi 02 con bò, hộ Kim Thị Na vay vốn 10 triệu đồng để nuôi 02 con bò, hộ Kim Thị Sương vay vốn 15 triệu đồng để nuôi 2 con bò, đến nay các hộ này đã có thêm từ 01 đến 02 con bò nữa.
Bà Hà rất vui vì sự nỗ lực của bản thân đã đóng góp ít nhiều vào sự vươn lên đổi thay của các hộ gia đình trong Tổ. “Tôi luôn cố gắng thực hiện đúng và đầy đủ nhiệm vụ của Tổ trưởng và các nghiệp vụ mà ngân hàng đã ủy nhiệm. Khi ấp được phân bổ vốn, tôi đã vận động người dân trong ấp có nhu cầu vay vốn tham gia vào Tổ, cùng với Hội đoàn thể, Ban nhân dân ấp bình xét đối tượng vay vốn đúng theo quy định một cách công khai, dân chủ ưu tiên những hộ khó khăn hơn, không chia đều, xẻ mỏng đồng vốn được phân bổ mà căn cứ vào nhu cầu, mục đích sử dụng vốn của tổ viên, tạo điều kiện để các thành viên trong tổ tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi thuận lợi và nhanh chóng nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh của tổ viên” – bà cho biết.
Bên cạnh việc đưa đồng vốn đến với người nghèo, bà còn tham gia các lớp tập huấn về công tác giảm nghèo, về khuyến nông, khuyến lâm…, thường xuyên theo dõi và trực tiếp đến từng tổ viên để kiểm tra việc sử dụng vốn, động viên, thăm hỏi…, giúp các thành viên trong tổ đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, vốn vay phát huy hiệu quả.
Quan tâm đến từng hộ vay, bà Hà cũng kịp thời có đề xuất với cán bộ ngân hàng để có biện pháp ứng xử với từng khoản nợ, đồng thời phổ biến chủ trương, chính sách mới về tín dụng ưu đãi để các tổ viên vay vốn trong tổ được nắm bắt và thực hiện. „Đồng thời, tôi trao đổi kinh nghiệm, bàn cách làm ăn hiệu quả, quán triệt loại bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, làm cho từng tổ viên để họ hiểu được quyền lợi và ý thức trách nhiệm của mình trong việc vay vốn và sử dụng vốn” – bà nói.
“Tận mắt nhìn thấy các hộ nghèo vươn lên, cuộc sống bà con trong ấp phát triển ổn định, tôi vui lắm. Cũng mong Nhà nước bố trí thêm nguồn vốn để NHCSXH tăng mức đầu tư cho các chương trình như cho vay hộ nghèo từ 50 triệu đồng lên 70 triệu đồng, cho vay nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn từ 6 triệu đồng/công trình lên 12 triệu đồng/công trình, tạo điều kiện cho bà con phát triển kinh tế bền vững hơn” – bà Hà tâm sự.