Sau hơn một năm được giao đất, Dự án bến phà, đò Điện Biên (thị trấn Bình Minh, huyện Kim Sơn) không hề khởi động. Hàng ngàn m2 đất đang có dấu hiệu sử dụng sai mục đích.
Doanh nghiệp được “đặc cách”?
Tháng 3/2010, UBND tỉnh Ninh Bình có Quyết định 182 thu hồi 44.638,5m2 đất thuộc thị trấn Bình Minh giao cho Doanh nghiệp xây dựng Kim Phát thuê 50 năm để xây bến phà, đò Điện Biên qua sông Đáy. Việc xây dựng bến phà được cơ quan chức năng tỉnh Ninh Bình xác định là cần thiết vì thuận lợi giao thông cho 3 huyện Nghĩa Hưng (Nam Định), Kim Sơn (Ninh Bình), Nga Sơn (Thanh Hóa).
Toàn bộ số đất thu hồi cho dự án là bãi bồi ven sông, loại đất “hái ra tiền” của người dân nơi đây vì tốt cho nuôi thủy sản và trồng lúa.
Tuy nhiên, chờ mãi chẳng thấy dự án bến phà đò đâu, mà gần đây người dân bất ngờ khi đất bị đào thành ao sâu như để nuôi trồng và chế biến thủy sản!?
|
Người dân (trái) cho rằng, đất dự án đang bị đào, đắp để làm hồ nuôi tôm. |
Theo tìm hiểu của phóng viên, đất mà doanh nghiệp Kim Phát được thuê nói trên đã từng được UBND tỉnh Ninh Bình thu hồi năm 2007 để triển khai Dự án công trình khu neo đậu, trú bão cho tàu cá tại cửa sông Đáy theo Quyết định số 2209. Dự án này đã bồi thường cho những người có đất bị thu hồi, nhưng không hiểu sao đến năm 2010, một phần đất đã được bồi thường để triển khai dự án vừa nêu lại bị cắt ra cho doanh nghiệp Kim Phát thuê làm bến phà, đò? Như vậy, có nghĩa là doanh nghiệp này đã được hưởng lợi vì không mất một đồng bồi thường nào khi nhận mặt bằng. Vấn đề này ngay cả lãnh đạo huyện Kim Sơn - ông Ngô Văn Tuyến, Chánh Văn phòng UBND huyện này cũng chỉ có thể trả lời phóng viên rằng: “Chúng tôi cũng không hiểu tại sao nhu vậy…?”.
Việc UBND tỉnh cắt đất Dự án xây dựng công trình khu neo đậu trú bão cho doanh nghiệp tư nhân thuê cũng bị dư luận nghi ngờ là quá “đặc cách” cho doanh nghiệp. Tại quyết định thu hồi đất, giao đất, căn cứ để ra quyết định này chỉ có đề nghị của Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Ninh Bình, chứ không hề thấy căn cứ quyết định phê duyệt chi tiết dự án, báo cáo đánh giá tác động môi trường… của dự án.
Đáng nói, tính khả thi và sự cần thiết của dự án này không như những người đã “đẻ” ra nó đã ra sức khẳng định. Cụ thể, theo điều tra của PLVN, mỗi ngày tại vị trí xây bến phà chỉ lác đác vài người có nhu cầu qua sông. Họ chủ yếu từ Nghĩa Hưng (Nam Định) sang Kim Sơn để kiếm sống và chiều lại trở về bên kia. Hiện tại hai bờ có hai chiếc thuyền máy làm dịch vụ đưa đón. “Chỉ những ngày Tết khách mới đông, còn lại vừa làm vừa chơi vì ít khách qua sông ít. Có ngày chỉ có 4,5 người qua vào buổi sáng sớm. Thu nhập từ đưa đò chỉ vài chục ngàn đồng/ngày.” - ông Trần Văn Dũng, người lái đò tại đây cho biết.
Rõ ràng, ở đây đang có một sự vô lý: Một dự án thuê đất tới 50 năm, chỉ để kiếm một ngày vài chục ngàn đồng mà doanh nghiệp nghiệp vẫn liều lĩnh đầu tư? Nhu cầu đi lại rất ít ỏi mà cơ quan chức năng tỉnh Ninh Bình vẫn khẳng định việc xây dựng bến phà là cần thiết và mang lại hiệu quả lớn? Giả sử để kết nối giao thông của 3 huyện, thì 50 năm tới, có ai còn nhu cầu sử dụng phương tiện phà đò nữa hay không?
Thanh tra vào cuộc
Người lái đò Trần Văn Dũng có 1,6 ha đất bị thu hồi để làm dự án khu neo đậu tránh bão và sau đó chuyển cho dự án bến phà đò xót xa khi thấy đất của mình thu hồi rồi bị bỏ hoang. Ông Dũng gửi đơn khiếu nại tới cơ quan chức năng tỉnh Ninh Bình đề nghị làm rõ những khuất tất của dự án. Nhưng thật khó hiểu, sau khi nhận được đơn của ông Văn phòng UBND tỉnh Ninh Bình lại trả lại đơn và hướng dẫn ông gửi đến Sở TN & MT xem xét, giải quyết, trong khi vụ việc này thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình.
Phóng viên đã liên lạc với ông Vũ Công Hoan, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Ninh Bình để tìm hiểu thông tin, nhưng ông này đáp gọn: “Quan điểm của UBND tỉnh về vụ này đã được công khai trên báo Nhân dân ra ngày 01/9/2011. Phóng viên tìm tờ báo mà đọc…”. Phóng viên sau đó đã phải tìm những nội dung mà ông Chánh Văn phòng nói trên trên báo bạn, nhưng đó chỉ là văn bản của Sở Giao thông & Vận tải Ninh Bình trả lời đơn của ông Dũng, chứ không phải văn bản giải quyết của UBND tỉnh. Trong trả lời này, Sở Giao thông & Vận tải khẳng định, phà khi đi vào hoạt động sẽ mang lại hiệu quả lớn cho khu vực, việc đầu tư xây dựng là cần thiết. Ngoài ra, không hề thấy trả lời vì sao dự án này này chưa được triển khai.
Trong khi đó, tìm hiểu tại UBND huyện Kim Sơn, chúng tôi được biết, hiện tại, UBND tỉnh đã giao Thanh tra tỉnh Ninh Bình xem xét, xác minh đơn của ông Dũng. Đoàn thanh tra đã có buổi làm việc với huyện và yêu cầu UBND huyện báo cáo kết quả sử dụng đất tại dự án. Như vậy, vụ việc đang trong quá trình xác minh, chưa có kết luận, vì sao Chánh văn phòng UBND tỉnh Ninh Bình lại coi văn bản của Sở Giao thông & Vận tải là quan điểm giải quyết của UBND tỉnh để trả lời báo chí?
Thiết nghĩ, dự án bến phà đò Điện Biên cần được “hậu kiểm” một cách nghiêm túc để làm rõ có hay không việc nấp bóng dự án để chiếm đất và sử dụng đất sai mục đích?
Phan Vũ