Một vũ khí sắc bén, hữu dụng trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ vững mạnh và nâng cao phẩm chất của mỗi cán bộ là “phê bình và tự phê bình” đã bị chuyển hóa sang “nịnh” và vô hiệu thứ vũ khí công hiệu này. Và, nịnh đã trở thành phổ biến, thành căn bệnh khó chữa, tác hại của nó hẳn rằng còn nguy hiểm hơn cả bệnh thành tích bởi tác động trực tiếp của nó là làm giảm sút sức chiến đấu của cả đội ngũ, khiến một số người tự mãn, ảo tưởng về “hào quang” của mình, ngỡ như ai làm lãnh đạo cũng là người tài ba xuất chúng và xứng đáng với cương vị đó, hệ quả là “bệnh kiêu ngạo cộng sản” xuất hiện, làm xấu đi hình ảnh của một đảng cầm quyền.
Không cứ chỉ có cấp dưới nịnh cấp trên, nhân viên nịnh thủ trưởng mà cả cấp trên cũng thể hiện hành vi “nịnh” với cấp dưới bằng cách “động viên, khích lệ” hoặc “đánh giá cao những nỗ lực”, “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, “tập thể đoàn kết, sáng tạo”...
Thấy rõ nhất là các đoàn đến “thăm và làm việc” tới các địa phương, cơ quan hoặc doanh nghiệp, công ty khi phát biểu tràn đầy những lời khen ngợi, cổ vũ mà không chỉ ra những khuyết điểm, yếu kém ở các đơn vị đó, chỉ đến khi quá đáng, không thể giữ kín được nữa thì mới thấy những việc chỉ đạo, điều hành kém cỏi, làm ăn thua lỗ hoặc cả vi phạm pháp luật ở những nơi vừa được cấp trên ngợi khen.
Giờ đây, khi công tác tổ chức cán bộ, chỉnh đốn và xây dựng bộ máy vững mạnh thực chất đi vào cuộc sống thì sự nhìn nhận khách quan, đánh giá đúng thực trạng và không “nịnh” nhau nữa (cả bằng quà cáp và lời nói) thì dứt khoát có sự biến chuyển tích cực trong lĩnh vực này. Và, từ đây, những phương châm “vì dân”, thực hiện “cần kiệm liêm chính” trong đội ngũ cán bộ thì mới có cơ trở thành hiện thực. Hơn tất cả, mỗi cán bộ phải là tấm gương mẫu mực và đó không phải chỉ là khẩu hiệu hoặc chỉ để “động viên” nhau! Thuốc chữa căn bệnh nan y có từ đây, khi đã bắt mạch và chỉ ra đúng căn bệnh đó.