15 năm, qua 2 cấp tòa
Trước đó, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội nhận được đơn gửi ngày 12/4/2021 của ông Nội về việc đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nộixem xét theo thủ tục Giám đốc thẩm đối với bản án dân sự phúc thẩm số 09/2021/DS-PT ngày 30/3/2021 của TAND tỉnh Ninh Bình đã có hiệu lực pháp luật.
Theo đơn phản ánh của ông Nội gửi Báo PLVN, suốt 15 năm qua, vụ việc liên quan đến đất đai nhà thờ của dòng họ ngành 2 chi 5 họ Nguyễn Trọng đã qua 2 cấp tòa dân sự của tỉnh Ninh Bình nhưng chưa giải quyết dứt điểm, không bảo vệ được quyền lợi chính đáng của dòng họ.
Khu đất có diện tích 587m2 nơi thờ tự của con cháu ngành 2 chi 5 dòng họ Nguyễn Trọng. |
Vụ việc liên quan đến khu đất thờ tự có diện tích 587m2 ở phố Trung Thành (phường Ninh Khánh, TP Ninh Bình) đã được ông cha của dòng tộc họ Nguyễn Trọng khai khẩn để lại, trải qua năm tháng đến nay là đời thứ 16.
Theo tìm hiểu khoảng đời thứ 11, 12, trên mảnh đất này có xây dựng một nhà thờ rộng 5 gian. Trong khuôn viên này có 2 loại đất, phần lớn là đất tổ tiên để lại. Diện tích còn lại khoảng 70-80m2 phía sau nhà thờ do ông Nguyễn Trọng Bồng (con trưởng đời thứ 12) mua thêm từ năm 1955-1959.
Từ năm 1997 trở về trước, phần đất này đứng tên ông Bồng. Ông Bồng mất năm 1991 không để lại di chúc, đến năm 1997 thì bà Thịu là vợ hai của ông Bồng, đứng ra kê khai và được cấp sổ đỏ.
Sau đó, bà Thịu đã lập di chúc để phân chia diện tích đất không đề cập đến nhà thờ cho các con riêng gồm bà Nguyễn Thị Út, bà Nguyễn Thị Tình và người con nuôi là ông Nguyễn Trọng Tường.
Việc phân chia đất nói trên đã vấp phải phản ứng trái chiều của không chỉ ông Nội mà rất nhiều con cháu trong ngành 2 chi 5 dòng họ Nguyễn Trọng. Do đó, ông Nguyễn Trọng Nội, đại diện dòng họ có đơn gửi đến các cấp Tòa để mong muốn nhận được những phán quyết đảm bảo quyền lợi chính đáng của dòng họ.
Điều đáng nói, ngày 21/6/2017, biên bản làm việc tại TAND Thành phố Ninh Bình giữa ông Bùi Văn Tặng – Thẩm phán và ông Nội, ông Tường, bà Út (đại diện bị đơn) đã có thống nhất.
Theo đó, bà Út được sử dụng diện tích đất có chiều rộng là 4,3m, dài 20m mà con gái bà Út đã xây nhà. Phần nhà thờ và diện tích đất còn lại giao cho ông Nội và nội tộc quản lý, sử dụng. Tuy nhiên, đến nay mọi ý kiến vẫn bất nhất, đại diện bị đơn không thực hiện theo thỏa thuận đã ký cam kết trước đó.
Cần một quyết định công bằng
Qua 2 cấp toà sơ thẩm, phúc thẩm vụ việc không giải quyết được ông Nội và ngành 2 chi 5 dòng họ Nguyễn Trọng đã có đơn kháng nghị lên Toà án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đề nghị xem xét, giải quyết.
Theo bản án phúc thẩm số 09/2021/DS-PT ngày 30/3/2021 của TAND tỉnh Ninh Bình, quá trình sử dụng đất, các đương sự đều xác nhận vợ chồng ông Bồng, bà Thịu trực tiếp quản lý, sử dụng ổn định mảnh đất trước năm 1945, đã đăng ký, có tên trên bản đồ, sổ mục kê, sổ địa chính, quá trình sử dụng không có tranh chấp gì. Do đó, năm 1997, UBND huyện Hoa Lư cấp GCNQSDĐ cho bà Thịu là có căn cứ, phù hợp điều 2, Luật Đất đai năm 1993.
Tuy nhiên, tại khoản 2 điều 36 Luật Đất Đai 1993 có quy định cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất thì cấp GCNQSDĐ. Trong trường hợp Chính phủ quyết định giao đất thì UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cấp sổ đỏ.
Tại thời điểm năm 1993, UBND tỉnh Ninh Bình đã có quyết định số 313 QĐ/UB ngày 06/04/1993 về việc ban hành quy định giao quyền sử dụng ruộng đất ổn định lâu dài cho hộ nông dân và đổi mới tổ chức quản lý hợp tác xã nông nghiệp. Khi đó, theo khoản 3, những đất sau đây không đưa vào cân đối để giao.
Việc cấp sổ đỏ cho bà Thịu có tuân theo hướng dẫn xử lý một số vấn đề về đất đai để cấp sổ đỏ theo công văn 1427/CV/ĐC Tổng cục địa chính hay không là vấn đề cần phải làm rõ.
Theo tài liệu mà ông Nội cung cấp, tháng 8/2007, Vụ đăng ký và thống kê đất đai, Bộ Tài nguyên & Môi trường có văn bản gửi ông Nội về việc cấp sổ đỏ cho bà Trần Thị Thịu.
Theo đó, cơ quan này khẳng định đơn xin cấp sổ đỏ của bà Thịu do ông Nguyễn Trọng Viễn ký tên mà không có ủy quyền của bà Thịu là không đúng quy định pháp luật về dân sự.
Trong hồ sơ xét duyệt cấp sổ đỏ của xã không có Biên bản của Hội đồng đăng ký đất đai xã và không có ý kiến về kết quả xét duyệt của UBND xã là không đúng quy định tại khoản 2 mục IV của Thông tư 302/TT/ĐKTK ngày 28/10/1989 của Tổng cục quản lý ruộng đất (nay là Bộ TN&MT) hướng dẫn việc cấp sổ đỏ.
Không chỉ vậy, ông Lâm Thành Xuyên (tên khác là Lâm Văn Xuyên), nguyên cán bộ sở địa chính khi đó, hiện nay là Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Khánh xác nhận đã không ký vào văn bản xác nhận theo sơ đồ phác họa liên quan đến thửa đất trên.
Từ nhiều khúc mắc nói trên, ông Nội mong muốn rằng các vấn đề trong việc cấp sổ đỏ cần được xem xét thấu đáo hơn nữa.
“Hiện nay khu đất này vẫn là nơi sinh hoạt tâm linh của 50 gia đình và hơn 200 con cháu của dòng họ Nguyễn Trọng. Nếu phân chia thửa đất theo di chúc của bà Thịu thì đâu sẽ là nơi thờ cúng của dòng họ ngành 2 chi 5 Nguyễn Trọng”, ông Nội đặt câu hỏi và đi tìm công lý.
Hiện, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội tại Hà Nội đang tiến hành xem xét đơn kháng nghị của ông Nguyễn Trọng Nội theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.